SKĐS - Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, người dân không nên chủ quan, lơ là các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Nếu có đủ các điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thì rất dễ bùng phát bệnh trên diện rộng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 243 ca sốt xuất huyết, giảm so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số ca mắc cao nhất ở huyện Bố Trạch 80 ca, Lệ Thủy 65 ca, Quảng Trạch 16 ca, Quảng Ninh 19 ca.... có 62 trường hợp là trẻ em, không ghi nhận trường hợp tử vong.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, cùng với công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngành y tế Quảng Bình đang tăng cường công tác giám sát, lồng ghép tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết tại địa phương.
BS Huỳnh Công Hùng, Trưởng khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, CDC Quảng Bình cho hay, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút Dengue gây ra, có thể gây thành dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc. Muỗi vằn là vật chủ trung gian truyền bệnh, loài muỗi này hay đốt ban ngày, thường vào buổi sáng sớm và chiều tà.
“Hiện nay, một số người dân vẫn chưa có thói quen diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy một cách triệt để, tâm lý chủ quan, cộng với tình hình thời tiết hiện nay đang bước vào mùa mưa, cũng tạo điều kiện cho muỗi sinh sản phát triển mạnh, nhanh chóng và gây bệnh”, BS Huỳnh Công Hùng cho biết.
Thời gian qua, với mục tiêu khống chế tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong, không để dịch sốt xuất huyết xảy ra trên diện rộng. Cùng với đó đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống sốt xuất huyết, CDC Quảng Bình đã phối hợp các Trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố, thị xã chủ động giám sát ca bệnh, điều tra muỗi, lăng quăng để biết sự biến động bất thường của các chỉ số vector truyền bệnh tại các vùng trọng điểm. Từ đó, các biện pháp can thiệp được triển khai để ngăn chặn sự bùng phát dịch sốt xuất huyết một cách kịp thời, hiệu quả.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, BS Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho biết, để thực hiện công tác phòng chống dịch trong đó có dịch sốt xuất huyết, ngành y tế đã chỉ đạo tất cả các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các trường hợp có nguy cơ cao có thể bùng phát dịch.
Theo BS Hải, hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời, nguy cơ dẫn đến tử vong rất cao. Hiện thời tiết tại tỉnh Quảng Bình vẫn đang trong mùa mưa, nếu người dân không dọn sạch các vật dụng đọng nước, đậy kín lu chứa nước, vệ sinh môi trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh trưởng, phát triển, sẽ kéo theo nhiều ca bệnh sốt xuất huyết xuất hiện.
“Với khẩu hiệu “không có muỗi, không có lăng quăng, không có bệnh sốt xuất huyết”, người dân hãy ngủ màn, thường xuyên phát quang bụi rậm quanh nhà, che đậy các dụng cụ chứa nước không sử dụng để tránh muỗi phát triển”, BS Phan Thanh Hải khuyến cáo.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành công văn về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh mùa đông xuân năm 2021-2022. UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu thực hiện nghiêm các nội dung quy định tại Nghị quyết số 128 của Chính phủ; Quyết định số 4800 của Bộ Y tế và các chỉ đạo của tỉnh về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19.
Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân năm 2021 – 2022. Chú trọng triển khai công tác phòng chống dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch như giám sát phát hiện sớm, xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế xã hội…
Xem video đang được quan tâm:
Sáng 8/12: Bộ Y tế cảnh báo khẩn biến thể Omicron xâm nhập và lây lan rất rộng ở Việt Nam