Bao năm qua, con sông ấy cung cấp nước tưới, bồi đắp ruộng rẫy, êm đềm bao bọc cuộc sống yên bình của hàng ngàn hộ dân. Nhưng nay, “cát tặc” đua nhau cày xới, múc vét, xem cát như “vàng đỏ” khiến cho dòng sông trở nên cuồng nộ, lăm le nuốt nhà, ngoạm hoa màu. Bao phận người sống trong phập phồng, run rẩy. Sức khỏe lẫn sự bình yên đều đang bị uy hiếp cả ngày lẫn đêm.
Thắc thỏm không yên
Những ngày cuối tháng 5/2018, trên nhiều điểm nóng về khai thác cát trái phép ở huyện Khánh Vĩnh, huyện Diên Khánh, và TP. Nha Trang, các ghe tàu hút cát vẫn hoạt động rầm rộ, nhiều ghe hoạt động hiên ngang giữa ban ngày.
Các điểm tập kết cát và ghe hút trái phép vẫn tồn tại ngay cạnh các khu dân cư ở Nha Trang.
Ông Nguyễn Văn T. ở thôn Hạ (xã Diên Lâm, huyện Diên Khán) cứ ngước nhìn ra sông Cái là xót xa và nhấp nhổm không yên. Không chỉ ông T. mà hàng trăm hộ dân ở xã Diên Lâm chung một niềm tiếc nuối. Từ đời nọ nối tiếp đời kia họ luôn cảm nhận sâu sắc rằng sông sinh ra để cho người dân có cuộc sống tốt hơn, nhiều sinh hoạt thường nhật gắn chặt với sông. Vậy mà, giờ đây mỗi lần nhìn sông lại rùng mình giật thót. Phù sa không còn, bờ sông lở lói, những đối tượng hút cát thì vẫn hung hăng cày xới.
Hốc hác vì nhiều đêm trắng lo âu “cát tặc” hút cát sụt nhà, bà Lê Thị Nhung ở xã Diên An (huyện Diên Khánh) ngao ngán; Đã kêu mãi rồi, cũng chả ăn thua. Có khi người ta tập hợp hàng chục ghe để hút liên tục. Cát chất thành núi. Chẳng cần nhiều, nếu mỗi ngày mấy lần đi tuần tra quanh các tụ điểm hút cát thì đã không đến nỗi này bởi hầu hết các điểm hút cát, tập kết cát đều dễ nhận thấy, sát đường. Nhiều nhà dân ngô, đậu... sắp đến kỳ thu hoạch, bỗng nhiên sụp hết. Có người muốn kiện, muốn bắt đền nhưng thấy “cát tặc” hầu hết đều hung hãn quá nên đành cắn răng chịu đựng. Ngược lên xã Cầu Bà (huyện Khánh Hòa) mỗi khi màn đêm buông xuống, với nhiều người như một nỗi ám ảnh bởi “cát tặc” hoành hành ráo riết.
Không chỉ rầm rộ ở những vùng thưa dân cư như huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh mà ở ngay thành phố Nha Trang, “cát tặc” cũng khuấy đảo tạo nên sự bất an của nhiều xóm làng. Ông Tấn Sỹ sống ngay bên mép sông Cái đoạn chạy qua xã Vĩnh Ngọc (Nha Trang) thổ lộ: Nhà chúng tôi sinh sống ở đây đã mấy đời, sông là niềm tự hào, ai cũng xem đó như một sinh thể sống vì mỗi năm hai mùa mưa nắng, sông đã tạo nên bao lợi ích, sông đi cả vào giấc ngủ, bữa ăn của người dân. Thời gian gần đây, Vĩnh Ngọc thành điểm nóng của “cát tặc” nên cứ mỗi lần nước lớn hay có mưa, bờ sông lở ra khiến dòng chảy đổi thay, tạo lên những lốc xoáy ầm ào ập vào làng mạc hai bên sông. Có hôm đang chìm trong giấc ngủ khuya, nước cuồn cuộn thốc lên cửa nhà, ghế đá nặng chịch cũng bay luôn.
