Ngoài việc đảm bảo các yếu tố về an ninh, trật tự, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cũng được địa phương và những đơn vị làm dịch vụ hết sức chú trọng.
Đặc biệt là trong những tháng cuối năm, công tác đảm bảo về an toàn thực phẩm lại càng được đẩy mạnh hơn nữa. Các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đồng loạt tăng cường các giải pháp, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP).
Theo thống kế tính đến hết tháng 9/2024 tỉnh Quảng Ninh có 47.360 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, lĩnh vực thuộc ngành Y tế quản lý 9.253 cơ sở; ngành Công thương quản lý 10.072 cơ sở; ngành Nông nghiệp quản lý 28.350 cơ sở.
Đáng nói là, số lượng thực phẩm sản xuất nội địa chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ, còn lại được nhập từ các tỉnh, thành khác và từ nước ngoài.
Với số lượng 60% thực phẩm được nhập khẩu vào tỉnh là mối lo lớn về nguy cơ thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo các quy định về ATTP thẩm lậu vào nội địa. Mặt khác là tỉnh có biên giới cửa ngõ giao thông với nước ngoài nên mối lo về nguy cơ hàng không đảm bảo, hàng kém chất lượng tuồn vào trong nước là rất lớn.
Đánh giá rõ những thực trạng và khó khăn trên mặt khác sắp đến dịp Tết nguyên đán nên những tháng cuối năm 2024, các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh như: Biên phòng, công an, hải quan, y tế… đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, hạn chế thấp nhất nguồn thực phẩm không đảm bảo ATTP có cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường nội địa; chủ động phối hợp chặt chẽ, bằng các biện pháp nghiệp vụ phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm.
Ngành y tế Quảng Ninh, trong đó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm là đơn vị chịu trách nhiệm cũng đã tiếp tục triển khai mạnh công tác kiểm tra, giám sát, lấy mẫu chủ động tại các cơ sở bếp ăn, bếp ăn tập thể, bếp ăn trong các đơn vị khách sạn, nhà hàng, các khu công nghiệp…
Công tác lấy mẫu, tập trung vào các sản phẩm thực phẩm có nguy cơ cao. Mẫu được gửi kiểm nghiệm đánh giá, phân tích các chỉ tiêu liên quan đến chất lượng thực phẩm và các yếu tố gây ngộ độc thực phẩm; từ đó, đề ra các giải pháp trong công tác quản lý về ATTP nhằm cảnh báo, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, nâng cao nhận thức trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm...
Thông qua công tác kiểm tra, các cơ quan chức năng toàn tỉnh đã phát hiện vi phạm và xử phạt 793 cơ sở (tăng 306 cơ sở so với cùng kỳ 2023), thu nộp ngân sách Nhà nước gần 6 tỷ đồng, tịch thu tiêu hủy trên 30 tấn thực phẩm không đảm bảo ATTP các loại. Đồng thời, thông tin công khai các tổ chức, cá nhân bị xử phạt trên các hạ tầng của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh và các website của Sở Y tế, Chi cục ATTP tỉnh.
Chi cục ATTP Quảng Ninh cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ phối hợp với các lực lượng, đơn vị trên địa bàn triển khai tổng kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kể cả buôn bán online.
Trong đó, tăng cường kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo kiến nghị, báo cáo của người tiêu dùng thông qua các đường dây nóng về ATTP, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Đăng tải công khai 100% các cơ sở vi phạm ATTP rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh Quảng Ninh, tính đến tháng 9/2024, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã tổ chức kiểm tra hơn 12.708 lượt cơ sở, tăng hơn 7.962 lượt so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, đã kiểm tra đột xuất 458 vụ từ thông tin của người tiêu dùng thông qua các đường dây nóng, phát hiện, xử phạt 444 trường hợp vi phạm.