Tình trạng thiếu thuốc kéo dài mấy tháng qua tại một số bệnh viện (BV), trung tâm y tế huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã làm cho công tác khám chữa bệnh gặp không ít khó khăn. Thiếu thuốc giai đoạn giao thời giữa cuối và đầu kỳ đấu thầu thuốc là một thực trạng diễn ra kể từ khi áp dụng chính sách đấu thầu thuốc quy về một mối. Giải pháp nào để các BV đảm bảo được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong giai đoạn giao thời để “chờ” thuốc mới về?

Việc thiếu thuốc gây khó khăn cho công tác điều trị.
Bệnh viện tự xoay xở
Là cơ sở y tế khám chữa bệnh tuyến đầu trực thuộc Sở Y tế, BVĐK Quảng Nam cũng không nằm ngoài thực tế thiếu thuốc. Song, do đây là chuyện thường diễn ra vào cuối kỳ đấu thầu, lượng thuốc và vật tư y tế tiêu hao hàng năm trị giá khá lớn (khoảng 130 tỷ đồng) nên ngoài việc chủ động dự trữ thuốc, thì việc gia hạn hợp đồng thuốc của BV đối với các nhà cung cấp cũng có phần dễ dàng. Thế nhưng, sự thiếu chủ động nguồn thuốc cũng đã gây không ít trở ngại cho công tác thu dung, điều trị của BV.
Được biết, trước tình trạng thiếu thuốc, Hội đồng Thuốc và Điều trị của BV đã họp bàn và có kế hoạch xử lý, chủ động nguồn thuốc. Ông Dương Ngọc Vinh - Phó Giám đốc BVĐK Quảng Nam khẳng định: “Thực tế thì BV đã chủ động dự trữ trước, vì đây là tình trạng thường xảy ra cuối kỳ đấu thầu. Chúng tôi có trách nhiệm không để ảnh hưởng đến công tác khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân”. Mặc dù là cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến nay, TTYT huyện Tiên Phước liên tục thiếu hụt nguồn thuốc để phục vụ bệnh nhân. BS. Trần Văn Dũng - Phó Giám đốc TTYT huyện Tiên Phước cho biết, bình quân mỗi ngày TTYT huyện đón hơn 200 lượt bệnh nhân đến khám. Do thiếu thuốc nên sau khi khám xong, bác sĩ chỉ kê toa để bệnh nhân ra ngoài mua thuốc điều trị. Có trường hợp bệnh nhân cần 5 - 6 loại thuốc, nhưng BV chỉ còn 1 loại. Tình trạng thiếu thuốc điều trị diễn ra ở hầu hết các khoa phòng, nhất là Khoa Đông y có thời điểm thiếu 6 - 7 loại thuốc. Việc thiếu thuốc gây khó khăn cho công tác điều trị cũng như không thể phục vụ đảm bảo cho bệnh nhân.
Cũng như nhiều BV tuyến huyện, từ cuối năm 2014 đến nay, TTYT huyện Thăng Bình cũng phải chật vật xoay xở mới có đủ thuốc và các loại vật tư y tế tiêu hao, đảm bảo công tác khám và điều trị bệnh. Để phục vụ công tác thu dung, điều trị hàng trăm lượt bệnh nhân mỗi ngày, ngoài việc xử lý bằng cách chọn thuốc thay thế hoặc chuyển lên tuyến trên, lãnh đạo TTYT huyện Thăng Bình đã phải đích thân đến Sở Y tế xin chủ trương mua một vài loại thuốc cơ bản để có nguồn thuốc và vật tư y tế tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh. BS. Đoàn Văn Sen - Phó Giám đốc TTYT huyện Thăng Bình cho biết: “Thiếu thuốc là điều có thật. Thực tế là do Sở Y tế tổ chức việc đấu thầu thuốc không kịp thời. Điều này gây không ít khó khăn cho BV trong việc kê đơn, bởi phải cân nhắc nguồn thuốc hiện có. Không tới khám chữa bệnh cần phải được khắc phục”.
Khắc phục cách nào?
Kết thúc hợp đồng cung ứng thuốc vào cuối năm 2014, Sở Y tế Quảng Nam đã có văn bản gia hạn thời gian kéo dài hợp đồng cung ứng thuốc đến 28/2/2015. Nhưng mãi cho đến tháng 4 thì việc đấu thầu thuốc mới hoàn thành và danh mục thuốc mới được công bố. Theo một số người am hiểu thị trường cung ứng thuốc, trong khi giá thuốc thường biến động tăng, nên ngay cả khi hợp đồng được Sở Y tế kéo dài thì các đơn vị cung ứng thuốc cũng không mấy mặn mà. Vì vậy mà từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hầu hết các cơ sở y tế đều rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn thuốc để phục vụ bệnh nhân. Theo ông Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng khoa Dược BVĐK Quảng Nam muốn khắc phục thực tế thiếu thuốc cũng không khó, bởi chỉ cần tổ chức đấu thầu sớm trước khi hợp đồng cũ kết thúc thì các BV cũng sẽ chủ động hơn.
Trao đổi với PV báo Sức khỏe&Đời sống qua điện thoại, BS. Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, đến sáng 4/6/2015, cơ bản tình trạng thiếu thuốc trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện. Không còn tình trạng người bệnh đi khám phải ra ngoài mua thuốc như trước nữa.
Lan Viên