Quảng Bình: Ngành y tế dốc sức khắc phục hậu quả sau siêu bão

22-09-2017 14:45 | Tin nóng y tế

SKĐS - Ngay sau khi bão số 10 đi qua toàn y tế Quảng Bình đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do cơn bão số 10 gây ra. Hầu hết cơ sở y tế trên địa bàn bị ảnh hưởng, tuy nhiên, toàn ngành đã nỗ lực vượt qua để thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Đến thời điểm này theo thống kê, y tế Quảng Bình thiệt hại trên 15 tỷ đồng.

Cũng như nhiều đơn vị, địa phương khác trong tỉnh, sau siêu bão đi qua, ngành y tế tỉnh Quảng Bình đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, 100% cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, phần lớn là bị tốc mái, vỡ cửa kính; hệ thống điện, nước bị hư hỏng, thấm dột. Một số công trình, hạng mục phục vụ cho công tác thu dung điều trị bệnh nhân ở các bệnh viện bị bão phá vỡ. Khó khăn là vậy song toàn ngành đã nỗ lực vượt qua để thực hiện tốt công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh, nhất là những người bị tai nạn do bão; đồng thời triển khai tốt các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân, ngay sau bão, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Bình đã tham gia cùng đoàn công tác của Chính phủ và phối hợp với Ban CĐ tỉnh, trực tiếp kiểm tra chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả tại các đơn vị, trực tiếp về kiểm tra, nắm tình hình và chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 10 cũng như công tác chuyên môn tại các Bệnh viện, Trung tâm y tế, Trạm y tế xã thuộc địa bàn bị ảnh hưởng nặng như Quảng Trạch, Ba Đồn, Bố Trạch, Tuyên Hoá, Minh Hoá, trực tiếp cấp thêm 4 cơ số thuốc phòng chống bão lụt cho y tế cơ sở.

Đặc biệt, Bệnh viện đa khoa huyện vùng cao Minh Hoá bị tốc mái toàn bộ nhà 3 tầng khu nhà khám bệnh đa khoa, sập 150m hàng rào bao quanh bệnh viện phía bắc và phía đông. Hiện, cùng với công tác chuyên môn, Bệnh viên đa khoa Minh Hóa huy động lực lượng để thu dọn cây ngã đổ, mái tôn hỏng, tường rào bị đổ sập để bảo đảm cảnh quan. Đơn vị cũng đang báo cáo lãnh đạo địa phương và Sở Y tế để có kế hoạch sửa chữa lại các hạng mục hư hỏng, bảo đảm hoạt động khám chữa bệnh lâu dài khi mùa mưa lũ đang đến. Bác sĩ Đinh Viễn Anh, Giám đốc bệnh viện cho biết, trước mắt để bảo đảm hoạt động khám chữa bệnh, bệnh viện thực hiện di dời bệnh nhân ở các phòng bị thấm, dột sang các vị trí an toàn; huy động cán bộ lợp tạm thời một số khoa phòng bị tốc mái; dọn dẹp cây cối, tổng vệ sinh để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh để phục vụ bệnh nhân.

Tại thị xã Ba Đồn, một số nơi đang bị ngập lụt như các Trạm y tế xã Quảng Văn, Quảng Hải, Quảng Phúc, Quảng Minh, Quảng Thủy... Cán bộ y tế Trung tâm Y tế đã bám sát từng địa bàn, chuẩn bị đầy đủ các cơ số thuốc, hoá chất, thiết bị, phương tiện sẵn sàng phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời, tăng cường công tác giám sát, kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch cũ, không để ổ dịch mới bùng phát. Theo bác sĩ Trương Thanh Tân, Giám đốc Trung tâm y tế thị xã Ba Đồn cho biết: Đơn vị đã trực tiếp cử cán bộ đến các xã bị ngập lụt để giám sát, cung cấp đầy đủ hóa chất, các cơ số thuốc cần thiết, chủ động giúp dân xử lý môi trường và điều trị các loại bệnh thông thường hay mắc phải sau bão cho người dân.

Công tác cấp cứu, thu dung và điều trị cho người bệnh trước, trong và sau bão  cũng được các đơn vị y tế trong tỉnh hết sức chú trọng. Tại các cơ sở điều trị, ngay trong và sau bão đón nhận rất nhiều bệnh nhân nhập viện vì tai nạn do bão. Các bệnh nhân đều được theo dõi chặt chẽ và có tiến triển tốt. Có được kết quả này là do trước đó, các bệnh viện đều làm tốt công tác chuẩn bị từ nhân lực, thuốc men, bố trí buồng bệnh và các điều kiện cần thiết để đáp ứng tốt nhất nhu cầu cấp cứu, điều trị cho người dân, nhất là những trường hợp bị tan nạn do bão.Theo bác sĩ Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, do bệnh viện nằm trong vùng tâm bão nên thiệt hại nặng về cơ sở vật chất song do đơn vị chủ động đối phó với thiên tai nên hoạt động khám chữa bệnh không bị ảnh hưởng. sau bão, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chấn thương, đa chấn thương do bị trượt ngã hoặc các rủi ro khác xảy ra trong quá trình gia cố nhà cửa phòng chống bão. Bên cạnh đó, bệnh viện đang chăm sóc điều trị cho hàng trăm bệnh nhân, trong đó có một số trường hợp phải tiến hành phẫu thuật cấp cứu song mọi hoạt động đều được triển khai kịp thời, mang lại hiệu quả cao. Một số bệnh viện còn tổ chức bữa cơm từ thiện cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để bệnh nhân yên tâm điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện toàn ngành đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khắc phục hậu quả của bão, phân bổ kịp thời hóa chất, thuốc men thiết yếu cho các địa phương, nhất là các vùng bị thiệt hại nặng nề trong trận bão vừa qua. Toàn ngành nêu quyết tâm dù khó khăn đến mấy cũng nỗ lực hết sức để thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị người bệnh, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo đảm sức khỏe, giúp người dân trên các địa bàn sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là cơ sở vật chất các cơ ở y tế bị hư hỏng sau bão đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh. Không thể để người bệnh nằm ghép hoặc dồn phòng để điều trị trong thời gian dài được. Do vậy, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Bình đã có văn bản gửi UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố xem xét cấp kinh phí để sửa chữa các hạng mục bị hư hỏng nặng tại các cơ sở y tế để kịp thời đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân.


Bài và ảnh: Thành Trung
Ý kiến của bạn