Quảng Ngãi, máy chẩn đoán hình ảnh đắp chiếu: Gấp rút đào tạo bác sĩ chuyên ngành

09-09-2016 13:51 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Như báo SK&ĐS đã phản ánh về tình trạng một số máy chẩn đoán hình ảnh ở các huyện Tây Trà và Trà Bổng của Quảng Ngãi phải đắp chiếu vì thiếu bác sĩ chuyên khoa.

Như báo SK&ĐS đã phản ánh về tình trạng một số máy chẩn đoán hình ảnh ở các huyện Tây Trà và Trà Bổng của Quảng Ngãi phải đắp chiếu vì thiếu bác sĩ chuyên khoa. Chúng tôi đã phỏng vấn BS. Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi về vấn đề này.

BS. Nguyễn Tấn Đức.

PV: Thưa ông, hiện nay tại một số huyện miền núi của Quảng Ngãi nhiều thiết bị y tế hiện đại chưa được sử dụng do thiếu nguồn nhân lực khiến người dân phải đi xa thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng, giải pháp của Quảng Ngãi trong vấn đề này như thế nào?

BS. Nguyễn Tấn Đức: Việc trang bị các trang thiết bị y tế cho các bệnh viện nói chung và các bệnh viện huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi là phù hợp với nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh tại đơn vị. Những trang thiết bị này đã được các đơn vị sử dụng, thực hiện tốt các kỹ thuật được Sở Y tế phê duyệt (trên cơ sở danh mục và phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế quy định). Tuy nhiên hiện nay, việc triển khai thực hiện các kỹ thuật về chẩn đoán hình ảnh (Xquang) gặp khó khăn đối với người bệnh tham gia BHYT vì thiếu nhân lực đạt tiêu chuẩn để đọc và kết luận theo quy định của Bộ Y tế (tại Điểm a, Khoản 3, Điều 29 Thông tư 41/2015/TT-BYT: Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng chẩn đoán hình ảnh phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề và có thời gian trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh về chẩn đoán hình ảnh ít nhất là 54 tháng và tại Điểm d, Khoản 4, Điều 29 Thông tư 41/2015/TT-BYT: Cử nhân Xquang (tốt nghiệp đại học) được đọc và mô tả hình ảnh chẩn đoán nhưng không được kết luận chẩn đoán).

Vừa qua, khi BHXH tỉnh Quảng Ngãi đi giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế của tỉnh đã căn cứ vào các điều này nên chưa thanh toán kinh phí khám chữa bệnh BHYT cho các cơ sở y tế, lý do là chưa có bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh. Một số cơ sở y tế lo ngại BHXH tỉnh từ chối thanh toán chi phí cho các kỹ thuật này sẽ dẫn đến khó khăn về kinh phí khi hoạt động nên đã hạn chế hoạt động các máy Xquang, trong đó có Trung tâm y tế Tây Trà và Trà Bồng. Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế phải triển khai hoạt động các máy Xquang ngay để phục vụ người bệnh, tuyệt đối không để người bệnh đi xa để thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng. Khi nhận được chỉ đạo của Sở Y tế thì Trung tâm y tế Tây Trà và Trà Bồng đã triển khai ngay để phục vụ người bệnh.

Máy Xquang của TTYT Tây Trà được đầu tư hiện đại nhưng ít vận hành vì thiếu nhân lực.

PV: UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Thông báo kết luận của Phó Chủ tịch thường trực Lê Quang Thích giao cho Sở Y tế thực hiện theo đúng Công văn số 3356/BYT-KCB của Bộ Y tế thành lập các tổ thẩm định kết quả xét nghiệm. Việc thành lập các tổ thẩm định này đến đâu? Kết quả ra sao?

BS. Nguyễn Tấn Đức: Sở Y tế đã thành lập 9 tổ thẩm định theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tổ chức thẩm định tại các đơn vị chưa có đủ nhân lực đạt tiêu chuẩn theo quy định. Việc thẩm định sẽ được thực hiện và hoàn thành trong tháng 9/2016.  Để giải quyết những khó khăn hiện nay, trước mắt, Sở Y tế thành lập các tổ thẩm định theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tổ chức thẩm định tại các đơn vị chưa có đủ nhân lực đạt tiêu chuẩn theo quy định; tổng hợp kết quả và phối hợp với BHXH tỉnh giải quyết. Ngành cũng đã làm việc với Trường đại học Y - Dược Huế sẽ tổ chức đào tạo chuyên khoa định hướng về chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm cho tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 9/2016 (đào tạo 46 bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và 34 cử nhân đại học xét nghiệm). Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút nhân lực y tế (ưu tiên cho các chuyên khoa còn thiếu và các đơn vị thuộc miền núi, khu vực khó khăn).

PV: Từ việc các máy móc hiện đại được đầu tư nhưng chưa được sử dụng vì thiếu nguồn nhân lực, có thể thấy đó là việc đầu tư chưa song hành với đào tạo con người. Ông có thể cho biết, qua việc này, y tế Quảng Ngãi rút ra kinh nghiệm gì và khắc phục ra sao tránh tình trạng như hiện nay?

BS. Nguyễn Tấn Đức: Quảng Ngãi cũng như một số tỉnh khác đang gặp phải đó là thiếu nhân lực y tế có trình độ chuyên môn cao, chuyên sâu. Nhận thức vấn đề này, Sở Nội vụ và Sở Y tế Quảng Ngãi đã tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao về phục vụ tại tỉnh Quảng Ngãi; 3 năm qua y tế Quảng Ngãi đã thu hút gần 200 bác sĩ, bác sĩ nội trú, thạc sĩ y khoa, dược sĩ đại học về công tác tại tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, đối với các huyện miền núi vẫn còn thiếu số lượng bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa sâu trong đó có chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh. Ngành cũng đã làm việc với Trường đại học Y - Dược Huế sẽ tổ chức đào tạo chuyên khoa định hướng về chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm cho tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 9/2016 (đào tạo 46 bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và 34 cử nhân đại học xét nghiệm). Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút nhân lực y tế (ưu tiên cho các chuyên khoa còn thiếu và các đơn vị thuộc miền núi, khu vực khó khăn).

PV: Xin cảm ơn ông!


Đỗ Khuê (thực hiện)
Ý kiến của bạn