Hà Nội

Quân y Trường Sa - chắc tay súng, giỏi y thuật

26-02-2020 10:57 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Giữa muôn trùng sóng gió, những người lính quân y nơi quần đảo Trường Sa là điểm tựa vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và ngư dân.

Dù điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế còn thiếu thốn so với đất liền nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của tập thể y, bác sĩ tại các bệnh xá trên huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), công tác khám, chữa bệnh, cấp cứu và điều trị luôn được bảo đảm thường xuyên, hiệu quả. Họ là người chiến sĩ chắc tay súng, sáng ngời y đức.

Hiến máu giữa biển xa

Trong chuyến công tác đến với Trường Sa, chúng tôi có dịp tiếp xúc với các y, bác sĩ đang công tác tại các điểm đảo của quần đảo Trường Sa. Trong bộ quân phục xanh đậm, những người lính quân y ở đây mang một trọng trách lớn - đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và cả nhân dân, ngư dân. Giữa muôn trùng sóng gió, trang thiết bị thiếu thốn nhưng công tác khám chữa bệnh ở đây luôn được đảm bảo. Nhiều ca chấn thương nặng đã được các y, bác sĩ xử lý kịp thời, đảm bảo sức khỏe cho các bệnh nhân khi chuyển về đất liền điều trị.

Bác sĩ đảo Song Tử Tây, Trường Sa kiểm tra sức khỏe cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Bác sĩ đảo Song Tử Tây, Trường Sa kiểm tra sức khỏe cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Mới đây, ngày 22/2/2020, tin từ Bệnh xá đảo Sinh Tồn cho biết, đã tiếp nhận ngư dân Nguyễn Chàm từ tàu cá QNg 90708 TS trong tình trạng liệt tứ chi, khó thở, đau bụng âm ỉ, toàn thân đau nhức, bí tiểu... Quân y đảo đã thăm khám, xác định ngư dân Chàm bị giảm áp do lặn sâu. Anh Chàm đã được điều trị truyền dịch, trợ tim, hô hấp, tiêm kháng sinh chống viêm và xoa bóp toàn thân. Sức khỏe của anh Chàm tạm ổn định, người tỉnh táo, nhận biết tốt, đang dần hồi phục và tiếp tục được theo dõi, điều trị tại đảo.

Ở đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi được nghe kể về ca hiến máu cứu ngư dân ngay giữa biển khơi, trùng trùng sóng gió. Đó là lần ngư dân Lê Văn Lại - thuyền viên tàu cá BĐ 98128 TS gặp nạn. Trong sổ ghi chép của các chiến sĩ quân y trên đảo vẫn còn dòng cảm tưởng của anh Lại: “Có nói như thế nào cũng không thể diễn tả được hết sự biết ơn của tôi đối với mọi người. Nếu không có mọi người, chắc giờ này tôi đã gặp tổ tiên rồi ạ”.

Hôm đó, tàu đánh cá của anh Lại thả trôi để đánh bắt lưới vây ở khu vực Nhà giàn DK1/21. Chưa thu lưới được bao lâu thì anh Lại bắt đầu kêu đau bụng. Cơn đau nặng dần kèm nôn mửa và đi ngoài ra máu. Tàu cá buộc phải đưa anh vào Nhà giàn DK1/21 nhờ cứu chữa. Sau 6 tiếng cấp cứu ở đây nhưng bệnh tình của anh Lại không thuyên giảm nên cán bộ, nhân viên Nhà giàn DK1/21 đã cấp thuốc và chuyển anh xuống tàu cá để sang cấp cứu ở đảo Trường Sa.

Anh Lê Văn Lại được đưa vào Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa với hàng loạt biểu hiện nguy cấp như: nôn ra máu, xuất huyết tiêu hóa, mạch nhanh, huyết áp thấp, da trắng bệch và không còn nhận biết được. Qua thăm khám, các y, bác sĩ kết luận anh bị hội chứng mất máu cấp do loét dạ dày, tá tràng mức độ nặng. Ngay lập tức, bệnh nhân được dùng thuốc cầm máu, bù dịch. Trung tâm Y tế Trường Sa hội chẩn cùng bác sĩ của Bệnh viện 175 và chỉ định bệnh nhân cần truyền máu gấp. Anh Lại mang nhóm máu AB, là nhóm máu khan hiếm. Qua rà soát toàn bộ quân và dân trên đảo, các anh tìm được 5 quân nhân và 1 hộ dân có cùng nhóm máu với bệnh nhân. Rất may, tất cả mọi người đều tự nguyện hiến máu cứu ngư dân Lại.

Hộ dân số 7 trên đảo bồi hồi: Sống và lao động giữa biển khơi mênh mông như thế này mới thấy hết được giá trị cuộc sống. Quân và dân Trường Sa chúng tôi xích lại gần nhau, gắn bó, yêu thương và coi nhau như người thân trong gia đình vậy.

