Quảng Bình: Bệnh nhi mắc sởi tăng đột biến, bác sĩ khuyến cáo những gì?

12-04-2025 11:23 | Y tế
google news

SKĐS - Số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị sởi tại Quảng Bình có dấu hiệu tăng đột biến. Dù dành riêng một đơn nguyên để điều trị sởi nhưng có những lúc bệnh nhân phải nằm ghép, khoa phải mượn giường, tăng cường máy móc mới đáp ứng nhu cầu điều trị nội trú.

Bệnh nhân sởi tăng đột biến

Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, sau thời gian dài không có bệnh nhân sởi nhập viện, từ tháng 12/2024 khoa tiếp nhận bệnh nhi đầu tiên. Số lượng các ca bệnh sởi có dấu hiệu tăng dần theo thời gian và đột biến ở thời điểm hiện tại.

Quảng Bình: Bệnh nhi mắc sởi tăng đột biến, bác sĩ khuyến cáo những gì?- Ảnh 1.

Lượng bệnh nhi nhập viện điều trị sởi tăng đột biến trong thời gian qua.

Theo bác sĩ Hân, hiện bệnh viện chưa có các xét nghiệm đặc hiệu để xác định bệnh sởi. Những trường hợp nghi sởi theo các triệu chứng lâm sàng được gửi mẫu đi xét nghiệm có tỷ lệ dương tính cao.

Cụ thể từ đầu năm 2025 đến nay, có 275 ca bệnh sởi điều trị tại viện. Trong tháng 3, số bệnh nhân điều trị sởi là 126 ca. Chỉ 10 ngày đầu tháng 4 có hơn 80 ca mắc sởi được điều trị, xuất viện. Trung bình mỗi ngày có 45 - 50 bệnh nhân sởi và sốt phát ban nghi sởi đang điều trị tại khoa.

Anh Ngô Cao Lương (SN 1993, trú tại xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch) đưa con nhỏ nhập viện sau khi cháu có biểu hiện sốt cao liên tục, li bì nhiều ngày.

"Con ốm đi khám bác sĩ bảo cháu bị sởi nên tôi đưa cháu nhập viện ngay. Thấy số lượng các cháu nhỏ mắc bệnh như con nhiều, một số bệnh tiến triển nặng nên tôi rất lo", anh Lương chia sẻ.

Quảng Bình: Bệnh nhi mắc sởi tăng đột biến, bác sĩ khuyến cáo những gì?- Ảnh 2.

Anh Lương lo lắng khi thấy có rất đông trẻ bị sởi như con anh, trong đó có một số trẻ gặp biến chứng.

Trao đổi cùng nhiều phụ huynh có con điều trị sởi tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, phần lớn các cháu chưa hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng sởi.

Bà Phạm Thị Lý, trú xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, cháu trai hơn 1 tuổi xuất hiện tình trạng nóng sốt, mệt mỏi, quấy khóc khoảng 3 ngày. Khi vào viện bác sĩ xác định cháu bị bệnh sởi mới thấy tiếc vì chưa cho cháu tiêm chủng vaccine phòng sởi.

"Cháu hơn 1 tuổi rồi nhưng vì một số lý do cá nhân nên gia đình chưa cho cháu tiêm vaccine phòng sởi. Giờ nhìn cháu đau ốm tôi thấy lo lắm. Nghe bác sĩ bảo tiêm vaccine có thể hạn chế lây bệnh, giảm nguy cơ bệnh nặng mà thấy tiếc vì chưa cho cháu tiêm", bà Lý chia sẻ.

Với số lượng bệnh nhân sởi tăng đột biến, khoa phải dành toàn bộ đơn nguyên nhi A để tiếp nhận, điều trị. Nhiều trẻ gặp biến chứng như viêm phổi nặng, có trẻ phải thở máy… Có những thời điểm khoa nhi phải mượn giường, máy móc để đáp ứng nhu cầu điều trị nội trú.

"Khoa có 2 đơn nguyên, chúng tôi dành riêng đơn nguyên nhi A với 45 giường bệnh để phục vụ điều trị bệnh sởi. Có những thời điểm số giường bệnh không đủ bệnh nhân phải nằm đôi, khoa phải mượn thêm giường, bố trí thêm máy móc", bác sĩ Hân cho biết thêm.

