Hà Nội

Quảng Ninh: Hơn 50 di tích không có số liệu báo cáo tiền công đức

26-07-2023 14:39 | Thời sự

SKĐS - Theo Bộ Tài chính, tại Quảng Ninh, còn hơn 50 di tích không có số liệu báo cáo tiền công đức, trong đó có chùa Ba Vàng. Khu di tích Yên Tử nổi tiếng mỗi năm đón 2 triệu lượt khách nhưng tiền công đức lại thấp hơn ở các cơ sở khác.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính về kết quả thực hiện thí điểm kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử-văn hóa, đình chùa, năm 2022,  tại tỉnh Quảng Ninh, tổng tiền công đức thu được 70,8 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng), chi 54,4 tỷ đồng. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng số thu 61 tỷ đồng, chi 29,4 tỷ đồng. 

Báo cáo cũng nêu rõ, còn hơn 50 di tích ở Quảng Ninh không có số liệu báo cáo, trong đó có chùa Ba Vàng là di tích cấp tỉnh, được đánh giá có số thu công đức cao.

Từ việc chùa Ba Vàng chưa báo cáo tiền công đức, mỗi nơi thờ tự có cách quản lý khác nhau - Ảnh 1.

Chùa Ba Vàng thu hút hàng vạn phật tử gần xa đến thăm quan, chiêm bái

Ngày 15/5, UBND TP. Uông Bí ban hành Quyết định số 2501 về việc thành lập Đoàn kiểm tra đối với các di tích lịch sử-văn hóa, đình chùa trên địa bàn và Công văn 1574 ngày 23/5/2023 về việc kiểm tra việc quản lý tiền công đức; đồng thời TP. Uông Bí đã gửi công văn tới Ban Trị sự chùa Ba Vàng, đề nghị chùa báo cáo theo đề cương hướng dẫn gửi kèm.

Về thông tin, Ban trị sự chùa Ba Vàng chưa nhận được văn bản số 1574 và chưa thực hiện nội dung nêu trong đó, UBND TP. Uông Bí chỉ đạo phòng, ban đơn vị liên quan kiểm tra quy trình việc chuyển nhận văn bản giữa các đơn vị. 

Đến ngày 24/7, TP. Uông Bí gửi Công văn số 2240 đề nghị chùa Ba Vàng báo cáo bổ sung công tác quản lý tiền công đức. Sau khi nhận được báo cáo của chùa Ba Vàng, UBND TP Uông Bí sẽ tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.

Từ việc chùa Ba Vàng chưa báo cáo tiền công đức, mỗi nơi thờ tự có cách quản lý khác nhau - Ảnh 2.

Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử (TP. Uông Bí)

Trong 5 Khu di tích Quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử là điểm du lịch sinh thái tâm linh nổi tiếng, mỗi năm đón trên 2 triệu lượt du khách. Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra nhận thấy, công tác giám sát tiếp nhận, kiểm đếm tiền trong hòm công đức, mặc dù có sự phối hợp của nhiều bên liên quan nhưng với số thu tiền công đức năm 2022 là 3,7 tỷ đồng (chỉ tương đương số thu tại Khu di tích lịch sử Bạch Đằng (3,3 tỷ đồng), thấp hơn so với số thu tại đền Thánh Mẫu, di tích cấp tỉnh ở phường Trà Cổ (5,8 tỷ đồng) và chưa bằng 1/5 số thu tại đền Cửa Ông (20,1 tỷ đồng).

Theo số liệu do Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cung cấp: Từ năm 2007 đến tháng 4/2023, tổng thu tiền trong hòm công đức là 287 tỷ đồng, tổng chi khoảng 638 tỷ đồng...

Cũng theo đại diện Ban quản lý Khu di tích, hiện tại ở Yên Tử có 2 dòng tiền do tăng ni, phật tử, người dân… ủng hộ, gồm: Tiền công đức (trong các hòm công đức, thường được ghi vào sổ) và tiền giọt dầu (tiền công đức trên các ban thờ, tượng Phật…). Trong đó, tiền công đức được đại diện các cơ quan chính quyền cùng nhà chùa, quản lý, giám sát; trong khi tiền giọt dầu do nhà chùa quản lý, sử dụng hoàn toàn và chỉ nhà chùa mới biết.

Lý giải về việc tại sao số tiền công đức của Yên Tử lại thấp hơn ở các cơ sở khác và nơi đây luôn đón lượng khách đông hơn rất nhiều, đại diện Ban Quản lý Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cho rằng các đền, di tích khác đều do chính quyền quản lý nên tiền công đức và giọt dầu đều quy vào một mối.

Từ việc chùa Ba Vàng chưa báo cáo tiền công đức, mỗi nơi thờ tự có cách quản lý khác nhau - Ảnh 3.

Du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái đền Cửa Ông (TP. Cẩm Phả)

Còn theo chính quyền phường Cửa Ông (TP. Cẩm Phả): Công tác quản lý và sử dụng nguồn tiền từ dân đóng góp vào Đền Cửa Ông được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, công khai và có sự giám sát của các ban, ngành địa phương cùng TP. Cẩm Phả.

Sau mỗi ngày, Ban kiểm soát két của Đền sẽ đi mở két và đưa toàn bộ tiền có trong két về một phòng trống bố trí sẵn camera xung quanh và kiểm đếm tiền. Mỗi két có 2 chìa khóa giao cho 2 thành viên trong Ban kiểm soát (Chủ tịch MTTQ phường và cán bộ Phòng Tài chính, Kế hoạch thành phố).

Toàn bộ số tiền này sẽ được tổng hợp chuyển vào kho bạc thành phố để sử dụng cho công tác xây dựng, đầu tư, tu bổ di tích và các hạng mục, công trình hạ tầng, công trình phúc lợi xã hội, xây trường học, trạm y tế... Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, Ban quản lý đã sử dụng khoảng 1.000 tỷ đồng trích từ nguồn ủng hộ, đóng góp, công đức của dân để tôn tạo, tu bổ và mở rộng khuôn viên Đền khang trang hơn, quy mô hơn...

Xem thêm video đang được quan tâm:

Người Dân Nhận Lương Hưu, Trợ Cấp Bảo Hiểm Xã Hội Theo Mức Mới Từ Ngày 14/8 | SKĐS

Đức Tùy
Ý kiến của bạn