Từ khi có dự án nâng cấp, mở rộng đoạn đường đi vào Tượng đài chiến thắng Núi Thành, tỉnh Quảng Nam (Di tích lịch sử quốc gia) đã có 95 hộ dân xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành đã tự động dỡ bỏ tường rào, cổng ngõ giải phóng mặt bằng để đường thêm an toàn, rộng, đẹp và khang trang hơn.
Còn bà Nguyễn Thị Truyền (trú thôn Định Phước, xã Tam Nghĩa) bày tỏ: “Tiếc lắm chứ, mất một khoản tiền lớn để xây dựng lên tường rào, cổng ngõ rồi phải đập bỏ ai mà chẳng tiếc. Nhưng đây là vì lợi ích chung nên không phải đắn đo suy nghĩ nhiều. Dù tiếc nhưng vì lợi ích của chính mình và cộng đồng, bớt đi một tí có chết ai đâu. Tiền để xây lại tường rào rồi cũng sẽ kiếm được thôi”.
Tuyến đường đang được thi công. |
Bên cạnh đó, những hộ dân có đất lâm nghiệp trên đoạn đường chạy qua cũng không hề ngần ngại khi hiến đất để có thể thi công con đường một cách nhanh nhất. “Yêu cầu duy nhất của họ là hỗ trợ trong việc đốn những cây trong diện giải tỏa để họ tập kết về nhà, còn chuyện bồi thường không phải nói đến”.
Ngày 24/12, trao đổi với ông Châu Ngọc Hồng - Chủ tịch UBND xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành cho biết: Đoạn đường dài 4,4km nói trên trải qua 4 thôn Định Phước, Tịch Tây, Lâm Phú và An Thiện của xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành với bề ngang lòng đường 11m. Theo đó sẽ có 132 hộ dân trong diện phải giải tỏa mặt bằng để có thể làm đường, trong đó có 95 hộ trực tiếp phải đập bỏ bớt một số công trình của gia đình mình.
Đây là dự án đường giao thông mang tính chất rất quan trọng, không chỉ trong việc đi lại mà còn là con đường dẫn đến Di tích quốc gia trên địa bàn, hứa hẹn sẽ có thể cải thiện đời sống kinh tế của địa phương. Dự án này do Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam làm chủ đầu tư với nguồn vốn của tỉnh và một phần của Công ty Môi trường đô thị. Ước tính tổng số vốn đầu tư xây dựng con đường khoảng 6,4 tỷ đồng. Ngay khi đề án được phê duyệt, UBND xã đã thành lập một Ban vận động nhằm giúp người dân có thể hiểu hơn về bản chất vấn đề. Số đất mà người dân nơi đây hiến để xây dựng con đường ước tính khoảng hơn 2ha đất ở. Nếu phải đền bù thì số tiền ước tính hơn 1 tỷ đồng. Nếu ai cũng đòi đền bù thì sẽ không đủ kinh phí để tiến hành xây dựng con đường này. Chính nhờ sự đồng lòng của người dân nên công việc giải phóng mặt bằng để bắt đầu thi công con đường chỉ trong vòng 20 ngày đã hoàn thành. Cũng theo ông Hồng, dự kiến đoạn đường năm 2011 mới hoàn thành, nhưng do việc giải phóng mặt bằng được tiến hành nhanh chóng nên chủ đầu tư cho biết sẽ hoàn thành trước Tết âm lịch - ông Hồng nói.
Không chỉ có gần 100 hộ dân xã Tam Nghĩa hiến đất làm đường bê tông mà trước đó vào cuối tháng 3/2010 vừa qua tại huyện Thăng Bình, Quảng Nam cũng có 310 hộ dân sống dọc 2 bên tuyến đường ĐT613 đi qua thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình đã tình nguyện hiến hơn 5.000m2 đất với tổng trị giá hơn 14 tỷ đồng để làm đường giao thông. Được biết, tuyến đường ĐT613 là tuyến giao thông huyết mạch nối thị trấn Hà Lam với QL1A, nay đã xuống cấp trầm trọng do không có hệ thống thoát nước. Vào tháng 4/2006, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình đường nội thị thị trấn Hà Lam với tổng vốn 45 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Để tiến hành xây dựng, UBND huyện vận động người dân hiến đất để mở rộng tuyến đường, Nhà nước chỉ bồi thường phần nhà ở, kiến trúc.
Bài và ảnh: Trương Hồng Phong