Quảng Trị mưa lớn, nhiều nơi ngập sâu và bị chia cắt

17-10-2020 16:41 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong ngày 17/10 đã có mưa rất to, cường độ phổ biến từ 70-150 mm, có nơi trên 200 mm. Mực nước trên các sông lên nhanh trở lại. Nhiều nơi nước ngập sâu đến mái nhà, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

BS Nguyễn Công Sinh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế,  Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế tặng thuốc phòng chống lũ lụt đến ngành y tế Quảng Trị

BS Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị cho biết, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 16 trường hợp tử vong và 3 mất tích do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều trạm y tế xã bị ngập lụt, hệ thống mái che bị thấm dột, một số trang thiết bị, vật tư y tế hư hỏng, số lượng trạm y tế xã bị ảnh hưởng khá lớn. Theo thống kê sơ bộ, có 32 trạm y tế xã của tỉnh Quảng Trị bị hư hỏng. Nhờ có sự chuẩn bị trước khi mữa lũ về nên hầu hết các trang thiết bị y tế đã được di chuyển lên cao và che chắn kịp thời. Trong những ngày mưa lũ, tính từ 8 đến 15/10/2020, các cơ sở y tế của Quảng Trị đã khám và chữa bệnh gần 7.000 người. Trong đó, có 284 phụ nữ mang thai được đỡ đẻ an toàn.

“Trước tình hình còn diễn biến phức tạp của mưa bão, ngành y tế Quảng Trị tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống bão lũ, sẳn sàng chuẩn bị công tác điều trị, thuốc men, trang thiết bị, nhân lực..... sẵn sàng ứng phó trong các tình huống”, ông Hùng khẳng định.

Hình ảnh mưa lớn tại Quảng Trị trong chiều 17/10/2020

BS Nguyễn Đức Nghiêm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị thông tin thêm, tính đến 17h ngày 14/10/2020, toàn tỉnh Quảng Trị đã di dời 8.261 hộ với 25.332 người đến khu vực an toàn. Người dân chủ yếu được di dời tới các hộ dân khác trong địa bàn sinh sống khu vực có địa hình cao, không bị ngập lụt.

Hiện nay lo lắng của ngành y tế Quảng Trị đó là, trước tình hình ngập lụt nặng, diện rộng và kéo dài như hiện nay làm phát sinh và gia tăng nguy cơ mắc bệnh trong cộng đồng: Vi sinh vật gây bệnh từ đất, bụi, rác, chất thải, cống thải, công trình vệ sinh, chuồng gia súc, gia cầm, trang trại... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan phát tán dịch bệnh.

Mưa lũ lớn ở Quảng Trị làm 22 trạm y tế bị ngập; 26.621 hộ bị ngập lụt; 16.022 giếng nước bị ngập; 35.308 công trình vệ sinh bị ngập. Cung cấp hóa chất Cloramin B 25% (99.000 viên) dùng trong xử lý nước đến các Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố để cấp về các thôn bản bị ngập lụt không có nước sạch để sử dụng.

Nhiều địa phương ngập úng, đọng nước là điều kiện thuận lợi để cho muỗi phát triển, đặc biệt các dụng cụ trong và xung quanh nhà làm cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Chúng tôi đã ghi nhận 18 trường hợp sốt xuất huyết, 8 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.

BS Nguyễn Đức Nghiêm nêu khó khăn hiện nay của tỉnh Quảng Trị đó là số xã phường bị ngập lụt (67 xã, phường) quá lớn và ngập sâu, mưa lớn dài ngày, trang thiết bị máy móc vệ sinh chuyên dụng chưa có lượng chất thải và bùn non quá lớn; nhiều tuyến đường bị chia cắt, gây cản trở cho công tác huy động con người tổng vệ sinh ở các địa phương.


Với tình hình mưa lớn còn kéo dài, công tác vệ sinh môi trường chưa được xử lý triệt để và kịp thời vì vậy nguy cơ xuất hiện các ổ dịch bệnh như: cảm cúm, sốt xuất huyết, da liễu, tiêu hóa, mắt đỏ...sau mùa mưa bão rất cao vì vậy lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị đã đi kiểm tra, giám sát tại các xã phường ngập lụt và chỉ đạo trực tiếp ngay khi nước rút, cần thực hiện các biện pháp xử lý nước và vệ sinh môi trường để tránh ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

Thăm và động viên cán bộ y tế tỉnh Quảng Trị, BS Nguyễn Công Sinh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ Y tế, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế chia sẻ những vất vả mà ngành y tế tỉnh Quảng Trị đang phải gánh chịu do lũ lụt.

Biểu dương cố gắng của cán bộ y tế đã khắc phục khó khăn, duy trì tốt công tác khám, chữa bệnh trong những mưa lớn, lụt trên diện rộng. BS Nguyễn Công Sinh lưu ý, bên cạnh việc duy trì khám chữa bệnh tốt cho nhân dân cần phải tiếp tục quan tâm đến bệnh viện an toàn trong COVID-19, không được chủ quan, lơ là. Ngành y tế cần chủ động bám sát tình hình, nước rút đến đâu là hướng dẫn người dân làm vệ sinh môi trường ngay đến đó, không để dịch bệnh lây lan tsau lũ.


Anh Văn (từ Quảng Trị)
Ý kiến của bạn