Theo UBND tỉnh Quảng Trị, đợt mưa lũ dị thường vào đầu tháng 4 đã khiến 1 người chết, 820 nhà bị ngập, hơn 11.600 ha lúa bị ngập úng, đổ rạp, nguy cơ mất trắng; gần 3.100 ha ngô, hơn 2.100 ha hoa màu bị đổ ngã, hư hại, hàng trăm ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, nhiều vùng bị ngập úng ảnh hưởng đến môi trường chăn nuôi của người dân, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh, nhiều km kênh mương nội đồng sạt lở, cuốn trôi... Tổng mức thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính gần 800 tỷ đồng.
Thiệt hại đợt mưa lũ trái mùa đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập, nguy cơ thiếu lương thực của các hộ gia đình nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, trước mắt là nguồn giống cho sản xuất vụ Hè Thu sớm và Thu Đông 2022.
Để giúp người dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, khôi phục khẩn cấp sau mưa lũ, tỉnh Quảng Trị đã đưa ra các giải pháp tập trung huy động mọi nguồn lực, ứng dụng đồng bộ các giải pháp mở rộng quy mô, đối tượng, thâm canh tăng vụ, xen canh, gối vụ trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Chủ động nguồn giống, vật tư thiết yếu đảm bảo chất lượng để triển khai ngay sản xuất vụ Xuân Hè, Hè Thu và Thu Đông 2022...
Ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị các ngành chức năng, địa phương cần xác định rõ các giải pháp ngắn hạn, dài hạn trong khắc phục thiên tai. Cần tập trung hỗ trợ lương thực cho người dân trong vùng thiệt hại. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng thiếu giống cho vụ mùa tới, trong đó cần xác định rõ số lượng, chất lượng, loại giống hỗ trợ cho bà con phải phù hợp với hình thức canh tác sau thiên tai.
Bên cạnh đó, ông Hưng cũng yêu cầu tập trung cho công tác vệ sinh đồng ruộng, khôi phục, xử lý khu vực bị ô nhiễm do mưa lũ. Tiếp tục kiểm đếm thiệt hại mưa lũ tại các địa phương một cách chính xác, khách quan, công khai minh bạch... để có phương án hỗ trợ kịp thời.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, tỉnh này sẽ chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương triển khai các biện pháp kỹ thuật để khôi phục, xử lý diện tích cây trồng, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do thiên tai.
Về lâu dài, tỉnh Quảng Trị kiến nghị trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí khắc phục các công trình thủy lợi hư hỏng do thiên tai từ 2020 đến nay, phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế nghiên cứu giải pháp chống lũ thượng nguồn sông Ô Lâu, nghiên cứu thêm giải pháp tiêu thoát lũ chủ động của tỉnh Quảng Trị tại các khu vực thấp trũng... Tổng kinh phí thực hiện phương án khắc phục hơn 111,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hơn 36,7 tỷ đồng.
Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, giải pháp trước mắt cần khẩn trương hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, vật tư, phân bón, hóa chất để người dân ổn định sau thiên tai, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ một phần để người dân các địa phương tái sản xuất kịp thời vụ. Tuy nhiên để đáp ứng đủ số lượng giống cho mùa vụ, tỉnh sẽ đề nghị trung ương có chính sách hỗ trợ bổ sung, cùng với đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm ban hành lịch thời vụ phù hợp với từng vùng, từng loại giống trong giai đoạn hiện nay...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Kỹ năng cứu đuối nước an toàn từ trên bờ mùa mưa bão (1)