Được đầu tư trang thiết bị y tế tiền tỷ, nhưng vì thiếu nhân lực vận hành theo quy định của Bộ Y tế nên nhiều máy Xquang tại một số trung tâm y tế huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi phải đắp chiếu, khiến cho người bệnh vùng cao nơi đây gặp nhiều thiệt thòi, gây bất cập trong quá trình khám chữa bệnh BHYT tuyến cơ sở.
Khi đến khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Trà Bồng, nhiều bệnh nhân bức xúc vì Nhà nước đầu tư máy chụp Xquang trị giá tiền tỷ nhưng không thể sử dụng.
Nhiều bệnh nhân cho biết, khi cần chụp để kiểm tra xương cũng như xác định bệnh lý nội khoa khác thì lại phải nhận phiếu chuyển xuống tuyến tỉnh. Bệnh nhân Hồ Văn Viên (43 tuổi, ở Trà Hiệp) bức xúc: “Tôi bị đau chân, ở đây có máy Xquang nhưng không được chụp, bác sĩ bảo phải lên tuyến trên. Nhà tôi nghèo lắm, đâu có điều kiện xuống bệnh viện tỉnh điều trị”. Không chỉ bệnh nhân bức xúc mà các bác sĩ tại trung tâm cũng lo lắng không kém. “Với đặc thù miền núi nên bệnh nhân bị tai nạn do đi rừng, đi rẫy cũng tương đối nhiều. Nhu cầu bệnh nhân chụp phim để bác sĩ dễ dàng chẩn đoán bệnh là rất lớn, nhưng vì theo quy định, phòng máy phải đóng cửa vài tháng nay khiến cho việc điều trị bệnh nhân nhiều khi gặp khó khăn” - BS. Thân Thị Thủy, Khoa Nội nhi tổng hợp chia sẻ.
Máy Xquang tiền tỷ của TTYT huyện Trà Bồng phải đắp chiếu vì không có người vận hành.
Đem bất cập trên trao đổi với lãnh đạo TTYT huyện Trà Bồng, (Quảng Ngãi), BS. Hồ Văn Toàn - Giám đốc Trung tâm giải thích: Chúng tôi cũng rất muốn hoạt động phòng máy để đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại đơn vị. Nhưng theo quy định tại Thông tư 41 năm 2015 của Bộ Y tế thì chỉ có cử nhân Xquang (tốt nghiệp đại học) mới được đọc và mô tả hình ảnh chẩn đoán, nhưng không được kết luận chẩn đoán. Có vậy BHYT mới thanh toán chi phí cho người bệnh.
Đối chiếu theo quy định này thì cán bộ chụp Xquang của trung tâm không đảm bảo bằng cấp theo quy định. Theo BS. Toàn, mỗi ngày trung tâm có khoảng 10-15 ca bệnh cần chụp Xquang và hầu hết đều phải chuyển tuyến trong khi máy tiền tỷ tại đơn vị thì không thể đem ra hoạt động, gây lãng phí tài sản Nhà Nước.
Được biết, máy Xquang tại trung tâm được trang bị mới từ năm 2013, nguồn kinh phí do Dự án hỗ trợ vùng y tế Duyên hải Nam Trung Bộ đầu tư, với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Đưa chúng tôi đến phòng máy Xquang, kỹ thuật viên phòng máy anh Lê Văn Tuấn không giấu được nỗi buồn, chia sẻ: “Là y sĩ, học chứng chỉ chụp Xquang tại Huế và hành nghề đã 16 năm nay. Kinh nghiệm đầy mình, nhưng trái khoáy là mình không phải cử nhân. Nên dù không thể hoạt động phòng máy, nhưng hằng ngày tôi cũng phải khởi động để bảo dưỡng máy định kỳ”.
Đồng cảnh ngộ với Trà Bồng, tại TTYT miền núi Tây Trà, Sơn Tây (Quảng Ngãi) cũng rơi vào cảnh tương tự. Các đơn vị y tế này cũng đều được trang bị thiết bị máy Xquang hiện đại, trị giá tiền tỷ, nhưng vì không có cử nhân vận hành nên bệnh nhân không được thanh toán BHYT, buộc các đơn vị phải dừng hoạt động.
“Đa số người bệnh ở đây đều nghèo khó nên việc bệnh nhân có thẻ BHYT tự trả chi phí chụp Xquang với số tiền 30 nghìn đồng/ lần cũng rất khó khăn đối với các gia đình nghèo. Năm 2015, Trung tâm chụp Xquang cho hơn 930 trường hợp, nhưng chỉ có 140 trường hợp thu phí được, còn lại đơn vị phải “gánh” chi phí này để kịp thời khám chữa bệnh cho đồng bào nghèo” - BS. Châu Nguyễn Thương - Giám đốc TTYT huyện Tây Trà cho biết.
Còn tại huyện Sơn Tây, BS. Nguyễn Quốc Dũng - Phó Giám đốc TTYT huyện cho biết: Cũng vì thiếu hụt nguồn nhân lực mà tại trung tâm, các thiết bị máy móc chuyên dụng của ngành y tế dù đã được đầu tư mua sắm hiện đại, nhưng việc sử dụng còn rất hạn chế. Điển hình như máy Xquang không có cử nhân cũng đành đóng cửa, còn máy xét nghiệm cũng không có cử nhân nên không thể hoạt động. Hay năm 2013, trung tâm được trang bị máy sốc tim để cấp cứu bệnh nhân khi ngưng thở, nhưng đến nay hầu như “đắp chiếu” vì chưa có bác sĩ chuyên khoa sử dụng.
Được biết cách đây 5 năm, TTYT huyện Sơn Tây có tiếp nhận hai kỹ thuật viên chụp Xquang đăng ký về công tác, nhưng sau thời gian hai cán bộ này cũng xin chuyển công tác về đồng bằng.
Điều đáng nói tại các huyện miền núi, để đào tạo nguồn nhân lực cử nhân đáp ứng sử dụng các phòng máy không hề dễ, hầu hết là y sĩ được đào tạo lên kỹ thuật viên. Trong khi cán bộ thuộc diện này có điều kiện làm tư ở nơi có điều kiện phát triển nên thiếu hụt nguồn cán bộ cho tuyến cơ sở vùng khó. Việc đóng cửa hoạt động các phòng máy đã gây thiệt thòi rất lớn cho người bệnh ở vùng cao.
“Sở cũng đã tiếp nhận kiến nghị của các trung tâm y tế về vấn đề không thể sử dụng máy Xquang do vướng quy định. Trong thời gian tới, để giải quyết khó khăn cho các đơn vị, Sở có kế hoạch luân chuyển cán bộ y tế từ các bệnh viện tuyến huyện đồng bằng để hỗ trợ cho các đơn vị y tế miền núi hoạt động, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân”.