Ngày 15/4, PGS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế và đoàn công tác của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) đã kiểm tra công tác vệ sinh ATTP và phòng chống cúm A/H7N9 tại tỉnh Bắc Giang.
Hơn 21% người nhiễm cúm A/H7N9 bị tử vong
Tại địa phương, đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình chăn nuôi gia cầm và công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại huyện Yên Thế, Bắc Giang. Theo ông Lưu Xuân Vượng, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế, phong trào chăn nuôi gà đồi đã được phát triển từ nhiều năm nay ở Yên Thế với sản lượng xuất bán mỗi năm lên tới 13 triệu con, giá trị chăn nuôi đạt 1.500 tỷ đồng và hiện trên địa bàn đang có khoảng 4,5 triệu con. Đây được coi là nơi có qui mô tổng đàn lớn nhất nước. Trước tình hình cúm A/H7N9 đang gia tăng nhanh tại Trung Quốc và có nguy cơ xâm nhập nước ta, huyện Yên Thế đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện quyết liệt việc tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia cầm, kiên quyết ngăn chặn việc nhập lậu, trà trộn gia cầm thải loại nhập lậu từ Trung Quốc vào nội địa. Ông Lưu Xuân Vượng cũng cho biết, đến thời điểm này, thương hiệu “gà đồi Yên Thế” vẫn an toàn trước dịch bệnh.
Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, tỉnh này có nhiều tuyến đường giao thông tiếp nối với các tỉnh giáp biên giới cửa khẩu Trung Quốc, là địa bàn trung chuyển với các tỉnh trong nội địa nước ta. Việc gà nhập khẩu trái phép từ biên giới chưa được ngăn chặn triệt để không những gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi trong nước mà nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho đàn gia cầm, lây truyền cúm A/H5N1, cúm A/H7N9 từ gia cầm sang người cũng rất dễ xảy ra. Phát biểu tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trong thời điểm hiện nay, tình hình nhập lậu gia cầm hết sức bức xúc, nhất là ở các tỉnh phía Bắc. Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Bắc Giang, đặc biệt là huyện Yên Thế trong việc nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch chủ động. Tuy nhiên, có vấn đề là một số hộ chăn nuôi không muốn tái đàn vì giá cả thấp, có thể dẫn đến việc buôn lậu gia cầm sẽ gia tăng. Thứ trưởng đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung mạnh hơn nữa trong việc tuyên truyền cho người dân về nguy cơ và tẩy chay việc nhập lậu gia cầm; chốt chặn, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm nhập lậu qua địa bàn; kiểm soát chặt chẽ giống gia cầm và thức ăn chăn nuôi... Về công tác giám sát chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm ở người, PGS.TS. Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, hiện các mẫu giám sát ở chợ Hà Vỹ (Hà Nội), chợ Thương và chợ Ngô Quyền (Bắc Giang) vẫn chưa phát hiện có cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9. Về diễn biến tình hình dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, đến thời điểm này, nước này đã thông báo có 61 ca mắc, trong đó 14 trường hợp đã tử vong (tỷ lệ tử vong là 21,6%).
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP làm việc tại Bắc Giang. |
Chống dịch từ cơ sở
Trước đó, sáng 13/4, Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT đã đồng tổ chức Hội nghị liên ngành Y tế - Nông nghiệp về triển khai công tác phòng, chống cúm A/H7N9. Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, hiện nay sự đe dọa lây lan của dịch bệnh có liên quan đến cúm A/H5N1 đến từ nhiều phía, trong đó virut đang lưu hành ở nhiều nơi trên đàn gia cầm, chim nuôi và chim hoang dã. Virut cũng có thể lây từ các nước khác vào Việt Nam. Theo báo cáo của Cục Thú y, kết quả giám sát gia cầm tại 30 tỉnh, thành có tới 29 tỉnh, thành có virut cúm A; 23/30 tỉnh thành có virut cúm H5 và 20/30 tỉnh thành có virut cúm H5N1. Trên cả nước, các tỉnh có tỷ lệ dương tính cao với virut cúm H5N1 là Thanh Hóa (10,4%); Đồng Tháp (6,5%); Tiền Giang (4,2%); Lạng Sơn (4,0%)...