Bao đời bám dựa vào sông, thế hệ nọ trao truyền cho thế hệ kia là mảnh đất canh tác màu mỡ nhưng giờ đây bà Võ Thị Nhứm ở thôn Xuân Lạc 2 (xã Vĩnh Ngọc) ngậm ngùi trong đau tiếc. Bà bộc bạch; Cứ thế này tôi lo lắm, sợ không giữ được đất mà truyền cho con cháu nữa bởi cứ có mưa hay có tiếng máy nổ của ghe, tàu hút cát là nước sông lại cuồn cuộn ầm ào “nuốt” dần, “nuốt” mòn đất canh tác của mình. Đôi khi muốn đối đầu với “cát tặc” mà chúng hàng đoàn, hàng nhóm, chúng tôi lại chỉ biết... sợ run người.
Bước qua tuổi 60, bà Võ Thị Cúc và nhiều hộ dân ở thôn Ngọc Hội 2 (xã Vĩnh Ngọc) cũng nhìn ra sông với vẻ bất lực; Đất thổ cư nhà tôi còn bị lở vì “cát tặc” làm đảo lộn lòng sông chứ đừng nói chuyện hoa màu. Có người, thiếu ngủ triền miên vì âu lo không biết sông sẽ “ăn” mất nhà khi nào. Tiếng ghe tàu hút cát, đào bới sông như tiếng “ma quái” không để cho yên.
Ông Lê Văn Mỹ, Chủ tịch xã Vĩnh Ngọc (bên phải) cạnh đống ghe hút cát của “cát tặc” .
Thu lời khủng
Bấm đốt ngón tay nhẩm tính, bà Lê Thị Nga, một chủ cửa hàng chuyên bán cát xây dựng ở Nha Trang đánh giá, chúng tôi mua bán cát chuyên nghiệp, không bao giờ mua hàng gian, tất cả hàng hóa có nguồn gốc, công khai rõ ràng mà trừ mọi công tác vận chuyển, thuế má vẫn lời đậm vì tốc độ xây dựng ở Khánh Hòa ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Vậy còn “cát tặc” họ chỉ đi hút trộm ở sông về bán thì rõ ràng lời rất lớn. Giới “cát tặc” còn kháo nhau, cát đắt như “vàng đỏ” dại gì không đi hút.
Từ nỗi run sợ của hàng trăm hộ dân, có mặt dọc sông Cái đoạn chạy qua xã Vĩnh Ngọc lẫn huyện Diên Khánh trong nhiều ngày giữa tháng 5/2018, chúng tôi tận thấy nhiều điểm tập kết cát lậu cùng ghe hút rục rịch hoạt động. Có lần các ông trùm “cát tặc” còn đứng giữa bờ sông tuyên bố sẽ “xử” đến nơi nếu ai cản việc làm ăn phi pháp của họ. Người dân chỉ còn cách âm thầm nhắn tin cho nhau đi báo chính quyền. Nhiều khi chính quyền đến thì không kịp vì chúng đã di chuyển đi nơi khác.
Không mấy bất ngờ với các mánh khóe lẫn sự hung hãn của “cát tặc”, ông Lê Văn Mỹ, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc với khuôn mặt bơ phờ cho biết; Chính bản thân tôi nhiều đêm còn phải đi mật phục “cát tặc” nữa. Có thời điểm bắt được hàng loạt ghe hút cát, sỏi trái phép mang về chất đầy ủy ban xã đó. Vĩnh Ngọc là điểm nóng nhất của Nha Trang mà. Các đối tượng hút cát làm hỏng sông, chúng manh động và dữ dằn lắm. Cách hoạt động của chúng rất rảo hoạt, không cố định giờ giấc nào cả, chúng tôi phải tìm mọi biện pháp để thăm dò, nắm bắt diễn biến hoạt động của chúng. Có đối tượng còn lấy sim rác báo tin giả với lãnh đạo xã để thăm dò. Có đợt, chúng còn đe đánh cả đoàn công tác.
