Quáng gà: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

09-04-2024 12:51 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Quáng gà là một trong những bệnh lý ở mắt, những người bị quáng gà thường nhìn kém ở những nơi thiếu ánh sáng hay khi trời tối.

1. Nguyên nhân của quáng gà

Quáng gà không phải là 1 bệnh mà là 1 nhóm các bệnh có liên quan đến gen di truyền như bệnh lý võng mạc, nhiễm độc thuốc, hoặc tình trạng thiếu Vitamin A. Trong đó nguyên nhân do thiếu vitamin A là phổ biến nhất.

Khi bệnh nhân có biểu hiện bị quáng gà, nếu điều trị thử bằng vitamin A mà bệnh nhân hết quáng gà thì nguyên nhân chính gây ra quáng gà là do thiếu vitamin A.

  • Thiếu vitamin A thường gặp ở trẻ em, nhất là ở những trẻ dưới 3 tuổi. Nguyên nhân là do thiếu vitamin A kéo dài, trong chế độ ăn thường gặp ở trẻ kiêng khem quá mức.
  • Ngoài ra, nguyên nhân gây quáng gà còn do các bệnh tại mắt như: Cận thị, bệnh Glôcôm, đục thủy tinh thể, viêm võng mạc sắc tố, hội chứng Usher (tình trạng suy giảm thính giác và thị giác do di truyền),...
  • Do các bệnh toàn thân: đái tháo đường, bệnh Keratoconus,...
  • Do tác dụng phụ của thuốc: Các thuốc tăng nhãn áp có thể là nguyên nhân của tình trạng đóng con ngươi và gây ra các triệu chứng quáng gà.
Quáng gà: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Cần đi khám mắt ngay nếu có các biểu hiện bệnh.

2. Triệu chứng quáng gà

Thường thì rất khó phát hiện ra người bị bệnh quáng gà, đặc biệt là trẻ nhỏ, vì người bị bệnh quáng gà vẫn sinh hoạt bình thường vào ban ngày hay trong môi trường đủ ánh sáng, chỉ khi khi chiều xuống hay về đêm thiếu ánh sáng thì họ mới trở lên chậm chạp, vụng về, hay ngã, hay gây ra đổ vỡ khiến mọi người chỉ nghĩ là do hậu đậu, không cẩn thận.

Như vậy có thể nói khi mắc quáng gà người bệnh có thị lực kém trong điều kiện thiếu sáng như đi lại vào ban đêm, khi nhà tối chưa bật đèn thì dễ vấp ngã,…

  • Không điều chỉnh thị lực kịp thời khi chuyển từ chỗ sáng vào chỗ tối.
  • Vùng nhìn thấy của mắt bị thu hẹp dần, xuất hiện triệu chứng ám điểm, nghĩa là trong thị trường của bệnh nhân có những vùng nhỏ không nhìn thấy. Nếu ám điểm càng ngày càng lan rộng thì chứng tỏ tình trạng bệnh đang diễn tiến nặng lên.
  • Khi bác sĩ soi đáy mắt có thể phát hiện thấy động mạch võng mạc bị thu nhỏ, đám sắc tố hình tế bào xương ở võng mạc ngoại biên, đĩa thị giác bạc màu, hoặc có thể thấy phù hoàng điểm dạng nang. Bác sĩ sẽ tìm hiểu triệu chứng, tiền sử bệnh của người bệnh, sau đó tiến hành khám lâm sàng để có thể xác định được bệnh quáng gà. Từ đó đưa ra được những chỉ định cận lâm sàng phù hợp nhất với chẩn đoán.
  • Khám thị trường: Đây chính là một trong những xét nghiệm cần phải làm đầu tiên khi nghi ngờ bị mắc bệnh quáng gà.
  • Khám nghiệm điện võng mạc: Các bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá đánh giá tình trạng võng mạc bị thoái hóa bằng cách xác định lại những tế bào võng mạc bị thương tổn, mức độ trầm trọng, tính chất di truyền… Đây chính là xét nghiệm nghiêm trọng nhất khi chẩn đoán bệnh quáng gà đối với những bệnh nhân có biểu hiện nhìn kém trong bóng tối.
  • Các xét nghiệm quan trọng khác: Thực hiện các xét nghiệm máu, kiểm tra những chuyển hóa cơ bản cũng có tác dụng rất hiệu quả đối với việc chẩn đoán bệnh quáng gà.

3. Ai dễ mắc bệnh quáng gà?

Quáng gà là một bệnh rất hay gặp ở những người lớn tuổi vì những đối tượng này thường có nguy cơ bị đục thể tinh thể cao hơn so với bình thường.

