Hà Nội

Quảng Ninh: Ít nhất 13 người chết, thiệt hại trên 500 tỉ đồng

28-07-2015 14:31 | Thời sự
google news

Tính đến đầu giờ chiều 28-7, trận mưa lũ kinh hoàng nhất trong suốt 40 năm qua trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã làm ít nhất 13 người chết, 4 người mất tích, thiệt hại vật chất trên 500 tỉ đồng

Mưa lũ gây ngập lụt khắp nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Theo báo cáo tổng hợp nhanh về tình hình thiệt hại do mưa lớn từ UBND tỉnh Quảng Ninh, tính đến 13 giờ 30 ngày 28-7, trên địa bàn đã có tới 13 người chết, 4 người mất tích do mưa lũ.

HIện nay, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa to, mưa rất to ở khu vực TP Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn. Mưa lớn kéo dài liên tục từ 22 giờ đêm ngày 27-7 cho đến nay, lượng mưa ước tính trên 750 mm. Mưa lớn đã gây ngập lụt nhiều khu dân cư, nhiều tuyến đường giao thông, sạt lở một số công trình thủy lợi…

Trước tình hình cực kỳ khẩn cấp của mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về thiệt hại nặng nề của tỉnh Quảng Ninh và đề nghị Trung ương hỗ trợ về lực lượng.

Tỉnh đã điện báo cáo Tư lệnh Quân khu 3, Tham mưu trưởng Quân khu 3 đề nghị tăng cường lực lượng quân đội, đưa xe lội nước cứu hộ, tiếp cận khu dân cư bị ngập nước.

Toàn bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đang tập trung tại hiện trường và tiếp cận các khu dân cư bị ngập lụt để trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ.

Khẩn trương triển khai cứu hộ cứu nạn
Một ngôi nhà của người dân bị sập hoàn toàn
Khẩn trương cứu hộ tại phường Cao Thắng (Hạ Long)

Hiện nay, toàn bộ TP Hạ Long, TP Cẩm Phả bị tê liệt hoàn toàn về giao thông. Các phường Cao Thắng, Cao Xanh, Hà Khánh, Hồng Hà, Hồng Hải, Yết Kiêu của TP Hạ Long và phường Quang Hanh của TP Cẩm Phả hiện đang bị ngập lụt và chia cắt hoàn toàn, nhiều khu dân cư nhà ngập đến mái.

Về tình hình thiệt hại, tại TP Hạ Long, sập đổ nhà làm chết 10 người và 9 người bị thương nặng (tại các phường Cao Thắng, Cao Xanh, Hồng Hải, Hồng Hà) đang được cấp cứu tại bệnh viện. Sập đổ 6 nhà tại các phường Cao Thắng, Cao Xanh, Hồng Hải, Hồng Hà.

Nhiều khu dân cư bị ngập lụt sâu (phường Cao Thắng, Hà Khánh, Hà Phong…) làm thiệt hại nhiều tài sản. UBND TP Hạ Long đã di chuyển các hộ dân đến những vị trí cao, an toàn.

Tại TP Cẩm Phả, mưa lũ đã làm chết 3 người (2 trẻ em, 1 phụ nữ) tại khu 9, phường Mông Dương; 1 người bị thương nhẹ tại phường Cẩm Trung. Lũ làm trôi 1 xe bán tải tại khu 9, phường Mông Dương.

TP Cẩm Phả đã di chuyển hàng trăm hộ dân bị ngập lụt sâu ở khu vực Quang Hanh đến nơi an toàn. Ngập lụt đã làm thiệt hại nhiều tài sản có giá trị của nhân dân, nhất là khu vực phường Quang Hanh. Hiện nay thành phố đang tiếp cận khu vực này để tiếp tục cứu hộ.

Tại huyện Vân Đồn, khu vực 2 thôn đảo Bản Sen bị cô lập, hiện nước đang rút, nhân dân đã được cứu trợ lương thực, thực phẩm. Hồ Lòng Dinh đang thi công đã bị vỡ vai đập 30 m, sâu 10 m. Tại đảo Ngọc Vừng đã sạt lở bờ kè của hồ chứa nước dài khoảng 45 m và đã thực hiện di chuyển 1 hộ dân ở vị trí nguy hiểm đến nơi an toàn.

