Hà Nội

“Quảng cáo chữa khỏi bệnh vẩy nến là trò lừa bịp”

30-10-2014 11:34 | Thời sự
google news

Nhiều cơ sở đang quảng cáo chữa khỏi bệnh vẩy nến là trò lừa bịp khiến người bệnh tiền mất tật mang.

Vẩy nến là bệnh mạn tính không lây, y học hiện nay chưa tìm ra phương pháp điều trị dứt điểm loại bệnh này. Do đó, việc nhiều cơ sở đang quảng cáo chữa khỏi bệnh vẩy nến là trò lừa bịp khiến người bệnh tiền mất tật mang.

Thông tin trên được BS Nguyễn Trọng Hào, Phó giám đốc bệnh viện Da Liễu, TPHCM khẳng định tại buổi lễ kỷ niệm 10 năm Ngày vẩy nến thế giới (29/10) tổ chức tại bệnh viện. BS Hào cho biết, ngày 26/5/2014, tại Đại Hội đồng y tế thế giới lần thứ 67, tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức công nhận bệnh vẩy nến là bệnh mạn tính không lây.

Theo phân tích của BS Trọng Hào, vẩy nến là bệnh có tính di truyền liên quan đến hệ thống miễn dịch và gien khi gặp điều kiện môi trường thuận lợi bệnh sẽ bùng phát. Một số yếu tố khác cũng có thể gia tăng nguy cơ khiến bệnh nặng hơn như: Stress, viêm họng, do thuốc điều trị hoặc khí hậu khô lạnh… Bệnh vẩy nến gây tổn thương da, tạo thành những lớp vẩy khô cứng, gây khó chịu, đau đớn cho người bệnh và làm mất thẩm mỹ.

Vẩy nến là bệnh mạn tính không lây nhưng tác động xấu về mặt thẩm mỹ (ảnh: internet)
Vẩy nến là bệnh mạn tính không lây nhưng tác động xấu về mặt thẩm mỹ (ảnh: internet)

Tại Việt Nam, bệnh vẩy nến chiếm khoảng 2-3% dân số. Qua số liệu thống kê tại bệnh viện Da Liễu cho thấy, vẩy nến là một trong 5 bệnh về da phổ biến nhất chỉ đứng sau chàm, mụn trứng cá và mề đay. Tỷ lệ mắc bệnh vẩy nến giữa nam và nữ tương đương nhau. Bệnh vẩy nến đến nay không còn được xem là bệnh ngoài da thông thường mà đã được khẳng định là bệnh hệ thống có thể tác động đến cơ – xương – khớp, hệ tim mạch, hệ tiêu hóa,…

Ngoài phương pháp điều trị bằng các loại thuốc bôi ngoài da, thuốc uống, thuốc chích,… phương pháp chiếu tia cực tím cũng được áp dụng để điều trị vẩy nến. Tuy nhiên, việc điều trị chỉ có thể làm bệnh thuyên giảm đến một mức nhất định. Người mắc bệnh nếu không được phát hiện sớm, điều trị đúng có thể dẫn đến nguy cơ biến chứng.

BS Trọng Hào khẳng định, y học hiện chưa tìm ra phương pháp điều trị dứt điểm nên người mắc vẩy nến phải sống chung với bệnh suốt cuộc đời. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều cơ sở tư nhân bao gồm cả y học cổ truyền và y học hiện đại đang quảng cáo chữa khỏi bệnh vẩy nến. “Đây chỉ là trò lừa bịp để móc tiền của người bệnh, khiến bệnh nhân tiền mất tật mang”.

Dẫn chứng cho vấn đề trên, BS Trọng Hào cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị biến chứng của bệnh vẩy nến do điều trị không đúng cách. Khai thác bệnh sử ghi nhận phần lớn bệnh nhân nghe quảng cáo hấp dẫn của các cơ sở nên tìm đến với hy vọng chữa khỏi bệnh. Thời gian đầu điều trị, bệnh tình thuyên giảm rõ rệt ai cũng mừng, nhưng khi ngưng thuốc thì bệnh tái phát và bùng lên dữ dội hơn trước. Nguyên nhân của tình trạng trên là do các cơ sở tây y đã sử dụng coticosteroids, các cơ sở đông y sử dụng thạch tín trong thang thuốc.

BS Trọng Hào khuyến cáo, việc điều trị bệnh vẩy nến phải được diễn ra liên tục, bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Nếu vì một lý do nào đó, bệnh nhân điều trị bệnh bằng những loại thuốc không hợp lý hoặc ngưng điều trị sẽ khiến bệnh bùng phát trở lại và rất khó kiểm soát. Khi bệnh vẩy nến đã phát ra toàn thân, bệnh nhân cần phải vào bệnh viện có chuyên khoa da liễu để được chăm sóc và điều trị, tránh biến chứng xảy ra.

Vẩy nến gây ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt thẩm mỹ nên người bệnh thường bị người khác kỳ thị hoặc xa lánh do tâm lý sợ lây nhiễm. Tuy nhiên, đây là loại bệnh “vô hại” đối với người khác, gia đình và cộng đồng nên cảm thông chia sẻ để người bệnh có thể hòa nhập với cuộc sống. Bên cạnh đó, để chung sống cùng vẩy nến, người bệnh cần phải giữ sức khỏe ổn định, ăn hợp lý, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn ít muối, đường, mỡ; hạn chế đến mức thấp nhất rượu bia; tuyệt đối không hút thuốc lá vì các chất độc hại trong thuốc lá sẽ tương tác với thuốc điều trị, làm mất tác dụng của thốc điều trị.

 

 


Ý kiến của bạn