Tại cuộc họp, các đơn vị đã xác minh và làm rõ một số thông tin về thời điểm nhập lượng cá nục do chủ hộ kinh doanh là bà Lê Thị Thuộc (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh) cung cấp.
Theo thông tin ban đầu, khi lấy mẫu kiểm tra vào ngày 7/6, tại kho đông lạnh của hộ kinh doanh Lê Thị Thuộc có 110 tấn cá, trong đó có 70 tấn cá nục, 10 tấn cá ngừ, 20 tấn cá trích, cá sòng và 10 tấn cá lẫn lộn khác.
Đối với 70 tấn cá nục, có 3 lô sản phẩm thu mua tại 3 thời điểm khác nhau. Cụ thể, có 20 tấn thu mua trước thời điểm sự cố cá chết tại miền Trung (lô 1), 30 tấn thu mua ngay sau thời điểm sự cố cá chết (thời điểm sau dịp nghỉ lễ 30/4, lô 2) và 20 tấn thu mua sau thời điểm trên 15 ngày (lô 3).
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Minh Trang.
Từ đó, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị tiến hành lấy 3 mẫu đại diện cho 3 lô hàng trên. Kết quả kiểm nghiệm lô 1 và 3 đều cho kết quả các chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép. Riêng mẫu cá nục đại diện cho lô 2 có kết quả kiểm nghiệm phát hiện hàm lượng chất phenol là 0,037 mg/kg.
Sau khi có kết quả kiểm nghiệm lô cá số 2, tham khảo kết quả với Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và nghiên cứu các văn bản liên quan, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị nghi ngờ có thể chủ cơ sở kinh doanh trong khi thu mua có lẫn một lượng cá chết từ sự cố môi trường tại miền Trung.
Tuy nhiên, đến ngày 11/6, khi đoàn liên ngành đến làm việc tại cơ sở để xử lý lô cá nục nói trên thì chủ cơ sở cung cấp thêm thông tin rằng lô cá nục này được thu mua trong nhiều ngày từ 5/5 trở đi. Vì vậy, mặc dù kết quả cho thấy có phenol, nhưng có khả năng mẫu kết quả chưa đại diện chung cho cả lô hàng. Từ đó, cơ quan chức năng đã có văn bản xin ý kiến các cấp liên quan chỉ đạo xử lý lô cá nục nhiễm phenol. Ngoài ra, lượng cá do cơ sở này nhập ngay sau thời điểm cá chết chính xác là khoảng 20 tấn chứ không phải 30 tấn như thông tin khai báo trước đó.
Tiếp đó, ngày 13/6, ngành chức năng tỉnh Quảng Trị đã tiến hành lấy mẫu lần 2 gửi Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để phân tích độc lập, đồng thời Chi cục Đo lường chất lượng của tỉnh cũng lấy mẫu kiểm nghiệm. Tại thời điểm lấy mẫu lần 2, cơ sở đã xuất bán 65 tấn cá ra khỏi kho, chỉ còn lại 45,08 tấn cá, trong đó còn 20,08 tấn cá nục.
Lần lấy mẫu này, cơ quan chức năng đã huy động nhiều cán bộ tham gia để xáo trộn và thực hiện phương pháp lấy mẫu theo TCVN 5276:1990 (ban hành kèm theo Thông tư 14/2011/TT-BYT ngày 1/4/2011). Cụ thể, đã chia lô cá nục nêu trên thành 5 lô nhỏ, mỗi lô lấy 1 mẫu để gửi Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Hiện tại, Viện này đã nhận được mẫu, đang tiến hành phân tích và sẽ có kết quả sớm nhất vào ngày 17/6 tới.
Chỉ đạo cuộc họp, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kết luận, mẫu cá nhiễm chất phenol chưa đại diện cho 20 tấn cá nục còn lại trong kho. Lúc đầu, chủ cơ sở nói mua nguyên lô, nhưng thực tế mua nhiều đợt khác nhau dồn lại, nên việc lấy thêm mẫu để gửi đi xét nghiệm là cần thiết. Việc niêm phong lô hàng, cấm đưa đi tiêu thụ là đúng, nếu tiêu hủy thì cần nghiên cứu phương án hỗ trợ cho người dân.
Ông Đồng kiến nghị, các cơ quan Trung ương liên quan cần đưa ra quy chuẩn chung về phenol trong thực phẩm để có căn cứ xử lý. Đồng thời yêu cầu Sở Y tế tỉnh cần thận trọng hơn trong việc lấy mẫu, công bố thông tin; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phải có sự phối hợp nhịp nhàng hơn với các cơ quan liên quan. Các sở, ban, ngành trong tỉnh nghiên cứu hướng xử lý kịp thời ngay sau khi có kết quả từ Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia.