Hà Nội

Quay cuồng cùng... bitcoin và cái giá phải trả

29-12-2017 07:49 | Pháp luật
google news

SKĐS - Thời gian gần đây, nhịp tim của các nhà đầu cơ bitcoin liên tục lên xuống theo thị giá của đồng “tiền ảo” này.

Nói ảo cũng đúng, mà thật cũng chẳng sai vì người ta có thể bán bitcoin lấy tiền. Tuy nhiên, với sự thất thường và dao động không theo bất kỳ khuôn khổ nào, “đồng tiền” này không chỉ khiến giới đầu cơ chóng mặt mà còn khiến nhiều người dân chưa nắm rõ luật chơi dễ mắc bẫy lừa đảo.

Chóng mặt vì… giá

Từ 1000 USD hồi đầu năm, bitcoin tăng thẳng đứng lên 20.000 USD, rồi lại tụt xuống 10.000 USD thời gian gần đây nhất. Chưa bao giờ cụm từ tiền ảo bitcoin lại được nhắc đến nhiều, mạnh và dồn dập như hiện nay. Kèm với sự tăng giá, phá vỡ mọi dự đoán của giới chuyên gia thì bên cạnh cơn cuồng phong của bitcoin, nhiều nhà đầu cơ chậm chân lại liên tục nếm cay đắng. Đỉnh điểm tăng giá của bitcoin rơi vào phiên giao dịch ngày 7/12 khi lên gần 20.000 USD từ mốc 16.000 USD chỉ sau 90 phút trên Coinbase - sàn giao dịch hàng đầu nước Mỹ.

Có rất nhiều nguyên nhân để bitcoin tăng giá như: Kỳ vọng của các nhà đầu tư, sự tuyên bố tham gia của một số quỹ lớn, một số sàn chứng khoán lớn trên thế giới đưa ra Hợp đồng tương lai của đồng tiền ảo này vào giao dịch…; song nguyên nhân lớn nhất, theo nhận định của các nhà đầu tư, chính là do cuộc gọi vốn bằng tiền ảo (ICO).

Đáng chú ý, khi giá bitcoin tăng thẳng đứng thì tình trạng giao dịch đã trở nên bất ổn, thậm chí hỗn loạn. Tại Việt Nam, người ta giao dịch bitcoin bằng nhiều cách, có thể tự giao dịch trực tiếp qua chuyển tiền ngân hàng và thẻ quốc tế.

Mua tiền ảo, mất tiền thật

Kèm với sự tăng giá, điều đáng ngại nhất là một số người, tổ chức đã sử dụng bitcoin để dụ dỗ người nhẹ dạ; Các quảng cáo về mua bán bitcoin trên hệ thống quảng cáo online tràn ngập. “Cày” bitcoin sắm được nhà lầu xe hơi, có cơ hội đổi đời, trở thành tỉ phú… là những lời quảng cáo, mời chào vô cùng hấp dẫn mà các sàn, trang web hướng dẫn người chơi bitcoin tung ra để lấy được niềm tin của khách hàng. Nhưng liệu “giấc mơ tỉ phú” có dễ dàng?

Ngày 27/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt giữ 3 đối tượng gồm: Thân Thị Toan (50 tuổi, trú tại xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang); Nguyễn Tuấn Giảng (63 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) và Nguyễn Thị Thi (54 tuổi, trú tại quận Long Biên, TP. Hà Nội) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vào cuộc xác minh, Cơ quan An ninh điều tra làm rõ 3 đối tượng trên đã cấu kết với một số đối tượng khác lập website liên quan đến hoạt động tiền ảo bitcoin, sau đó tự quảng cáo đây là hình thức đầu tư có lợi nhuận cao để mời chào người dân tham gia. Các đối tượng mời nhiều người đầu tư vào hàng trăm triệu đồng thực chất để chúng hưởng tiền hoa hồng khi huy động vốn, nhưng sau đó họ không thể rút lại được tiền.

Quay cuồng cùng... bitcoin và cái giá phải trảCác đối tượng lừa đảo huy động vốn để mua tiền ảo bị bắt giữ.

Cùng thời điểm, Công an tỉnh Gia Lai cũng triệt phá một vụ lừa đảo tiền ảo bitcoin. Chỉ trong thời gian ngắn, địa bàn tỉnh này có khoảng 1.900 ID, tức 1.900 bitcoin tham gia mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp ngân hàng cộng đồng bitcoin. Các đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt trên 22 tỉ đồng của người dân trong vùng.

Trước đó, Công an tỉnh Đồng Nai đã triệt phá đường dây huy động vốn công nghệ cao với số tiền chiếm đoạt lên đến 140 tỉ đồng, đồng thời bắt giữ đối tượng cầm đầu Nguyễn Minh Phương (39 tuổi; trú tại TP. Biên Hòa) cùng 2 đồng phạm. Chúng đã thành lập Công ty CP Phương Thái An rồi thuê người lập trang web để huy động vốn, kêu gọi rất nhiều người đầu tư tiền vào hệ thống mà bản chất là lấy tiền người sau trả người trước, còn lại chia nhau. Nhóm Phương đã thu gom ước tính 140 tỉ đồng, hệ thống đa cấp của nhóm này đã thu được 21.405 mã khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, bitcoin là đồng tiền chưa được pháp luật Việt Nam công nhận nên đương nhiên họ cũng không được bảo vệ quyền lợi khi có sự cố. NHNN cũng khuyến cáo các nhà đầu tư cần tránh bị cám dỗ của bitcoin và những loại tiền ảo khác để không bị rơi vào tình cảnh khốn quẫn.

Siết chặt quản lý bằng khung pháp lý

Trước thực tế này, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/ QĐ-TTg ngày 21/8/2017 về việc “Phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”.

Dưới góc độ chuyên môn, nhiều chuyên gia tài chính tán thành việc nghiên cứu xây dựng khung pháp lý cho quản lý tiền ảo, bởi xã hội đang cần các phương tiện giao dịch gắn liền với Cách mạng công nghiệp 4.0. Một số quốc gia đã sử dụng ứng dụng bitcoin như một công cụ để cải tiến cách thức quản lý, giao dịch trong hệ thống ngân hàng một cách hiệu quả.

Trên thực tế, những người không am hiểu về công nghệ rất dễ có nguy cơ bị lừa đảo khi tham gia giao dịch tiền ảo. Với tính ẩn danh, giao dịch tiền ảo sẽ không chịu sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Tội phạm cũng có thể sử dụng bitcoin như một phương thức để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền hay tài trợ khủng bố. Giao dịch bằng tiền ảo có thể làm nảy sinh hành vi trốn thuế, buôn lậu, đánh bạc trực tuyến (online).

Sự xuất hiện của tiền ảo đã thay thế một phần chức năng của loại tiền truyền thống và có khả năng tạo ra những thanh công cụ tiền tệ mới. Bitcoin tiềm ẩn nguy cơ rất cao khi thanh toán bằng tiền ảo, vậy người dân khi tham gia vào hoạt động kinh doanh không chính thức với nhiều yếu tố ảo trên mạng không chỉ gặp rủi ro về tài chính mà còn liên đới chịu trách nhiệm pháp lý khi giao dịch với tội phạm mà chính bản thân không kiểm soát được.


Hải An
Ý kiến của bạn