Quảng Nam: "Quan" xã giả chữ ký của dân

15-09-2010 08:14 | Thời sự
google news

Không chỉ làm giả một chữ ký mà tại xã Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, các cán bộ xã ở đây đã làm giả nhiều chữ ký để rút tiền hỗ trợ người dân trong việc quản lý và bảo vệ rừng. Số tiền lên tới hàng triệu đồng/hộ.

Không chỉ làm giả một chữ ký mà tại xã Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, các cán bộ xã ở đây đã làm giả nhiều chữ ký để rút tiền hỗ trợ người dân trong việc quản lý và bảo vệ rừng. Số tiền lên tới hàng triệu đồng/hộ.

Cả mấy tháng qua, người dân ở tại thôn 1, xã Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam rất bức xúc về vụ việc mới được phanh phui: từ năm 2007 - 2009, một số cán bộ xã Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đã thông đồng với nhau để giả chữ ký nhận tiền hỗ trợ cho người dân trong việc quản lý và bảo vệ rừng.

Nhan nhản chữ ký giả

Theo hợp đồng giữa UBND xã Tiên Ngọc với Ban quản lý Dự án trồng rừng huyện Tiên Phước, những cánh rừng của địa phương này thuộc diện khoanh nuôi, bảo vệ đã được giao khoán cho người dân chăm sóc, quản lý từ tháng 9/2005. Theo đó, các hộ dân quản lý rừng sẽ nhận được số tiền hỗ trợ tương ứng với diện tích họ đang quản lý. Tuy nhiên, người dân bức xúc là việc họ không ký cũng như không được nhận tiền mà trong danh sách cán bộ xã kê có tên và chữ ký của họ nhận tiền lên đến hàng triệu đồng/hộ?

 Các khu rừng ở thôn 1, xã Tiên Ngọc này đã bị một số cán bộ xã trục lợi bất chính.
Có mặt tại thôn 1, chúng tôi đã tìm hiểu, cụ thể như anh Lê Minh Vương (thôn 1, xã Tiên Ngọc) người được giao quản lý lô 3 (khoảnh VI, tiểu khu 562), trong danh sách anh ký nhận 2.132.000 đồng/năm. "Năm 2007, khi còn làm bên dân quân, tôi có ký một lần nhưng không nhận tiền. Còn những chữ ký sau đó không phải chữ ký của tôi" - anh Vương bức xúc nói. Còn anh Đặng Văn Năm (trú thôn 1, xã Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước là người được giao quản lý lô 1 (khoảnh III, tiểu khu 562) bức xúc cho biết: Anh có tên trong danh sách nhận tiền và ký nhận từ năm 2007 đến năm 2009, với số tiền là 2.296.000 đồng/năm. Tuy nhiên khi thấy chữ ký của mình trong danh sách, anh Năm khẳng định: "Đây không phải là chữ ký của tôi và tôi chưa bao giờ nhận tiền". Trong danh sách còn có những người khác như vợ chồng anh Trần Văn Kiều đã ký nhận tiền bảo vệ rừng thuộc lô 5 (khoảnh VII, tiểu khu 561) với số tiền là 1.763.000 đồng. Nhưng vợ chồng anh khẳng định: "Đây không phải là chữ ký của tôi". Anh Kiều cho biết, vào năm 2005 - 2006, anh và anh trai Trần Văn Ước nhận giữ chung lô số 3 (khoảnh IV, tiểu khu 559). Năm 2006, hai anh em nhận 420.000 đồng, chia nhau mỗi người được 210.000 đồng. Chỉ có bấy nhiêu còn 1.763.000 đồng chúng tôi không hề nhận... Nhiều người dân thắc mắc, họ không ký nhận tại sao lại lập danh sách và ai đã giả chữ ký của họ để nhận tiền, số tiền trên đi về đâu?

Cần sớm xử lý sai phạm

Tìm hiểu vấn đề chúng tôi được biết, trong quá trình giao rừng cho dân quản lý đã xảy ra một số bất cập, nên UBND xã Tiên Ngọc có tờ trình gửi về huyện Tiên Phước xin giao rừng lại cho lực lượng công an xã và xã đội nhận quản lý bảo vệ rừng. UBND huyện đã trình UBND tỉnh và đã được tỉnh chấp thuận. Do vậy từ năm 2007 đến năm 2009, UBND huyện giao lại toàn bộ 1.739ha cho UBND xã Tiên Ngọc quản lý. Vụ việc chỉ bắt đầu rắc rối khi tiền quản lý, bảo vệ rừng được giao về UBND xã và một số cán bộ đã giả chữ ký của người dân để nhận số tiền.

Đem sự việc trên, phóng viên đã trao đổi với ông Phùng Văn Huy - Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Phước cho biết: "Sau khi nhận được đơn tố cáo nội dung trên, UBND huyện đã giao cho Thanh tra huyện điều tra làm rõ. Qua thanh tra cho thấy, dự án trồng rừng trên đã giao cho UBND xã Tiên Ngọc quản lý, bảo vệ rừng từ năm 2007 đến năm 2009, tuy nhiên đã bị một số cán bộ giả chữ ký của dân để nhận số tiền được giao. Thanh tra đề nghị thu hồi và đã thu hồi số tiền 483.000.000 đồng. Hiện đang chờ kiểm tra toàn bộ hồ sơ để xử lý vi phạm. Tùy theo mức độ sai phạm, huyện sẽ xử lý vụ việc, sau đó sẽ có kết luận gửi đến các cơ quan liên quan trong thời gian sớm nhất" - ông Phùng Văn Huy nhấn mạnh.

Hiện người dân xã Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước đang rất cần được trả lời rạch ròi số tiền trên đã đi về đâu và sự sai phạm của các “quan” xã sẽ được xử lý như thế nào? Nay mong các cơ quan chức năng Quảng Nam sớm vào cuộc điều tra và trả lại công bằng cho người dân.

Hồng Phong


Ý kiến của bạn