5 ngày sau khi được can thiệp thông động mạch mạc treo tràng trên tại Đơn nguyên Tim mạch can thiệp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, ông Đặng Quang Tuấn- 57 tuổi, ở phường 1, thành phố Đông Hà vui mừng nói: “Lúc khởi bệnh, tôi đau bụng dữ dội, đau tới vã mồ hôi rồi ngất xỉu. Tỉnh dậy sau phẫu thuật thì tôi không còn đau nữa… Rất may là tôi được đội ngũ thầy thuốc trẻ và giỏi chuyên môn của Bệnh viện nhanh chóng khám tìm ra bệnh và phẫu thuật tốt”.
Đột ngột đau bụng dữ dội, buồn nôn và nôn, đau vùng chậu lúc 17 giờ ngày 10/8/2017, ông Đặng Quang Tuấn vào viện và được kíp trực của bác sỹ Phùng Hưng tiến hành khám cùng với thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng cần thiết, trong đó có chụp cắt lớp vi tính tầng trên ổ bụng có khảo sát mạch các tạng như gan, tụy, lách và mạch khối u. Về tiền sử bệnh lý, ông Tuấn không rõ mình có mắc bệnh tim mạch. Phim chụp cắt lớp vi tính cho thấy hình ảnh bóc tách huyết khối trong lòng động mạch mạc treo tràng trên từ đoạn gốc, huyết khối tắc hoàn toàn đoạn xa giúp các bác sỹ khoa Nội Tim mạch-lão học của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đưa ra chẩn đoán ông Tuấn bị huyết khối gây tắc động mạch mạc treo tràng trên. Bước hội chẩn tiếp theo giữa các bác sỹ đã đi tới kết luận nhồi máu động mạch mạc treo tràng trên do bóc tách và huyết khối, bóc tách dài xuống các nhánh bên, hẹp lòng từ trên xuống dưới từ 30% đến 80%, nhiều huyết khối gây tắc hoàn toàn một số nhánh bên. Xác định hướng điều trị là chụp và nong động mạch mạc treo số hóa xóa nền, truyền tiêu sợi huyết Alteplase trực tiếp động mạch mạc treo tràng trên, bác sỹ Phùng Hưng cùng bác sỹ Nguyễn Hữu Đức đã tiến hành thông động mạch mạc treo tràng trên bằng máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền (Digital Subtraction Angiography-DSA).
Hình ảnh động mạch treo tràng trên trước can thiệp (Ảnh: Bội Nhiên)
Hình ảnh động mạch treo tràng trên sau can thiệp (Ảnh: Bội Nhiên)
Thủ thuật thông động mạch mạc treo tràng trên cứu sống ông Đặng Quang Tuấn được bác sỹ Phùng Hưng và bác sỹ Nguyễn Hữu Đức cùng các cộng sự là bác sỹ gây mê, kỹ thuật viên X-quang, điều dưỡng dụng cụ tiến hành theo trình tự: Gây tê tại chỗ, chọc dò và đặt sheath 6F vào động mạch cánh tay trái theo phương pháp Seldinger. Luồn Yashiro catheter 5F Radifocus guidewire 0.035’’ vào động mạch mạc treo tràng trên, ghi hình chẩn đoán qua các thì mạch máu phát hiện bóc tách từ đoạn gốc đến đoạn xa, hẹp lòng nặng, dòng chảy bên trong yếu, tắc một số nhánh bên do huyết khối. Dùng wire Ashahi qua chỗ bóc tách và nong bằng bóng Purlsan 6.0 và đặt microcatheter truyền chậm R-TPA 5ml hỗn hợp/giờ trong 6 giờ. Chụp kiểm tra thấy dòng nhánh động mạch thông khá tốt. Kết thúc thủ thuật. Sau can thiệp, người bệnh được theo dõi hội chứng sau thuyên tắc cũng như theo dõi mạch, thân nhiệt và huyết áp mỗi 60 phút trong 6 giờ đầu đồng thời theo dõi chỗ chọc dò động mạch đùi (P), bất động chân (P) 24 giờ và tháo băng ép sau 24 giờ.
Ông Đặng Quang Tuấn được chăm sóc tại khoa Nội Tim mạch-lão học. (Ảnh: Bội Nhiên)
Được biết, tắc/nhồi máu động mạch mạc treo là bệnh lý hiếm gặp, thường khó tìm nguyên nhân và rất dễ gây hoại tử do nhiễm trùng buộc phải cắt đoạn ruột, tỷ lệ tử vong cao. Bà Lê Thị Hồng- vợ của ông Đặng Quang Tuấn nói: “Chồng tôi được vào viện cấp cứu sớm và nhờ Bệnh viện có hệ thống máy móc hiện đại cùng đội ngũ y, bác sỹ có thái độ làm việc rất kịp thời và sự nhiệt tình nên đã qua khỏi nguy kịch. Ca can thiệp trị bệnh về mạch máu của chồng tôi được tiến hành từ 8 giờ rưỡi tối hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau nhưng y, bác sỹ nào trong kíp phẫu thuật cũng vui vẻ bước vào ngày làm việc mới. Tại khoa Nội Tim mạch-lão học, các y, bác sỹ chăm sóc chồng tôi ngày đêm, liên tục hỏi thăm và động viên người vừa được họ cứu sống”…