Hà Nội

Quảng Trị: Tích cực truyền thông, nâng cao nhận thức người dân về đảm bảo an toàn thực phẩm

02-10-2023 15:01 | Xã hội
google news

GĐXH – Theo các chuyên gia, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang là một trong những vấn đề nhức nhối cần quan tâm và có sự vào cuộc của toàn xã hội.

Vấn đề an toàn thực phẩm luôn được quan tâm, chú trọng

Theo các chuyên gia, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe, giảm tỷ lệ mắc bệnh, duy trì và phát triển nòi giống, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, văn hóa xã hội.

Tuy nhiên, dù đã có khá nhiều tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong công tác bảo vệ và vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như biện pháp về quản lý giáo dục như ban hành luật, điều lệ và thanh tra giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng các bệnh do kém chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm và thức ăn ở Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ khá cao. Vì vậy, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay đang là một trong những vấn đề nhức nhối cần quan tâm lưu ý nhất.

Quảng Trị: Tích cực truyền thông, nâng cao nhận thức người dân về đảm bảo an toàn thực phẩm - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại một cơ sở chế biến giò chả. Ảnh TL

Trên thực tế, một số địa phương đã và đang thực hiện tốt công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn. Chẳng hạn, tại Quảng Trị, theo báo cáo công tác an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh cho thấy, thời gian qua, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng của quần chúng nhân dân, công tác an toàn thực phẩm tại Quảng Trị đạt nhiều kết quả nổi bật, nhất là trong lĩnh vực truyền thông.

Theo đó, công tác thông tin truyền thông về đảm bảo an toàn thực phẩm luôn được triển khai đa dạng, phong phú với nhiều hình thức mới mẻ, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc thực hiện đúng các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

So với những năm trước, ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất kinh doanh thực phẩm ngày càng được nâng cao, người tiêu tiêu dùng đã hiểu về an toàn thực phẩm nên không xảy ra các trường hợp vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị cũng tích cực triển khai công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện an toàn thực phẩm tại các địa phương. 6 tháng đầu năm, ngành Y tế Quảng Trị đã triển khai kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ Lễ hội Thống nhất non sông và khai trương mùa du lịch Quảng Trị; Lễ hội Văn hóa – Ẩm thực Việt Nam; Kỉ niệm 50 năm ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại huyện Cam Lộ...

Tuy nhiên, công tác quản lý về an toàn thực phẩm còn khó khăn như: một số cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, cơ sở nhỏ lẻ kinh doanh thực phẩm theo mùa chưa quản lý được; cơ sở kinh doanh thực phẩm thường xuyên biến động thay đổi nên khó cho công tác quản lý.

Vẫn còn một số cơ sở ý thức của người sản xuất, kinh doanh chưa thay đổi vẫn còn vi phạm: vi phạm điều kiện vệ sinh cơ sở, vi phạm quy định về chất lượng, kinh doanh hàng hóa bị ẩm mốc, bụi bẩn v.v.. nhất là các các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm sản xuất thủ công, theo mùa vụ.

Đặc biệt, hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh, các hình thức kinh doanh thực phẩm online bùng nổ,... gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.

Huy động sự vào cuộc của các tôn giáo trong đảm bảo an toàn thực phẩm

Quảng Trị với đặc thù có 3 tôn giáo: Phật giáo, Công giáo và Tin Lành với 238 cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo, 67 chức sắc, 1.935 chức việc, nhà tu hành và khoảng hơn 107.700 tín đồ (chiếm gần 18% dân số toàn tỉnh). Trong thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm, đồng hành và phát huy mạnh mẽ vai trò của các tôn giáo trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Trị, trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Trong đó, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", thông qua đường hướng hoạt động, qua giáo lý và giáo luật, các chức sắc, chức việc đã tuyên truyền, huấn giáo tín đồ mở rộng tình yêu thương, sống vị tha, bác ái, bao dung.

Bên cạnh đó, khuyên răn tín đồ và quần chúng nhân dân tuân thủ pháp luật, không làm những việc trái với đạo đức xã hội, làm cho giá trị văn hóa, đạo đức, nhân văn ở các tôn giáo được lan tỏa trong đời sống xã hội, góp phần loại bỏ một số hủ tục, tập quán lạc hậu, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, gây nguy cơ dịch bệnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Ngoài ra, phong trào đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp là một trong những nội dung được các tôn giáo thực hiện có hiệu quả cao. Các tổ chức, cá nhân tôn giáo luôn đoàn kết xây dựng, bảo vệ cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Các phong trào tốt đời đẹp đạo, lan tỏa trong đời sống xã hội đã góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc, đạo đức truyền thống nhân văn của con người Việt Nam. Những mô hình hay, ý nghĩa của các tổ chức tôn giáo, sự đóng góp của các chức sắc, chức việc trong tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước góp phần giúp tỉnh Quảng Trị thực hiện có hiệu quả các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

6 Nhóm Người Dễ Mắc Ung Thư Phổi Nhất | SKĐS


Anh Khôi
Ý kiến của bạn