Hà Nội

Quảng Ninh nhiều giải pháp bảo đảm an toàn lao động

08-03-2021 12:14 | Xã hội
google news

SKĐS - Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, cho thấy, năm 2020, ở khu vực có quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xảy ra 591 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 627 người bị nạn;

Trong đó 31 vụ TNLĐ chết người với số người chết là 32; số người bị thương nặng là 392 người, số người bị thương nhẹ là 203 người. Chi phí thiệt hại do TNLĐ là 26,328 tỷ đồng, trong đó: Chi phí y tế là 3,452 tỷ đồng, trả lương trong thời gian điều trị là 9,211 tỷ đồng, bồi thường, trợ cấp cho thân nhân, người bị nạn là 13,305 tỷ đồng, thiệt hại tài sản là 360 triệu đồng.

Nguyên nhân của các vụ TNLĐ

Tất cả các vụ TNLĐ chết người xảy ra trên địa bàn tỉnh đều được tổ chức điều tra kịp thời, chính xác, khách quan. Trong năm 2020, Đoàn điều tra TNLĐ cấp tỉnh đã điều tra tổng số 54 vụ tai nạn các loại.

Qua điều tra, kết luận các vụ TNLĐ, Đoàn điều tra TNLĐ tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các đơn vị thực hiện 152 kiến nghị để phòng tránh TNLĐ tái diễn; yêu cầu các cơ sở xảy ra TNLĐ xử lý kỷ luật 189 người, trong đó cán bộ quản lý là 176 người, công nhân lao động là 13 người; xử phạt vi phạm hành chính 1 đơn vị với số tiền là 25 triệu đồng.

Sau khi có kết luận các vụ TNLĐ, các đơn vị đều tổ chức triển khai thực hiện các kiến nghị của Đoàn điều tra. Trong quá trình điều tra TNLĐ, các cơ quan chức năng đã xem xét xử lý hình sự 6 vụ tai nạn chết người liên quan đến lao động.

Qua điều tra các vụ việc của cơ quan chức năng cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNLĐ. Về phía người lao động: Do trình độ, kinh nghiệm, ý thức, nhận thức về công tác đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình thực hiện công việc còn hạn chế; thiếu thận trọng trong thao tác; chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn; không sử dụng trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân; sự phối hợp công việc trong nhóm thợ chưa tốt dẫn đến tai nạn cho bản thân và đồng đội...

Về phía người sử dụng lao động: Công tác quản lý, tổ chức điều hành sản xuất, chỉ đạo thi công của cán bộ công trường, phân xưởng chưa đảm bảo; bố trí lao động, phân công công việc không cụ thể; tổ chức, sắp xếp nơi làm việc chưa đảm bảo; chưa dự báo, phát hiện kịp thời những nguy cơ mất an toàn để có biện pháp xử lý. Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát hiện trường sản xuất của cán bộ chỉ đạo sản xuất cấp công trường, phân xưởng, cán bộ phòng ban chuyên môn chưa sâu sát, chưa phát hiện được thiếu sót, vi phạm của người lao động để kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục. Công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ, hướng dẫn triển khai biện pháp thi công cho người lao động còn hạn chế.

Còn ở khu vực xây dựng dân dụng, việc quản lý ATVSLĐ nhiều địa phương thực hiện còn lỏng lẻo. Các công trình này chủ yếu giao cho phường, xã quản lý AT-VSLĐ, tuy nhiên, đoàn của phường, xã mới chỉ dừng ở việc kiểm tra xem có giấy phép xây dựng, bản thiết kế kỹ thuật hay không.

Trong khi đó, vi phạm ATLĐ ở các công trình này lại rất phổ biến, như: Thợ xây ở các công trình này không có quần áo, mũ bảo hộ lao động, phương tiện bảo hộ... Nhiều nhà đã lên đến tầng 3, tầng 4, nhưng tốp thợ vẫn làm việc khi xung quanh không có lan can an toàn. Xung quanh khu vực xây dựng không được rào ngăn. Ở các công trình này cũng không có giải pháp chuyển vật liệu thừa, vật liệu thải từ trên cao (trên 3m) xuống. Trong khi đó, hầu hết các tốp thợ ở những công trình này đều không được đóng BHXH, BHYT...

Công nhân ngành than thường xuyên được đào tạo tập huấn về an toàn lao động . (Ảnh minh họa)

Công nhân ngành than thường xuyên được đào tạo tập huấn về an toàn lao động . (Ảnh minh họa)

Nâng cao nhận thức để người lao động tự bảo vệ mình

Thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về công tác ATVSLĐ. Các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp cũng đã tích cực và chủ động tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú về nội dung, ý nghĩa, mục đích của Tháng hành động về ATVSLĐ tới người sử dụng lao động, người lao động và nhân dân.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) mở lớp tập huấn về chính sách bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho người làm công tác ATVSLĐ, người lao động làm việc trong Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.

Tại các lớp tập huấn, các giảng viên là các chuyên gia có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực ATVSLĐ, chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN đã đi sâu vào trao đổi, thảo luận và hướng dẫn thực hiện các nội dung sửa đổi của các Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật ATVSLĐ về hoạt động kiểm định an toàn lao động, huấn luyện ATVSLĐ và quan trắc môi trường lao động; Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ về bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc... Đồng thời làm rõ một số vấn đề mới liên quan đến việc giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN tại các doanh nghiệp như chi phí hỗ trợ người lao động bị TNLĐ đối với các trường hợp cụ thể, mức hỗ trợ; thủ tục hồ sơ giải quyết; điều kiện, mức hỗ trợ, quy trình hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ...


Ngọc Hân
Ý kiến của bạn