Khoảng 8g30 sáng ngày 23.5. Vào thời điểm trên, trường THCS Thanh Thạch (Tuyên Hóa, Quảng Bình) vừa kết thúc lễ tổng kết năm học 2018 – 2019. Một nhóm học sinh trên đường về nhà thì rủ nhau ra bờ sông Gianh chơi. Không may có 3 nữ học sinh lớp 6 trong số đó trượt chân rơi xuống sông. Các em học sinh còn lại chạy đi tìm người cứu nhưng không kịp. Đến khoảng 11g 30, cơ quan chức năng tìm thấy thi thể của 3 học sinh tại khu vực sông cách cầu Thành Thạch 500m về phía hạ lưu. Thi thể của 3 em được gia đình đưa về mai táng.
Thi thể 3 nữ học sinh lớp 6 được vớt lên bờ
Khoảng 13g cùng ngày, 2 em Hồ Thị A. T. và Hồ Thị K. Y., trú bản La Trọng, xã Trọng Hoá (Minh Hoá, Quảng Bình) cùng mẹ lên rẫy đã rủ nhau xuống tắm tại khu vực thượng nguồn sông Gianh. Trong lúc tắm, 2 em nhỏ này đã bị đuối nước dẫn đến tử vong. Thi thể của 2 nạn nhân sau đó đã được người dân đưa lên bờ để gia đình lo hậu sự theo phong tục của địa phương. Được biết, T. đang là học sinh lớp 3, Y. là học sinh lớp 1 Trường Tiểu học và THCS số 1 Trọng Hóa.
Thi thể 2 học sinh lớp 1 Trường Tiểu học và THCS số 1 Trọng Hóa
Trao đổi với một cán bộ thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình cho biết, hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa đưa môn bơi lội vào trường học do điều kiện cơ sở vật chất và kinh phí thiếu thốn. Một số trường tiểu học ở thành phố Đồng Hới đã liên kết xã hội hoá để có bể bơi nhỏ trong khuôn viên nhà trường, các huyện thị còn lại chưa đáp ứng được vấn đề này.
Theo thống kê năm 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, Việt Nam có trên 11.500 trẻ em bị chết đuối mỗi năm, cao thứ hai trên thế giới.
Năm 2017, theo kết quả điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF), trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng trên 7.000 trẻ em bị chết đuối (chiếm tỷ lệ 22,6% tai nạn thương tích), đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông là 26,7%. Những tai nạn đuối nước thực sự đã trở thành nỗi ám ảnh đối với phụ huynh, các cơ quan chức năng đặc biệt vào thời điểm mùa hè.
Công tác phòng chống đuối nước tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Đó là tình trạng nhận thức của gia đình, cộng đồng xã hội với nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em ở các địa phương còn rất hạn chế. Sự giám sát, trông giữ của cha mẹ, những người chăm sóc trẻ, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi, vùng kinh tế khó khăn chưa được quan tâm. Mặt khác các cơ sở giáo dục thiếu hướng dẫn viên dạy bơi, thiếu cơ sở vật chất để phục vụ cho việc học bơi.