Cơ thể bị thiếu hụt vitamin A cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh rất cao. Những trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc những trẻ dưới 3 tuổi, nếu như cơ thể không được bổ sung đầy đủ vitamin A trong khẩu phần ăn hàng ngày sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh quáng gà rất cao. Đối với những bệnh nhân bị suy tuyến tụy cũng có thể sẽ bị thiếu hụt vitamin A do cơ thể bị rối loạn chất béo và không thể hấp thụ được vitamin A.

Đối với những người bị mắc bệnh tiểu đường, lượng đường ở trong máu thường cao hơn bình thường nên có thể sẽ gây ra những biến chứng ở mắt. Chính vì thế, những người bị tiểu đường sẽ có nguy cơ mắc bệnh quáng gà rất cao.

4. Phòng bệnh quáng gà

Quáng gà: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Nên bổ sung vitamin A trong bữa ăn hàng ngày.

Để phòng ngừa bệnh quáng gà, vitamin A giữ một vai trò rất quan trọng. Nên thực hiện một chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ vitamin A cùng với những khoáng chất thiết yếu có thể phòng tránh được bệnh quáng gà. Các loại thực phẩm có màu đỏ cam như: cà rốt, cà chua, xoài, bí đỏ… hoặc các loại rau lá chính là nguồn dinh dưỡng rất giàu vitamin A.

Đối với những người có nguy cơ bị thiếu hụt vitamin A cao như phụ nữ đang mang thai và trẻ nhỏ không bú sữa mẹ… cần phải bổ sung thêm vitamin A cho cơ thể để có thể phòng tránh triệu chứng của bệnh quáng gà. Có thể đưa trẻ đi uống vitamin A theo định kỳ để trẻ có một đôi mắt sáng và khỏe mạnh.

Đối với những người có nguy cơ mắc bệnh quáng gà do di truyền hoặc bẩm sinh cần phải:

  • Tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để có thể tránh cho bệnh có diễn biến xấu đi. Khi thấy những dấu hiệu bất thường cần phải nhanh chóng đi khám bác sĩ. Thường xuyên tái khám theo định kỳ để có thể kiểm tra được tình trạng bệnh cũng như theo dõi được những chuyển biến trong quá trình điều trị bệnh.
  • Hãy tập thích nghi dần và học cách di chuyển trong tình trạng bị quáng gà.
  • Nên hạn chế điều khiển phương tiện giao thông vào ban đêm để tránh gây ra nguy hiểm cho những người xung quanh.

5. Cách điều trị quáng gà

Tùy thuộc vào nguyên nhân, tình trạng bệnh mà các bác sĩ chỉ định phù hợp, cụ thể.

Nếu quáng gà do di truyền: Bệnh nhân chỉ có thể được điều trị triệu chứng và phòng tránh diễn tiến của bệnh. Bệnh nhân nên tập thích nghi và di chuyển trong tình trạng quáng gà và hạn chế lái xe vào ban đêm để tránh gây nguy hiểm.

Quáng gà do cận thị: Thị lực có thể được cải thiện nhờ đeo kính cận (kính đeo mắt hoặc kính áp tròng), kể cả thị lực ban ngày hay ban đêm.

  • Quáng gà do đục thủy tinh thể: Phẫu thuật thay thế thủy tinh thể giúp cải thiện đáng kể thị lực.
  • Quáng gà do thiếu Vitamin A: Bổ sung Vitamin A theo chỉ định của bác sĩ. Cần tuân thủ nghiêm ngặt điều trị của bác sĩ vì vitamin A quá liều có thể có những tác dụng phụ.
  • Đối với bệnh nhân bị quáng gà cần cải thiện bữa ăn, bảo đảm ăn uống hợp lý, cân đối các chất dinh dưỡng và đủ vitamin A. Chú trọng sử dụng các thực phẩm giàu đạm, mỡ và vitamin A cho bữa ăn hàng ngày. Bổ sung vitamin A cho các đối tượng nguy cơ (trẻ em và bà mẹ) uống vitamin A liều cao định kỳ có sự tư vấn bởi các bác sĩ dinh dưỡng.
  • Điều trị các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt bệnh sởi, viêm phổi, tiêu chảy kéo dài…
  • Tăng cường vitamin A vào thực phẩm như đường, sữa, dầu ăn. Biện pháp này mang lại hiệu quả cao vì bao phủ được phần lớn các đối tượng nguy cơ.
Bệnh quáng gà nguy hiểm thế nào?Bệnh quáng gà nguy hiểm thế nào?

SKĐS - Thoái hóa sắc tố võng mạc thực tế không phải là một bệnh mà là một nhóm các bệnh có tính di truyền được biểu hiện bằng triệu chứng nhìn kém trong điều kiện ánh sáng yếu.


BS. Nguyễn Thị Hoa
Ý kiến của bạn