Hơn 1.200 nhà dân bị ngập
Ảnh hưởng của bão số 6, tại tỉnh Quảng Trị có mưa lớn, mực nước các sông lên nhanh, thượng nguồn hầu hết đạt đỉnh phổ biến trên báo động 3. Trong đó, sông Sa Lung đo tại Bến Quan vượt báo động 3 4,52m (vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2016 1,23 m), hạ lưu các sông đạt đỉnh trên báo động 2.
Hai ngày 27-28/10, nước sông dâng cao gây ngập các ngầm tràn, chia cắt một số tuyến đường khu vực miền núi thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông. Ngập lụt, ngập úng xảy ra tại địa bàn vùng đồng bằng ở nhiều huyện, thị xã…
Huyện Vĩnh Linh chịu ảnh hưởng nặng do ngập lụt khi có hơn 1.200 nhà cùng các công sở, tuyến đường bị ngập gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Trong đó, xã Vĩnh Long có nhà bị ngập nhiều nhất với 600 hộ. Trước diễn biến mưa lũ, trong đêm 27/10, lực lượng chức năng tiến hành di dời hàng trăm hộ dân từ vùng ngập lụt đến nơi an toàn cũng như giúp dân kê cao, di chuyển đồ đạc.
"Đến sáng nay (29/10), ngập lụt chỉ còn xảy ra tại một số nhà dân của thôn Gia Lâm và tuyến đường vào xã. Các lực lượng đang tiến hành hỗ trợ người dân, trường học quét dọn bùn đất, xử lý môi trường, khắc phục hậu quả sau lũ", đại diện Công an xã Vĩnh Long cho hay.
Ông Thái Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết, hiện đa số nhà bị ngập trên toàn huyện nước đã rút, 790 người phải di dời nay được trở về nhà, học sinh toàn huyện đi học trở lại bình thường.
Theo thống kê, đến nay mưa lũ gây ngập úng hơn 100ha sắn và hoa màu, hàng trăm ha diện tích tôm nuôi, cá bị thiệt hại trên 70%. Ngoài ra, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, thủy lợi, công trình xây dựng bị xói lở, hư hỏng…
"Huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động triển khai công tác khắc phục thiệt hại theo phương châm "4 tại chỗ", đảm bảo nước rút đến đâu dọn dẹp, vệ sinh đến đó. Duy trì lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu để chủ động ứng phó với mưa lũ", ông Thành nói.
Lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Linh cũng yêu cầu Phòng Y tế chỉ đạo đội ngũ cán bộ y tế phục vụ kịp thời cho các hoạt động cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn, làm tốt công tác xử lý vệ sinh môi trường, phòng trừ có hiệu quả các loại dịch bệnh do mưa lũ gây ra.
Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh và các địa phương chỉ đạo các Trạm y tế tổ chức dự trữ đầy đủ thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý môi trường, dụng cụ cấp cứu để chủ động ứng phó với các tình huống.
Rác ngập đảo Cồn Cỏ sau bão Trà Mi
Trao đổi với PV, ông Trương Khắc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ cho biết, bão Trà Mi với gió mạnh, sóng lớn gây hư hỏng một số hạng mục các công trình đang xây dựng, hạ tầng, chuồng trại chăn nuôi và gãy đổ nhiều cây xanh trên đảo.
Đặc biệt, sau khi bão qua nhiều loại rác thải như xốp, chai nhựa, ngư lưới cụ bị sóng đánh dạt vào quanh đảo. "Những cơn bão trước cũng có tình trạng này nhưng ít hơn. Huyện dự kiến sẽ phát động toàn bộ quân, dân triển khai đồng loạt cùng xử lý rác thải khi thời tiết thuận lợi", ông Trưởng nói.
Trung tá Nguyễn Đình Cường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Cỏ cho biết, sau bão, hàng chục cán bộ, chiến sĩ của nhiều đơn vị trên đảo được huy động để tham gia khắc phục tình trạng cây gãy đổ, vệ sinh môi trường. Đặc biệt xử lý rác thải bị sóng đánh dạt vào đảo tại một số khu vực như đường chính, âu cảng.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, hiện nay mực nước thượng lưu các sông đang xuống và ở mức báo động 1 đến trên báo động 1, vùng hạ lưu các sông xuống chậm và ở mức trên báo động 1, riêng Thạch Hãn đang lên chậm dưới báo động 2.
Từ sáng nay (29/10)đến sáng 31/10 khu vực Quảng Trị có mưa vừa, có nơi mưa to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 50-100 mm, có nơi trên 130 mm.