Hà Nội

Quảng Ninh lần đầu tiên thực hiện thành công can thiệp đặt stent cầu nối tĩnh mạch hiển

31-07-2017 22:38 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh thực hiện thành công ca can thiệp đặt stent cầu nối tĩnh mạch hiển đầu tiên cho nam bệnh nhân 67 tuổi. Sau 2 ngày điều trị, ông H. đã hồi phục sức khỏe, không còn tức ngực, khó thở như trước đây.

Bệnh nhân Phạm Văn H. (67 tuổi) trú tại phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả mắc bệnh mạch vành rất nặng, tắc nghẽn nhiều chỗ, đặc biệt bị tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước mạn tính (CTO), tắc mạn tính từ đoạn I động mạch vành phải, hẹp khít động mạch mũ đoạn I và đoạn 2.

Do tổn thương nặng, nguy hiểm, nên cách đây 10 năm, ông H. đã phải mổ mở tiến hành bắc 3 cầu nối từ động mạch chủ đến chỗ tắc để thay thế phần bị tắc, nghẽn và khơi thông dòng máu lên nuôi tim. Tuy nhiên đến nay, cầu nối tĩnh mạch hiển đến đoạn 3 động mạch vành phải của bệnh nhân bị hẹp khít lên tới 90-98%, khiến bệnh nhân thường xuyên tức ngực, khó thở, đau đầu chóng mặt, buồn nôn nên phải nhập viện.

So với hình ảnh xquang chụp trước, phần cầu nối tĩnh mạch hiển của bệnh nhân H. đã tái thông sau khi đặt stent

Các bác sĩ khoa Tim mạch Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành chụp mạch vành nguyên thuỷ, các mạch cầu nối để định vị chính xác vị trí các mạch và có những đánh giá tổn thương, từ đó đưa ra chỉ định điều trị phù hợp nhất. Để tránh cho bệnh nhân phải phẫu thuật làm một cầu nối khác, các bác sĩ Khoa tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh thực hiện kỹ thuật can thiệp cầu nối tĩnh mạch hiển giúp máu lưu thông lên tim bình thường.

Kíp thực hiện do bác sĩ Trần Quang Định, Phó Trưởng khoa Can thiệp và phẫu thuật tim mạch làm trưởng kíp cùng các bác sĩ khoa Tim mạch đã tiến hành can thiệp nong và đặt 2 stent ở những chỗ hẹp cầu nối tĩnh mạch hiển thành công sau 2 giờ. Hiện sức khỏe bệnh nhân tiến triển tích cực, giảm đau ngực, khó thở đáng kể.

Ths. Bs Trần Quang Định, Phó Trưởng Khoa can thiệp và phẫu thuật tim mạch Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh cho biết: Đây là một kỹ thuật can thiệp tim mạch chuyên sâu, rất ít bệnh viện tuyến tỉnh triển khai được. Cái khó của kỹ thuật này ngay từ khi chụp mạch xác định vị trí và mức độ tổn thương của cầu nối, cho đến khi tìm vị trí cầu nối tĩnh mạch hiển trên thực tế để đưa dụng cụ chuyên biệt vào can thiệp, bởi cầu nối được các phẫu thuật viên thực hiện ca mổ 10 năm trước đặt ở vị trí ngẫu nhiên. Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã phải sử dụng những dụng cụ hiện đại, chuyên biệt riêng có để có thể triển khai được kỹ thuật này. Việc thực hiện thành công đã làm giảm đáng kể nguy cơ đột tử do nhồi máu cơ tim, suy tim và hạn chế nguy cơ tái nhập viện.


Hà Trang
Ý kiến của bạn
Tags: