Theo đó, từ ngày 8/10 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình xuất hiện mưa to kéo dài dẫn đến ngập trên diện rộng. Mặc dù, đóng trên địa hình có nền đất cao thuộc trung tâm huyện, nhưng Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy đã bị ngập toàn bộ sân và nhà giữ xe nhân viên. Đến ngày 14/10, nước lũ chưa kịp rút hết thì lại xuất hiện đợt mưa lũ thứ 2. Mưa lũ đợt 2 có lượng mưa lớn và trên nền mưa lũ đợt 1 nên bệnh viện bị nhanh chóng chìm sâu trong nước. Theo ghi nhận của phóng viên, lối đi vào cổng bệnh viện bị ngập sâu hơn 2 mét. Trung tâm phát điện bị ngập. Toàn bộ tầng 1 của bệnh viện bị chìm trong nước bao gồm; Khoa khám bệnh-Cấp cứu, Khoa YHCT, Khoa Dinh dưỡng, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Phòng TCKT, Phòng Tổ chức- Hành chính, Phòng KHTH, Khoa Liên chuyên khoa, Khoa Sản và Kho dược dành cho bệnh nhân ngoại trú. Ngoài ra, hệ thống xe cứu thương cũng bị ngập nước nhiều ngày.
Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Thị Ngọc Hoa, Trưởng khoa Nội -trực trưởng tua cho biết, bệnh viện đã bị cô lập hoàn toàn 5 ngày nay. Ekip trực toàn viện khoảng hơn 50 người đều phải ở lại bệnh viện trong thời gian qua. Không có nhân viên y yế thay thế vì mọi nẻo đường đều bị ngập sâu, chia cắt nên không thể di chuyển được.
Bác sĩ Trần Thị Ngọc Hoa, Trưởng khoa Nội của BV đa khoa huyện Lệ Thủy tại bệnh viện
BS Hoa cho biết, tất cả các bệnh nhân ở tầng 1 đã được di chuyển lên các tầng trên an toàn. Cái khó khăn nhất của bệnh viện bây giờ là mất toàn bộ hệ thống điện lưới và máy phát điện bị hỏng, nên toàn bộ hệ thống máy xét nghiệm, siêu âm, chụp phim đều bị ngưng trệ. Hệ thống nước máy đã ngừng cung cấp, do vậy rất khó khăn cho bệnh nhân cũng như nhân viên y tế trong sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, Khoa Dinh dưỡng cạn kiệt thực phẩm và bị chìm sâu trong nước. Mấy ngày qua, nhân viên y tế và bệnh nhân chia sẻ nhau từng miếng bánh mì, chiếc bánh nhỏ để cùng nhau vượt qua khó khăn.
Chưa bao giờ tình trạng lũ lụt ở Quảng Bình nghiêm trọng như hiện nay kể từ năm 1979
Hiện tại, cung ứng thuốc hàng ngày trước mắt chưa thiếu. Nhưng nếu xảy ra trường hợp phải phẫu thuật cấp cứu thì bệnh viện gặp vô cùng khó khăn do thiếu điện mặc dù có một máy phát điện nhỏ trang bị tại phòng mổ. Cũng có trường hợp bệnh viện phải chuyển tuyến trên, nhưng đi lại quá khó khăn khi nhìn đâu cũng là biển nước, BS Hoa chia sẻ.
Cái cần thiết nhất bây giờ của chúng tôi là thực phẩm và nước uống sạch cho bệnh nhân và nhân viên y tế. Để chúng tôi đủ sức khỏe phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh trong hoàn cảnh đặc biệt như thế này. Tình hình bệnh viện bị ngập sâu và cô lập sẽ kéo thêm nhiều ngày nữa - bác sĩ Hoa chia sẻ thêm.
Bệnh nhân cùng nấu ăn chung
Theo dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia; Lũ trên sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy) đã vượt mức lũ lịch sử năm 1979 gần 1 mét. Trong 6 giờ tới, lũ trên sông này khả năng đạt kỷ lục mới là 5,2 mét. Do đó, bệnh viện sẽ còn chìm trong biển nước nhiều ngày.
Một số hình ảnh ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy-Quảng Bình