Thời điểm giao mùa, thời tiết nóng ẩm, xen lẫn những trận mưa rào, là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh và dễ bùng phát bệnh trên diện rộng. Song song với công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngành Y tế Quảng Bình đã huy động các nguồn lực và triển khai nhiều biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân.
Bác sĩ Phan Thanh Hải, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Bình cho biết, đơn vị này đã có những chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Trong đó có tổ chức triển khai tuyên truyền, giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời ổ dịch; hướng dẫn kiểm tra, giám sát chuyên môn, đảm bảo cung ứng đầy đủ trang thiết bị, vật tư, hóa chất xử lý ngay các ổ dịch. Đồng thời, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh các tuyến, đặc biệt tuyến y tế cơ sở nhằm phát hiện sớm, thu dung điều trị bệnh nhân.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Quảng Bình, trong 3 tháng đầu năm 2022, tỉnh này ghi nhận 23 ca sốt xuất huyết, giảm 26,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số ca mắc cao nhất ở huyện Quảng Ninh 9 ca; TP. Đồng Hới 3 ca; Bố Trạch 2 ca; Lệ Thủy 1 ca; Minh Hóa 1 ca.... Trong đó có 2 trường hợp là trẻ em, không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Bs CKI Huỳnh Công Hùng, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Quảng Bình cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Muỗi vằn là vật chủ trung gian truyền bệnh, loài muỗi này hay đốt vào buổi sáng sớm và chiều tà.
Hiện nay, một số người dân vẫn chưa có thói quen diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy một cách triệt để. Tâm lý chủ quan, cộng với tình hình thời tiết hiện nay đang bước vào thời điểm giao mùa sẽ tạo điều kiện cho muỗi sinh sản phát triển mạnh và gây bệnh.
Với mục tiêu khống chế tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong, không để dịch lớn xảy ra cũng như đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống sốt xuất huyết, CDC tỉnh Quảng Bình đã phối hợp các Trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố, thị xã chủ động giám sát ca bệnh, điều tra muỗi, lăng quăng để biết sự biến động bất thường của các chỉ số vector truyền bệnh tại các vùng trọng điểm. Từ đó, có các biện pháp can thiệp để ngăn chặn sự bùng phát dịch một cách kịp thời, hiệu quả.
Bác sĩ Phan Thanh Hải, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết thêm, với sự chủ động về mọi mặt, cùng với ý thức về các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết của người dân, tin rằng công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh này sẽ tiếp tục mang lại hiệu quả trong thời gian tới. Qua đó hạn chế được các trường hợp mắc bệnh và lây lan ra cộng đồng, góp phần nâng cao hơn nữa sức khỏe cho nhân dân.
Liên tiếp ghi nhận trẻ em nhập viện vì nôn mửa, cảnh báo virus viêm gan bí ẩn ở Việt Nam.