Các bác sĩ khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa thực hiện ứng dụng thành công phương pháp tiêu sợi huyết liều thấp cho bệnh nhân (từng mổ thay van tim) bị huyết khối gây kẹt van nhân tạo cơ học. Theo đó, lá van bị tắc nghẽn đã được xử lý, hồi sinh lại nhịp đập cho bệnh nhân.
Thông tin cho biết, bệnh nhân là Trần Thị O. (63 tuổi) ở phường Hà Lầm, TP Hạ Long) từng mắc bệnh lý van tim và được phẫu thuật thay van nhân tạo cơ học từ năm 2019. Sau khi thay van tim sức khỏe của bà O hồi phục tốt..
Tuy nhiên trước khi được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, vài ngày trước đó, khi đang ở nhà, bà O. đột ngột khó thở kéo dài, tím môi, phù hai chân dưới. Qua khai thác tiền sử, người bệnh cho biết khoảng một năm nay không tái khám định kỳ, thuốc chống đông sử dụng không thường xuyên.
Ngay sau khi vào viện các bác sĩ tiến hành thăm khám nghe tiếng van cơ học mờ, kết quả xét nghiệm liều chống đông không đạt, siêu âm tim cấp cứu phát hiện cánh van hai lá cơ học di động kém. Bệnh nhân được chẩn đoán kẹt cấp van hai lá cơ học trên nền bệnh nhân phẫu thuật thay van tim.
Nhận định đây là ca bệnh hiếm gặp ngay cả với tuyến trung ương, các bác sĩ khoa Tim mạch đã hội chẩn kỹ lưỡng để cân nhắc phương án điều trị tối ưu cho người bệnh.
Đánh giá việc phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân không khả thi do tuổi cao sức yếu, lại mới mổ tim hơn 4 năm, xương ức yếu, các nguy cơ trong cuộc mổ rất cao trong khi tình trạng kẹt van tim cấp tính phải xử trí gấp. Các bác sĩ quyết định sử dụng phác đồ tiêu sợi huyết liều thấp để xử lý ca bệnh này.
Sau truyền thuốc tiêu sợi huyết 6 giờ, tình trạng lâm sàng bệnh nhân cải thiện tích cực, người bệnh đỡ khó thở, dần tự thở không cần máy trợ thở. Siêu âm tim kiểm tra thấy van hoạt động bình thường trở lại. Sau 1 tuần điều trị, sức khỏe tiến triển tích cực, hết đau ngực, khó thở, kết quả xét nghiệm đạt liều chống đông, bệnh nhân ổn định được ra viện.
Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Văn Tuấn, Phó trưởng khoa phụ trách khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Đây là ca đầu tiên bệnh viện áp dụng phương pháp tiêu sợi huyết để cứu bệnh nhân kẹt van tim. Dù chưa từng gặp trường hợp nào trước đó, song với những kiến thức chuyên môn đã được tiếp thu, trau dồi từ các đợt đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tim mạch tuyến trung ương, chúng tôi đã nghĩ ngay đến bệnh nhân O. bị huyết khối gây kẹt van tim nhân tạo cơ học. Từ bệnh cảnh lâm sàng của bệnh nhân không thăm khám định kỳ trong gần một năm, cùng với đó là việc dùng thuốc chống đông không đều đặn, liều dùng không đạt đích điều trị nên nguy cơ hình thành huyết khối cao. Một ca bệnh chưa từng có tiền lệ trước đó nên chúng tôi hội chẩn kỹ lưỡng, cẩn trọng tính toán liều tiêu sợi huyết an toàn, hạn chế cho người bệnh, giúp bệnh nhân hồi phục tốt, đặc biệt là tránh được cuộc mổ lại nặng nề, giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị cho người bệnh”.