Nhớ lại những ca cấp cứu khó khăn nhất, BS. Nguyễn Văn Tuấn - Bệnh xá trưởng Bệnh xá  đảo Sơn Ca chia sẻ về trường hợp 1 ngư dân bị tai nạn lao động khi đang đánh bắt hải sản ngoài biển. Ngư dân được đưa tới cấp cứu tại Bệnh xá đảo Sơn Ca trong tình trạng dập nát bàn tay. Ngay lập tức, các y, bác sĩ của bệnh xá đã tiến hành sơ cứu, thăm khám. Xác định đây là trường hợp nguy hiểm, đội ngũ bác sĩ đã phối hợp với các bác sĩ đầu ngành hội chẩn thông qua hệ thống truyền dữ liệu và hội chẩn từ xa telemedicine. “Đây là một trong những ca phẫu thuật khó từ trước đến nay mà bệnh xá đã tiếp nhận. Nhưng được sự hỗ trợ chuyên môn, hướng dẫn cụ thể, bệnh nhân đã được cấp cứu thành công, rồi đưa về đất liền tiếp tục điều trị”, BS. Tuấn kể.

Ở cách đất liền hàng trăm hải lý, một bệnh xá gồm 2 bác sĩ chuyên khoa và 5 điều dưỡng đều là cán bộ của Bệnh viện TW Quân đội 108 trở thành điểm tựa cho quân và ngư dân khi gặp nạn giữa trùng khơi đầy sóng gió. Bệnh xá 2 tầng được che chở bởi những tán phong ba, có đầy đủ phòng khám nội, ngoại khoa như một bệnh viện thu nhỏ.

Một người biết nhiều việc

Căn phòng làm việc của Đại úy Phạm Văn Hùng - BS quân y đảo Cô Lin chỉ rộng khoảng 4m2 nhưng rất ngăn nắp. Căn phòng chỉ đủ kê 1 chiếc bàn làm việc, 1 tủ thuốc, 1 chiếc giường. Trên đầu giường và bàn làm việc của anh rất nhiều sách. Anh tâm sự: Ở trên đảo này, cái gì cũng phải biết. Khám, chữa bệnh trên đảo chìm, bác sĩ phải biết kết hợp tất cả các phương pháp đông, tây y. Do đó, mình phải chịu khó đọc sách để tích lũy thêm kiến thức vì ở đảo không có internet. Học khoa nội tổng hợp nhưng nhiều ca bệnh anh Hùng còn phải dùng cả phương pháp y học cổ truyền như xoa bóp bấm huyệt, châm cứu.

Đại úy Đinh Thế Hiển - y sĩ quân y điểm đảo Đá Thị khi chúng tôi hỏi điều gì khiến anh gắn bó với đảo chìm như vậy? Anh Hiển nói chẳng biết vì sao, nhưng anh luôn nhớ rất rõ niềm vui như thế nào khi ngư dân được anh cứu chữa quay trở lại bắt tay và ôm anh thật chặt thay cho lời cảm ơn. Anh đã cùng các bác sĩ quân y khác trong cụm đảo xử trí nhiều ca bệnh nặng của cán bộ, chiến sĩ và ngư dân, giảm tử vong và chuyển về tuyến sau an toàn. Gắn bó với đảo chìm, anh Hiển thấy mình quyết đoán hơn. Anh bảo, những lúc tính mạng của cán bộ, chiến sĩ và ngư dân nằm trong tay mình, mình buộc phải đưa ra quyết định nhanh, trường hợp đặc biệt phải xin ý kiến và sự hỗ trợ của cấp trên. Chỉ chần chừ 1 giây là khó giữ tính mạng cho người bệnh..

Đến nay, tính riêng huyện đảo Trường Sa đã có 9 đảo, điểm đảo được lắp đặt hệ thống truyền hình y học trực tuyến. Đối với những ca cấp cứu khó, vượt quá khả năng và điều kiện cho phép ngoài đảo, các kíp quân y trên đảo sẽ liên lạc, hội chẩn các bệnh viện phụ trách trong đất liền để cùng xử lý, lên phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân hoặc xin ý kiến cấp trên vận chuyển bệnh nhân bằng máy bay về đất liền tiếp tục điều trị.

Cống hiến âm thầm của các chiến sĩ khoác trên mình chiếc áo blouse trắng giữa muôn trùng sóng gió giữa biển trời mênh mông thân yêu cho thấy tình quân dân thắm thiết, là chỗ dựa của ngư dân vươn khơi bám biển và là người chiến sĩ giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng.


Bài và ảnh: Anh Tuệ
Ý kiến của bạn