Hà Nội

Quảng Nam: Phấn đấu đạt mức sinh thay thế vào năm 2025

25-12-2021 14:34 | Xã hội
google news

SKĐS - Quảng Nam đặt mục tiêu tiếp tục nỗ lực giảm mức sinh, tiến tới đạt mức sinh thay thế vào năm 2025 (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con).

Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng

Theo kế hoạch số 2337 được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành về thực hiện chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch đặt mục tiêu tiếp tục nỗ lực giảm mức sinh, tiến tới đạt mức sinh thay thế vào năm 2025 (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con). Quảng Nam ổn định quy mô dân số ở mức 1.543.000 người (tỷ lệ tăng dân số trung bình hằng năm ở mức 0,5%); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên dưới 12%.

Quảng Nam đặt mục tiêu tiếp tục nỗ lực giảm mức sinh, tiến tới đạt mức sinh thay thế vào năm 2025.

Quảng Nam đặt mục tiêu tiếp tục nỗ lực giảm mức sinh, tiến tới đạt mức sinh thay thế vào năm 2025.

Cùng với đó, giảm 0,1 - 1,3% tổng tỷ suất sinh ở các huyện có mức sinh cao (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có hơn 2,1 con); tăng 0,1 - 0,4% tổng tỷ suất sinh ở các huyện có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con).

Giai đoạn này duy trì kết quả ở những huyện đã đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2 con đến 2,1 con);  giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 1 - 5% mỗi năm đối với những huyện có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên hơn 10%. Toàn bộ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49 tuổi) đều được tiếp cận thông tin tư vấn, sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, thực hiện phòng tránh vô sinh và hỗ trợ sinh sản.

Giai đoạn 2026 - 2030, Quảng Nam phấn đấu duy trì mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh trên địa bàn tỉnh ở mức 2,1 con/phụ nữ. Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 1.576.000 người; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở mức dưới 10%; vận động mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con để duy trì ổn định mức sinh thay thế, thực hiện chính sách "mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con để nuôi dạy cho tốt".

Duy trì mức sinh thay thế - bước ngoặt về chính sách dân số

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cũng chỉ rõ: sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VII và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Nổi bật nhất là tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh, tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện, dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Tuy nhiên, Nghị quyết cũng nhận định, công tác dân số còn một số hạn chế nhất định, được đề cập đầu tiên là vấn đề mức sinh thay thế còn chênh lệch đáng kể giữa các vùng. Thực tế cho thấy ở thành phố lớn, kinh tế phát triển thì mức sinh thay thế thấp trong khi đó một số vùng khó khăn thì mức sinh lại cao. Chẳng hạn vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, bình quân mỗi phụ nữ sinh dưới 2 con, nhưng ở một số tỉnh thuộc khu vực trung du và miền múi phía Bắc là 2,69 con, thậm chí có tỉnh bình quân mỗi bà mẹ sinh trên 3 con như Lai Châu…

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), dự báo đến năm 2049, dân số nước ta sẽ ở mức sinh cao (so với mức sinh hiện nay), quy mô dân số sẽ lớn, mật độ dân số sẽ đông tác động đến mọi thành tựu đạt được trong hàng thập kỷ qua. Thực trạng này sẽ tạo sức ép rất lớn cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước về việc làm, thu nhập, an ninh lương thực, chăm sóc y tế, an ninh năng lượng, môi trường...

Nếu duy trì mức sinh thấp hơn sẽ khó phục hồi mức sinh và khó đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức tự nhiên. Trong trường hợp này, thời gian từ  "già hoá dân số" sang "dân số già" càng ngắn lại, tạo ra các sức ép mạnh mẽ về chăm sóc y tế cho người cao tuổi.

Để tiếp tục giữ vững được thành quả của công tác dân số với sự phát triển của đất nước, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII yêu cầu duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), đến năm 2030 quy mô dân số đạt 104 triệu người; giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế. Đồng thời "giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đã đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp".

Điều này cũng có nghĩa là, chương trình KHHGĐ ở nước ta phải làm sao cho mức sinh giữa các tỉnh, thành phố nhích lại gần nhau, gần mức sinh thay thế. Theo đó, công tác KHHGĐ phải được cụ thể hóa theo từng nhóm tỉnh, thành phố; phải có sự phân biệt về mục tiêu, nội dung truyền thông, phương thức cung cấp phương tiện, dịch vụ tránh thai cho phù hợp với kết quả về mức sinh mà mỗi tỉnh đã đạt được, chứ không đồng nhất như trước đây.

Đà Nẵng và những kế hoạch linh hoạt ổn định mức sinhĐà Nẵng và những kế hoạch linh hoạt ổn định mức sinh

SKĐS - Đà Nẵng là địa phương có mức sinh khá "đa dạng", theo thông tin từ Chi cục DS-KHHGĐ Đà Nẵng, địa phương ghi nhận hiện có những vùng có tổng tỷ suất sinh thấp (dưới 2 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ), vùng có mức sinh thay thế (2 - 2,1 con) và vùng có tỷ suất sinh cao (2,2 con).


T. Kiệt
Ý kiến của bạn