Quảng Bình: Bệnh nhi mắc sởi tăng đột biến, bác sĩ khuyến cáo những gì?- Ảnh 3.

Bệnh nhi phải nằm ghép để sử dụng máy hỗ trợ thở.

Khuyến cáo để bảo vệ trẻ trước nguy cơ của bệnh sởi

Theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân, phụ huynh cần chủ động bảo vệ con em tránh xa nguồn lây sởi bằng cách hạn chế đến chỗ đông người khi không thực sự cần thiết, nếu có tiếp xúc nên đeo khẩu trang. Chú ý giữ gìn vệ sinh cho trẻ. Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Khi có một số dấu hiệu để nhận biết sớm bệnh sởi như sốt cao kéo dài, uống hạ sốt không đáp ứng, ho, sổ mũi, viêm kết mạc (đỏ mắt), nổi ban đỏ khắp người, lan từ mặt xuống chân có thể kèm tiêu chảy cần đưa con em đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, tư vấn, có hướng điều trị phù hợp.

Quảng Bình: Bệnh nhi mắc sởi tăng đột biến, bác sĩ khuyến cáo những gì?- Ảnh 4.

Phụ huynh nên chú ý dấu hiệu nhận biết sớm của bệnh sởi.

Bệnh sởi có nhiều biến chứng, ảnh hưởng tới các hệ cơ quan. Với hệ hô hấp có thể biến chứng viêm phổi gây suy hô hấp, viêm thanh quản. Với hệ tiêu hóa có thể gây nên viêm đường ruột. Một biến chứng nặng nề khác của sởi là gây ra nhiễm khuẩn huyết làm suy giảm miễn dịch khiến trẻ có thể bị bội nhiễm. Trẻ mắc sởi cũng có thể bị viêm não. Những biến chứng có thể gây nguy hiểm tính mạng trẻ và để lại di chứng lâu dài nếu không được điều trị kịp thời.

Quảng Bình: Bệnh nhi mắc sởi tăng đột biến, bác sĩ khuyến cáo những gì?- Ảnh 5.

Phụ huynh không nên chủ quan với dịch sởi nhưng cũng nên tìm hiểu kỹ về bệnh để không hoang mang.

"Không phải tất cả các cháu bị sởi đều nhập viện, tùy tình trạng bệnh của trẻ sẽ có phương án điều trị phù hợp. Phụ huynh không được chủ quan trong việc phòng bệnh và phát hiện triệu chứng bệnh của con nhỏ. Nhưng phụ huynh cũng cần tìm hiểu kỹ, có nhận thức đúng về bệnh không quá hoang mang đưa con nhập viện khi chưa cần thiết, tránh gây quá tải cho bệnh viện. Quá trình đó có thể các con sẽ bị lây chéo các bệnh lý khác", bác sĩ Hân chia sẻ.

Bệnh sởi hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Ngoài việc để trẻ tránh xa các nguồn lây, công tác tiêm chủng vaccine là phương án hữu hiệu để phòng và giảm các biến chứng nặng của bệnh sởi.

Quảng Bình: Bệnh nhi mắc sởi tăng đột biến, bác sĩ khuyến cáo những gì?- Ảnh 6.

Nhiều bệnh nhi mắc sởi khi chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng sởi.

Quảng Bình: Bệnh nhi mắc sởi tăng đột biến, bác sĩ khuyến cáo những gì?- Ảnh 7.

Tiêm phòng là phương án hữu hiệu để phòng sởi và giảm nguy cơ của biến chứng.

Bác sĩ Hân khuyến cáo, để bảo vệ trẻ trước tình hình gia tăng của bệnh sởi cũng như chung tay góp phần tăng miễn dịch cộng đồng, phụ huynh nên đưa con đến các cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng bệnh sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Huế gia tăng ca sốt phát ban, hỗ trợ điều trị sởi cho bệnh nhân LàoHuế gia tăng ca sốt phát ban, hỗ trợ điều trị sởi cho bệnh nhân Lào

SKĐS - Theo Sở Y tế TP Huế, hiện nay tình hình dịch bệnh sởi vẫn đang diễn biến phức tạp, gia tăng ca sốt phát ban nghi sởi. Bên cạnh phòng chống dịch sởi trên địa bàn, các cơ sở y tế cũng chủ động hỗ trợ, điều trị cho các bệnh nhân người Lào.


Hùng Trần
Ý kiến của bạn