Quảng Nam nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719

05-11-2023 09:55 | Thời sự
google news

SKĐS - Triển khai Chương trình MTQG 1719, tỉnh Quảng Nam kỳ vọng chương trình sẽ là đòn bẩy làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giúp người dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Quảng Nam hiện có 70 xã được hưởng các chính sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ. Địa phương có 230 thôn được hưởng chính sách theo Quyết định 612 của Bộ trưởng Uỷ ban Dân tộc (UBDT). Như vậy, Quảng Nam là một trong những tỉnh có đối tượng được hưởng chính sách từ chương trình này tương đối lớn.

Quảng Nam nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719- Ảnh 1.

Quảng Nam kỳ vọng việc thực hiện Chương trình MTQG sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội ở các huyện miền núi của tỉnh. Ảnh:TL.

Đây là chương trình lớn nhất từ trước đến nay, dành cho đồng bào vùng DTTS và miền núi. Chương trình này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; làm nền móng, nền tảng cho việc xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi bộ mặt đời sống ở vùng DTTS, miền núi. Đó là ý nghĩa lớn nhất của Chương trình MTQG 1719.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719, Quảng Nam đã xây dựng đề án trình UBDT và Trung ương với dự toán tổng kinh phí khoảng trên 3.000 tỷ đồng, trong đó riêng nguồn vốn từ Trung ương khoảng trên 2.000 tỷ đồng. Trong thời gian từ năm 2022-2023, Trung ương phân bổ nguồn vốn cho Quảng Nam là khoảng 1.200 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư chiếm trên 600 tỷ đồng, vốn sự nghiệp khoảng gần 600 tỷ đồng, bao gồm cả nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn đối ứng của địa phương 15%.

Các tiểu dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia 1719 như giáo dục, y tế, nước sạch, giao thông cũng đã phát huy hiệu quả rõ rệt để thay đổi đời sống bà con. Từ nguồn đầu tư đúng trọng điểm này mà đời sống vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Nam đã thay đổi căn bản.

Đến nay, chương trình đã góp phần tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS và MN tỉnh, về tỷ lệ giảm hộ nghèo DTTS vượt chỉ tiêu quy định của Chương trình. Cụ thể: Chỉ tiêu chương trình đề ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm trên 3%; kết quả thực hiện năm 2022 là 10,04%, đạt 334 %.

Ngay từ khi có chủ trương này, năm 2022, UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Các sở, ban, ngành liên quan được phân nhiệm vụ cụ thể. Riêng đối với các chương trình MTQG có triển khai cả ở vùng đồng bằng và miền núi thì do UBND tỉnh phụ trách. Sau khi được giao nhiệm vụ, Ban Dân tộc đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân bổ kịp thời vốn trung hạn, vốn hằng năm. Riêng vốn đầu tư thì phân bổ luôn cùng nguồn vốn trung hạn 2021-2025, đối với vốn sự nghiệp thì phân bổ theo hằng năm.

Hiện nay, Quảng Nam đang khẩn trương triển khai các nguồn vốn được phân bổ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ các chương trình mục tiêu quốc gia ở khu vực miền núi vẫn đang gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

Trồng dược liệu quý phát huy tiềm năng vùng dân tộc thiểu số và miền núiTrồng dược liệu quý phát huy tiềm năng vùng dân tộc thiểu số và miền núi

SKĐS - Điều kiện tự nhiên khu vực vùng núi nước ta rất phù hợp để phát triển các loài dược liệu quý, đem lại giá trị kinh tế lớn giúp bà con dân tộc thiểu số thoát nghèo.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Đào tạo cô đỡ thôn bản - Khó khăn và thách thức.


Nguyễn Sơn
Ý kiến của bạn