Khai thác tiền sử, bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, đái tháo đường nhưng điều trị không thường xuyên. Tại đây,các bác sĩ nghi ngờ tắc mạch mạc treo do cục máu đông di chuyển từ tim gây hoại tử ruột, bệnh nhân lập tức được thực hiện chụp cắt lớp vi tính 512 dãy mạch máu trên ổ bụng, kết quả phát hiện tắc gốc động mạch mạc treo tràng trên do huyết khối.
Đánh giá đây là trường hợp rất nặng, bệnh nhân tuổi cao sức yếu lại mắc nhiều bệnh lý mãn tính kèm theo, các bác sĩ khoa Ngoại, Tim mạch, Hồi sức và Gây mê phối hợp họp hội chẩn và quyết định phẫu thuật ngay để kịp thời cứu người bệnh bởi nếu để lâu nguy cơ tử vong rất nhanh vì đã hoại tử ruột.
Các bác sĩ kiểm tra và theo dõi chặt chẽ sức khỏe bà R. sau phẫu thuật.
Kíp phẫu thuật do Ths.Bs Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại và các phẫu thuật viên trong khoa tiến hành mở bụng kiểm tra thấy toàn bộruột non và đại tràng phải đã tím lạnh do thiếu máu, một đoạn dài ruột non và ruột già hoại tử hoàn toàn, mạch mạc treo tràng trên bị tắc do huyết khối.
Phẫu thuật viên thực hiện cắt bỏ khoảng 3 m ruột non và ruột già bị hoại tử, mở động mạch mạc treo tràng trên lấy huyết khối. Rất may đoạn đầu ruột non đã hồng ấm trở lại và được nối với phần đại tràng còn lại. Sau 2 giờ phẫu thuật căng thẳng, ca mổ diễn ra thành công.
Sau mổ, bệnh nhân được tiếp tục theo dõi và điều trị hồi sức tích cực. Đến nay, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, các chỉ số ổn định, đã đi vệ sinh, ngồi dậy đi lại và tập ăn theo chế độ của bác sĩ dinh dưỡng.
Ths.Bs Phạm Việt Hùng, đánh giá, trước đây,bệnh viện đã từng gặp nhiều ca tắc mạch mạc treo do huyết khối, dù được mổ nhưng đều tử vong vì đến muộn hoặc bệnh nhân không thể phục hồi sau khibị cắt hết ruột non.
Tuy nhiên ở tuyến trung ương ghi nhận đã có trường hợp cắt ruột vẫn sống và phục hồi nên bệnh viện quyết tâm không từ bỏ cơ hội, cố gắng hết sức để cứu bệnh nhân này. Trong quá trình phẫu thuật, chúng tôi chỉ cắt những đoạn ruột đã hoại tử hoàn toàn, dùng dụng cụ lấy huyết khối làm thông mạch để cứu những đoạn ruột thiếu máu chưa hoại tử.
"Dù tình trạng rất nặng nhưng chúng tôi không đưa hai đầu ruột ra ngoài thành bụng mà thực hiện nối ruột ngay vì nguy cơ mất nước và điện giải do ruột ngắn, nhờ vậy bệnh nhân vẫn có thể sống, tiêu hóa và hấp thu được nhờ phần ruột còn lại", Ths Hùng nói.
Bên cạnh đó, điều quan trọng đối với bệnh nhân cao tuổi bị cắt đoạn ruột dài có thể nhanh chóng phục hồi và thích nghi là quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng đặc biệt, vì vậy chúng tôi theo dõi bệnh nhân rất chặt chẽ, kháng sinh, dùng thuốc chống huyết khốingăn ngừa tạo cục máu đông, kết hợp dinh dưỡng truyền tĩnh mạch và nuôi ăn bằng dung dịch dinh dưỡng dễ hấp thu để bệnh nhân nhanh chóng phục hồi.
Tắc động mạch mạc treo là một biến chứng của bệnh tim mạch, khó chẩn đoán sớm, có tỷ lệ tử vong cao với triệu chứng không điển hình và đặc hiệu. Bởi vậy, việc chẩn đoán phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm chuyên môn của đội ngũ bác sĩ chuyên khoa cũng như các phương tiện cận lâm sàng hiện đại.
Có nhiều nguyên nhân gây tắc mạch mạc treo như: xơ vữa động mạch, cục huyết khối đến từ tim, viêm mạch máu… sẽ làm cho cục máu đông kẹt lại ở những động mạch nuôi ruột. Bệnh thường hay khởi phát với tình trạng đau bụng không điển hình, có thể kèm theo rối loạn tiêu hóa khiến bệnh nhân chủ quan.
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các nguy cơ rất nặng nề do hoại tử toàn bộ ruột non và một phầnđại tràng gây nhiễm trùng, nhiễm độc rất nặng, suy đa tạng phủ, tỷ lệ tử vong 70-90%. Nếu sống sót sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống do cắt bỏ hầu hết ruột của người bệnh. Vì vậy, trong trường hợp đau bụng không rõ nguyên nhân, nhất là bệnh nhân có tiền sử bệnh lý tim mạch, bệnh mãn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp…) cần đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh để được thăm khám và phát hiện kịp thời.