Với điều kiện địa lý tự nhiên, đặc thù, Quảng Ninh được ví như "Việt Nam thu nhỏ" với nhiều tiềm năng, lợi thế như đường cao tốc, cảng biển, sân bay, đồi núi, nhiều dân tộc thiểu số sinh sống… Để phát triển du lịch địa phương, năm 2013, Quảng Ninh đã triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh đến 2020 và tầm nhìn đến 2023, từng bước gặt hái được thành công. Tuy nhiên, những gì mà du lịch Quảng Ninh đã làm cho đến thời điểm này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.
Tại hội nghị Phát triển du lịch Quảng Ninh 2023 vừa diễn ra tại TP.Hạ Long, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch thẳng thắn cho rằng "Với tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, nhiều cơ hội, Quảng Ninh cần tính toán nên mở sản phẩm gì. Làm du lịch không nên dàn hàng ngang mà phải chọn lọc, trọng tâm. Từ đó mới xây dựng sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình. Đặc biệt, các sản phẩm cần phải gắn với văn hóa, lịch sử, có câu chuyện. Đây cũng là xu hướng chung của toàn thế giới về phát triển du lịch bền vững. Quảng Ninh ngoài phát triển du lịch biển đảo, du lịch tâm linh cũng cần chú trọng du lịch đêm. Du khách tới điểm du lịch, họ muốn đi tham quan vui chơi buổi tối nhưng không biết có gì chơi, có gì hấp dẫn..."
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh: "Việc xây dựng thương hiệu du lịch của Quảng Ninh cũng cần phải gắn với chuyển đổi số, trước hết là xây dựng và làm mới website du lịch Quảng Ninh. Đồng thời, Quảng Ninh có thể xem xét lập văn phòng đại diện du lịch tại các địa phương trọng điểm và xa hơn là các quốc gia về du lịch, tạo sự liên kết với các trung tâm xúc tiến du lịch để quảng bá cho du lịch Quảng Ninh nói riêng và du lịch Việt Nam".
Bà Vũ Thị Hồng Quyên- Giám đốc chi nhánh Sài Gòn tourist tại Quảng Ninh chia sẻ: "Tôi rất quan tâm tới du lịch tàu biển ở Quảng Ninh bởi thời gian qua, Quảng Ninh là thị trường du lịch tàu biển được khách quốc tế quan tâm, yêu thích. Đặc thù du lịch tàu biển đi số lượng rất đông, khách đa quốc tịch, có các yêu cầu dịch vụ lớn cùng một thời điểm nên để đáp ứng được dịch vụ du lịch này, Quảng Ninh cần thay đổi rất nhiều. Cụ thể, cần tích hợp khâu thủ tục để giải phóng khách nhanh chóng, thuận lợi; tạo những cơ chế, chính sách thu hút khách bằng khuyến mại tặng vé tham quan Vịnh hay mua 1 tặng 1 vé.
Vừa qua, Cảng vụ Quảng Ninh đã làm rất tốt khâu thủ tục cho tàu cập Cảng bằng rút ngắn thời gian, quy trình thủ tục nhưng với tham quan Vịnh thì còn đang vướng mắc vì khách muốn đi tham quan Vịnh lại phải làm thêm thủ tục với Cảng thủy nội địa. Thời gian đi tham quan của khách chỉ có 3 đến 4 tiếng nhưng thời gian làm thủ tục đã mất hơn tiếng đồng hồ khiến khách du lịch rất... ngán ngẩm. Do đó, tôi cũng đề nghị cơ quan chức năng và lãnh đạo tỉnh xem xét tích hợp khâu thủ tục sao cho nhanh nhất, thuận tiện nhất, giảm thiểu thời gian cho việc hành chính này".
Bà Quyên cũng đưa ra ý kiến nên có Chi hội tàu biển để các doanh nghiệp kinh doanh tàu biển cùng các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị cung ứng dịch vụ nói chung tham gia vào thì sẽ đưa được những khó khăn một cách cụ thể để có thể tháo gỡ trực tiếp.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel đánh giá: "Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Sân bay Vân Đồn 3 năm liên tiếp được bình chọn là sân bay tốt nhất châu Á, rồi Cảng đón khách quốc tế tốt nhất châu Á, có Vịnh Hạ Long di sản thiên nhiên thế giới … nhưng đường bay quốc tế từ Vân Đồn đi còn quá hạn chế; thậm chí chính sách kích cầu cho người dân đi du lịch nước ngoài hay đến các địa phương khác từ sân bay này cũng chưa có. Quảng Ninh không chỉ có Vịnh Hạ Long còn có những điểm tham quan khác nên tỉnh cần xây dựng các sản phẩm đặc trưng cho du khách nhìn thấy sự mới lạ, sự hấp dẫn của sản phẩm mới này. Ví dụ, ngoài Vịnh Hạ Long quá nổi tiếng, tỉnh đang đưa Vịnh Bái Tử Long vào khai thác du lịch thì cần xây dựng nét độc đáo, đặc biệt để du khách nhìn thấy cái hay, lạ, hấp dẫn riêng của Vịnh này. Ngoài ra, cần đẩy mạnh khâu tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch của vịnh Bái Tử Long cho du khách tò mò tìm hiểu, lựa chọn.
Đóng góp ý kiến với du lịch Quảng Ninh, ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đưa ra một số lưu ý: Quảng Ninh cần nhạy bén hơn nữa trong nắm bắt xu hướng và nhu cầu du lịch sau đại dịch COVID-19. Mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong phát triển sản phẩm nhưng với tiềm năng, lợi thế của mình, những sản phẩm du lịch hiện có chưa thật sự tương xứng. Vì vậy, Quảng Ninh đang loay hoay với bài toán khách du lịch đến đây mới lưu trú từ 1 đến 2 đêm mà chưa lưu trú dài ngày, vì không có sản phẩm để giữ chân du khách".
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh - Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Đây là những biện pháp không chỉ giúp địa phương quảng bá, thu hút khách du lịch nhằm đạt 15 triệu khách năm 2023 mà còn góp phần định vị du lịch Việt Nam, giúp Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới.
Hướng tới thu hút 15 triệu lượt khách trong đó có 2 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, Quảng Ninh sẽ tổ chức 136 sự kiện, hoạt động du lịch, văn hóa, thể thao, thương mại... tạo sức hút mới cho du lịch địa phương.
Quảng Ninh đã tìm ra nhiều giải pháp để thu hút du khách và trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới, như Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, Quảng Ninh đứng top 3 địa phương đón nhiều khách quốc tế nhất, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội, đứng thứ 8 toàn quốc về lượng khách nội địa. Về chỉ số cạnh tranh du lịch Việt Nam (được thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương), Quảng Ninh xếp hạng 2, sau Đà Nẵng.