Cũng theo ông Mỹ, một nghịch lý là, các đối tượng hút cát trộm chuyên nghiệp thu lời từ cát chẳng thua kém gì việc mua bán thuốc phiện. Thế nhưng, khi bắt được “cát tặc” thì luật quy định chỉ xử phạt hành chính nên không đủ sức răn đe. Chúng sẵn sàng bỏ luôn ghe này để sắm ghe khác đi hút cát trộm tiếp.
Trước vấn nạn “cát tặc” lộng hành, khiến cuộc sống người dân bất an, ông Nguyễn Khánh Nguyện, Phó Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) TP.Nha Trang cũng nhận định; Đúng là nóng bỏng thật. Chúng tôi cùng các xã liên tục tuần tra. Nhu cầu cát xây dựng của thành phố rất lớn mà theo quy định của cấp trên, cả thành phố không được cấp phép mỏ hay điểm khai thác nào. Hút cát trộm rất lời, lại không sợ bị xử lý hình sự nên dẫu từ tỉnh đến huyện, thành phố ban hành rất nhiều kế hoạch đi truy lùng và xử lý “cát tặc”, nếu bắt được sẽ phạt, thu giữ tang vật... nhưng “cát tặc” vẫn hung hăng, khó xử lý dứt điểm lắm. Đặc biệt, hiện nay để đi truy đuổi, kiểm tra các tàu, ghe hút cát trái phép, lực lượng chức năng phải tìm kiếm để mượn ghe của tổ chức hoặc cá nhân chứ chưa được trang bị chiếc ghe nào.
Lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của dân
Hệ lụy từ việc “cát tặc” lộng hành đã khiến những hàm ếch khổng lồ xuất hiện dày đặc ở chân sông Cái, nhiều căn nhà, ruộng rẫy hoa màu đang đứng trước sự đe dọa bị xâm lấn. Các kế hoạch dẹp “cát tặc” được các cấp chính quyền tỉnh Khánh Hòa ban hành liên tục phần nào trấn an hàng ngàn người dân nhưng họ vẫn thiết tha về một sự bình yên lâu dài.
Nhiều người dân hay lưu thông qua sông Cái bày tỏ sáng kiến rằng; Hãy phạt mức nặng nhất và thưởng cho người phát hiện và cấp báo về “cát tặc”.
Quá bức xúc với “cát tặc” có người ở xã Vĩnh Ngọc còn gửi đơn kêu cứu lên Bộ TN&MT. Một số hộ dân ảnh hưởng nặng nề, bị các đối tượng hút cát làm lở sông, lở đất hoa màu ở thôn Đông (xã Sông Cầu, Khánh Vĩnh) thì cứu lên xã, lên huyện. Nhưng kêu mãi mà “cát tặc” vẫn tung hoành nên họ đành ngậm ngùi phó mặc.
Trước những diễn biến phức tạp của nạn khai thác cát trái phép trên sông Cái, trong văn bản gửi cho chúng tôi vào ngày 17/5/2018, Phòng khoáng sản (Sở TN&MT Khánh Hòa) khẳng định; Ngoài việc tăng cường các giải pháp về quản lý nhà nước, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Khánh Hòa tại Quyết định số 448/QĐ-UBND ngày 6/2/2018 nhằm nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương các cấp thông qua việc đánh giá, chấm điểm và bình xét thi đua. Đồng thời Sở TN&MT lập đường dây nóng số: 02583 822 654- 0967807979. Khi người dân phát hiện “cát tặc” hay có bất cứ sự kêu cứu nào liên quan đến nạn khai thác cát trái phép, cứ gọi vào số này sẽ có người đến xử lý.
Tại văn bản số 2653/QĐ-UBND, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng chỉ đạo UBND cấp huyện cần phát động phong trào quần chúng tham gia giám sát, phát hiện, tố giác các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, nhất là hành vi khai thác cát gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất.