Những ngày đầu chiến tranh chống thực dân Pháp, ngành quân y non trẻ Việt Nam thiếu cán bộ chuyên môn trầm trọng, thiếu dụng cụ y tế, thiếu thuốc men, bông, băng, gạc... nghĩa là thiếu đủ mọi phương tiện tối cần thiết để phục vụ thương binh, bệnh binh. Sinh viên năm thứ 4 Đại học Y khoa Hà Nội Trần Bảo đã dùng ánh sáng đèn đi-na-mô xe đạp phục vụ cho mổ xẻ đạt kết quả rất tốt. Đó là một sáng kiến tuyệt vời từ “cái khó ló cái khôn” được áp dụng phổ biến ở các đội điều trị và các bệnh viện dã chiến trong toàn quốc qua 9 năm chống Pháp.
Tôi đang mải tập trung cao độ vào viết bài nhân dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ thì nghe tiếng chuông điện thoại réo lên.
- A-lô, tôi nghe đây.
- Bảo đây!
- Chào thủ trưởng. Đã lâu lắm em mới lại được nghe giọng nói của thủ trưởng đấy. Nghe dược sĩ Trọng Châu nói thủ trưởng mới đi thăm lại chiến trường xưa về, còn mệt hay sao mà giọng nói có vẻ khê khê thế?
- Mình 88 tuổi rồi, cậu bảo giọng còn trong trẻo làm sao được! À này, cậu có biết dùng ánh sáng đèn đi-na-mô xe đạp phục vụ cho mổ xẻ thời kháng chiến chống Pháp là do ai nghĩ ra đầu tiên không?
- Em đã cất công tìm hiểu rất nhiều người và nhiều đơn vị nhưng chưa có ai trả lời được cả.
- Tớ Bảo đen đấy!
- Trời ơi! Thế mà bây giờ thủ trưởng mới nói. Đó là một sáng kiến tuyệt vời đối với ngành y trong chiến tranh chống Pháp đầy khó khăn gian khổ và thiếu thốn.
- Sở dĩ bây giờ mới nói là vì vừa rồi GS. Nguyễn Thúc Tùng cũng hỏi mình xem ở ngoài Bắc ai đã nghĩ ra cái sáng kiến đó? Để cho chắc chắn và khách quan hơn, mình hỏi lại giáo sư là trong Nam các anh có sử dụng như vậy không? Sau khi nghe mình nói, anh Tùng rất hoan nghênh và đề nghị mình nên báo cáo Cục Quân y và Bộ Y tế biết. Uống nước nhớ nguồn mà.
Chuyện về BS. Trần Bảo (Bảo đen) nguyên Viện trưởng đầu tiên Viện Quân y 108 (sau này là Vụ phó Vụ Điều trị dự phòng Bộ Y tế) được kể lại như sau:
Trước ngày toàn quốc (19/12/1946) kháng chiến, các bệnh viện công chưa có bác sĩ. Hầu hết là y sĩ Đông Dương (médecine Indochinois). Lác đác, tỉnh nhỏ có bác sĩ, nhưng các vị này chỉ mở phòng mạch tư. Đại chiến thế giới thứ hai, Pháp đề bạt mấy y sĩ Đông Dương lên cấp bác sĩ (Docteur) là:
Y sĩ Đỗ Xuân Hợp (Sau này là GS. Thiếu tướng Giám đốc Học viện Quân y); Y sĩ Vũ Đình Tụng (sau này là Bộ trưởng Bộ Thương binh - xã hội).
Chỉ riêng Hà Nội mới có đốc-tờ ở 3 bệnh viện: Bạch Mai, Phủ Doãn (này là Bệnh Hữu nghị Việt Đức) và Bệnh viện Mắt. Mổ xẻ ở các tỉnh rất hạn chế. Chủ yếu là rạch áp-xe, cắt phi-mô-dít (hẹp bao quy đầu), cưa xương gãy. Các mổ lớn vào sọ não, ổ bụng, lồng ngực... toàn miền Bắc phải tập trung về Bệnh viện Phủ Doãn. Có 4 bác sĩ chuyên mổ về đại phẫu các loại là: GS. Tôn Thất Tùng (sau là Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt-Đức), BS. Phạm Biểu Tâm (ở lại Hà Nội, không theo kháng chiến), BS. Nguyễn Thúc Tùng (sau là Chủ nhiệm Quân y Quân khu V, rồi giáo sư Phó viện trưởng Viện Quân y 108) theo kháng chiến vào miền Trung. Miền Bắc chỉ còn BS. Nguyễn Trinh Cơ (sau là giáo sư Hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Hà Nội).