Tại huyện Cô Tô bị sạt lở tại 6 tuyến đường với chiều dài 200 m và 2 tuyến kè bờ biển dài 25 m (đã tạm khắc phục), gây ngập lụt 14 ha lúa và hoa màu, 25 hộ dân bị ngập khoảng lụt, sập đổ 1 nhà cấp 4.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, ước tổng thiệt hại trên toàn tỉnh từ ngày 26-7 đến nay khoảng trên 500 tỉ đồng.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lụt, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã chỉ đạo trích ngay ngân sách tỉnh hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ và hỗ trợ cho các gia đình gặp nạn.

Trước mắt tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ các đối tượng thiệt mạng trong mưa lũ 6 triệu đồng/người và 3 triệu đồng/người bị thương. Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung cho công tác cứu hộ cứu nạn và khắc phục hậu quả. Chỉ đạo chuẩn bị mì tôm, nước uống và thuốc y tế đảm bảo ổn đinh cuộc sống cho người dân trong mưa lũ.

Sẽ có mưa to khắp Bắc bộ, nguy cơ xảy ra lũ quét

Do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục đi qua Bắc Bộ với một xoáy thấp phát triển đến độ cao 5 km nên từ ngày 23 đến 26-7 ở Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to diện rộng, riêng khu vực Tây Bắc có mưa to đến rất to. Một số nơi có mưa lượng lớn như Phiềng Lanh (Sơn La): 200 mm, Pha Đin (Điện Biên): 150mm. Từ ngày 25-7 đến nay (28-7), vùng mưa lớn dịch chuyển sang khu vực Đông Bắc Bắc Bộ, riêng ở Quảng Ninh có lượng mưa từ 500-700 mm, một số nơi có mưa đặc biệt lớn như Cô Tô: 800 mm, Cửa Ông: 850 mm.

Dự báo: Từ ngày 29 đến 31-7, ở các tỉnh ven biển Quảng Ninh-Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Lạng Sơn, Bắc Giang sẽ có mưa vừa, mưa to; riêng khu vực Quảng Ninh-Hải Phòng có mưa to đến rất to. Lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh Đông Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang. Ngập úng ở các vùng thấp, ngập lụt ở đô thị có khả năng xuất hiện ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Trên vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật 8-9, sóng biển cao từ 2 - 3,5 m, biển động.

Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo từ ngày 30-7 đến 2-8, mưa vừa, mưa to sẽ mở rộng ra toàn bộ Bắc Bộ (bao gồm cả Tây Bắc Bộ) và Bắc Trung Bộ. Trên thượng lưu hệ thống sông Thái Bình có khả năng xuất hiện lũ với biên độ lũ lên từ 3-7 m, ở hạ lưu từ 2-4 m. Đỉnh lũ ở mức báo động 2-3. Cấp độ rủi ro thiên tai được cảnh báo ở cấp 2-3. Nguy cơ cao xuất hiện lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; ngập úng ở vùng trũng, thấp, ven sông, suối và các đô thị tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Thủ tướng Chính phủ sáng nay 28-7 vừa có công điện yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, lũ, giúp nhân dân tỉnh Quảng Ninh sớm ổn định cuộc sống.

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia sẻ đối với đồng bào khu vực bị tác động, chia buồn sâu sắc đến chính quyền địa phương và thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng.

Để khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, lũ, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại; hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng người thiệt mạng; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ dân còn bị cô lập, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, đảm bảo không để người dân bị đói, khát; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết; tiếp tục rà soát, chủ động di dời các hộ dân ra khỏi các khu vực bị ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để đảm bảo an toàn tính mạng; chỉ đạo lực lượng cán bộ y tế hỗ trợ nhân dân đảm bảo vệ sinh môi trường sau khi lũ rút, không để phát sinh dịch bệnh; huy động các lực lượng thanh niên, quân đội, công an trên địa bàn giúp nhân dân dựng lại nhà cửa và dọn vệ sinh môi trường.

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 3 và các lực lượng đóng quân trên địa bàn khẩn trương triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với địa phương chỉ đạo vận hành an toàn các hồ chứa nước.

Bộ Y tế chủ động chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở triển khai các phương án đảm bảo vệ sinh môi trường vùng bị ngập lũ.

Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục các sự cố điện, thông tin liên lạc do ảnh hưởng của mưa lũ, đảm bảo sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, khẩn trương khắc phục các điểm bị sạt lở, đảm bảo giao thông trên các trục giao thông chính.

Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai rà soát, tổng hợp kiến nghị của địa phương, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định; phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan kiểm tra, đánh giá, xác định rõ nguyên nhân để chỉ đạo triển khai các biện pháp phù hợp hạn chế tình trạng ngập lụt cục bộ ở các đô thị khi xảy ra mưa lớn

Văn Duẩn

 

 


Ý kiến của bạn