Vào những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, BS. Nguyễn Trinh Cơ nhận lệnh thành lập bệnh viện ngoại khoa đóng ở xã Xuất Cốc thuộc huyện Ý Yên tỉnh Nam Định. Cùng công tác có sinh viên y khoa năm thứ tư Trần Bảo (sau này là Viện trưởng đầu tiên của Bệnh viện Quân đội TW 108, rồi chuyển ra ngoài làm Vụ phó Vụ Điều trị dự phòng Bộ Y tế) và y tá Đào Thế Phượng (sau này là Đại tá Trưởng phòng điều trị Cục Quân y) công tác ở phòng mổ. Một đêm có thương binh bụng ngực vào cấp cứu. Ánh sáng nhà mổ lúc đó duy nhất chỉ có chiếc đèn bão nên không thể rọi sâu vào trong ổ bụng và lồng ngực, hơn nữa bệnh nhân được gây mê bằng ê-te dễ bắt cháy, mổ rất nguy hiểm còn ánh sáng của đèn pin thì lại quá yếu khiến BS. Cơ gặp rất nhiều khó khăn. Đã nhiều lần như vậy, một hôm ông gợi ý: Các cậu xem có cách nào khắc phục được không? Sau nhiều ngày đêm trăn trở, Trần Bảo bật ra sáng kiến thử dùng đèn đi-na-mô xe đạp xem sao? Được BS. Cơ đồng ý, Trần Bảo sốt sắng đi tìm mua xe đạp có đèn về phối hợp cùng y tá Đào Thế Phượng bắt tay vào lắp ráp thực nghiệm ngay. Lúc đầu phải hai người thay phiên nhau quay “pê-đan” bánh xe, người phụ cầm đèn rọi vào ổ bụng, hoặc lồng ngực theo yêu cầu của phẫu thuật viên. Về sau được cải tiến treo xe đạp ở ngoài phòng mổ (để bảo đảm vô trùng), một người ngồi đạp liên tục như một “cua-rơ” thực thụ vừa đỡ mỏi mà ánh sáng rọi vào “trường mổ” không bị lập lòe lại đỡ được một người. Từ đó các đội điều trị, các bệnh viện dã chiến ở khắp ba miền Trung, Nam, Bắc và cả Miên, Lào đua nhau áp dụng. Đúng là một sáng kiến tuyệt vời nảy ra từ “cái khó ló cái khôn” trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp của BS. Trần Bảo đã đóng góp cho ngành y tế cách mạng Việt Nam.
Chăm sóc thương binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu |
Sẽ không trọn vẹn khi viết về người Viện trưởng đầu tiên của Bệnh viện TW Quân đội 108 mà lại quên mất một chi tiết quan trọng mang tính lịch sử của Viện về một giai thoại khá đặc biệt rất vui, nhưng cũng không kém phần day dứt với ông. Số là từ sau khi Cục Quân y mở các lớp ngắn hạn để bồi dưỡng về công tác tổ chức quản lý quân y cho các cán bộ chủ chốt trong ngành vào cuối năm 1951, hệ thống điều trị bắt đầu vào nề nếp. Các bệnh viện tĩnh tại đều gọi là Phân viện, được đánh số thứ tự từ Phân viện 1 đến Phân viện 9. Đồng thời lúc này Cục cũng thành lập các bệnh viện lưu động với biên chế tổ chức, trang thiết bị máy móc dụng cụ ít hơn, cũng được đánh số thứ tự gọi tắt là Đ.T 1, Đ.T 2... đến Đ.T 9, Đ.T 10...
Hồi này địch đã oanh tạc vào một vài cơ sở quân y, quân dược. Vì lo máy bay “bà già” nó lần theo thứ tự trên để tìm đánh phá thì có ngày hết sạch các bệnh viện. Cũng phải nói thêm rằng lúc này bọn Việt gian thường trà trộn giả dạng là người đi mua lông gà, lông vịt, bán kẹo kéo, bán thuốc dạo, đồng bào đi tản cư... len lỏi vào các vùng rừng núi, làng bản hẻo lánh để phát hiện các cơ quan nhà nước hoặc các đơn vị bộ đội đóng quân rồi dùng gương soi phản chiếu ánh sáng chỉ điểm cho máy bay đến bắn phá, thả bom. Chính Phân viện 8 của chúng tôi cũng bị bom cuối thu năm 1952. Vì những lý do nêu trên mà ông Viện trưởng Trần Bảo đã tự động quyết định cộng thêm con số định mệnh “100” vào thành Viện Quân y 108. Tưởng thế là ổn, không ngờ sau khi đổi tên được 3 tháng thì Cục Quân y cho cán bộ xuống kiểm tra, bắt ông làm kiểm điểm khá gay gắt và yêu cầu phải gọi trở lại tên cũ là Phân viện 8. Song, lúc này, các tổng cục, các đại đoàn (chưa gọi là sư đoàn) và các đơn vị khác trong các công văn gửi về Cục Quân y đều gọi là Viện Quân y 108. Thành ra mặc nhiên tên đó không bỏ đi được nữa. Cũng chưa hết, hòa bình 1954 lập lại, các phân viện đều được đổi tên thành các quân y viện. Lúc này có từng cặp quân y viện trùng tên, xảy ra nhiều rắc rối do “râu ông nọ cắm cằm bà kia”! Cụ thể là có 2 Quân y viện 5. Một Quân y viện 5 đóng ở Ninh Bình, một Quân y viện 5 đóng ở Sơn Tây. Dụng cụ, máy móc, tiền bạc, sổ sách chuyên môn... theo tiêu chuẩn của Quân y viện 5 Ninh Bình thì Cục Quân y lại gửi cho Quân y viện 5 Sơn Tây. Ngược lại Quân y viện 5 Sơn Tây làm sai vấn đề gì đó thì Cục Quân y lại gửi công văn phê bình Quân y viện 5 Ninh Bình...
Để chấm dứt tình trạng này, tên các quân y viện thuộc Cục Quân y đều được cộng thêm “100”. Như thế, “hành động tự do vô tổ chức” cộng thêm “100” do ông Trần Bảo đề xuất trước đó mấy năm thì sau này được “thực hiện có tổ chức”. Và cũng từ đó trên toàn quốc có các Quân y viện 103, 105, 108, 109, 110, 111, 115... 175... tồn tại đến ngày nay.
BS. TTƯT (Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) Tạ Lưu