Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục trình bày các chuyên đề quan trọng tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức tại Nhà Quốc hội và kết nối tới các điểm cầu trong cả nước.
Hội nghị đã nghe các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, những người trực tiếp chỉ đạo quá trình xây dựng các nghị quyết giới thiệu, quán triệt nội dung 4 nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII).
Tập trung dân chủ cần được cụ thể hóa để dễ thực hiện, dễ chấp hành
Sáng 22/7, hội nghị đã nghe đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương truyền đạt chuyên đề "Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới".
Đồng chí Trương Thị Mai cho biết, toàn Đảng có 51.988 tổ chức cơ sở đảng. Đến thời điểm này, chúng ta có 28 loại hình đảng bộ, chi bộ cơ sở đã được Ban Bí thư ban hành quy định.
Theo đồng chí Trương Thị Mai, một số tổ chức, cơ sở Đảng chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên tắc tập trung dân chủ là một trong nguyên tắc cốt lõi của Đảng ta. Vừa qua, chúng ta kỷ luật một số tổ chức Đảng, cơ bản là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.
"Một số nơi dùng ý chí của người đứng đầu áp đặt chủ quan, không tôn trọng dân chủ, nhưng ngược lại có một số nơi thả nổi, người đứng đầu không chịu trách nhiệm, sợ trách nhiệm. Cả hai việc này đều không tốt cho Đảng. Vì vậy, nguyên tắc tập trung dân chủ phải được tiếp tục, làm rõ và phải được cụ thể hóa để dễ thực hiện, dễ chấp hành", Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu.
Về tình hình thi hành kỷ luật đảng nhiệm kỳ 2016-2020, có 664 tổ chức cơ sở đảng bị thi hành kỷ luật (khiển trách 503 tổ chức, cảnh cáo 161 tổ chức), tăng 114 tổ chức so với nhiệm kỳ 2010-2015, trung bình mỗi năm thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức cơ sở Đảng (khoảng 0,2%).
Theo đồng chí Trương Thị Mai, 0,2% là thấp trong hơn 50.000 tổ chức cơ sở Đảng, nhưng không thể xem thường. Mỗi một nơi, tổ chức cơ sở Đảng bị kỷ luật thì ở đó lòng tin của nhân dân bị giảm sút.
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà nghị quyết của Trung ương đã đề ra, đồng chí Trương Thị Mai cho biết, trước hết phải củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Đổi mới, hoàn thiện tổ chức các loại hình tổ chức cơ sở Đảng. "Chúng tôi sẽ báo cáo Ban Bí thư các vấn đề: Mô hình tổ chức cơ sở Đảng đặc thù, như thế sẽ tạo điều kiện cho những đảng viên không đủ điều kiện để sinh hoạt chi bộ trực tiếp, hoặc những chi bộ quá đông đảng viên… Sẽ có nghiên cứu, tổng kết để trình Trung ương", đồng chí Trương Thị Mai cho biết.
Cũng theo đồng chí Trương Thị Mai, cần tiếp tục thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy; biến sinh hoạt chi bộ thành nơi sinh hoạt chính trị thực sự, thực chất. Các cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, nêu cao trách nhiệm đối với công tác xây dựng Đảng ở đảng bộ, chi bộ nơi mình sinh hoạt; chịu trách nhiệm khi tổ chức Đảng nơi mình đang sinh hoạt yếu kém, xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Một giải pháp quan trọng mà nghị quyết đề ra, đó là thường xuyên rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng; kịp thời chấn chỉnh đối với đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ, đảng viên không thực hiện đúng quy định về chuyển sinh hoạt đảng; đảng viên vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật Nhà nước; đảng viên thiếu gương mẫu, uy tín thấp.
Cụ thể hóa nội dung 4 nghị quyết thành kế hoạch, đề án
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, thông qua 4 nghị quyết rất quan trọng. Tại Hội nghị Trung ương 5, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu rất quan trọng trong phiên khai mạc và bế mạc.
Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc 2 bài phát biểu quan trọng này; lấy đó làm kim chỉ nam cho quá trình tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nội dung của Hội nghị Trung ương 5.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu: "Ngay sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, nghiên cứu, học tập, quán triệt cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân thấm nhuần sâu sắc nội dung 4 nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5; nhất là những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, những vấn đề mới, cốt lõi trong các nghị quyết. Từ đó, thấy rõ 4 nghị quyết này là những nội dung rất cơ bản, hệ trọng, liên quan mật thiết, tác động nhiều chiều đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội đất nước, đời sống của nhân dân, đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội".
Lưu ý một số nội dung cốt lõi cần quan tâm trong tuyên truyền trong Nghị quyết về quản lý và sử dụng đất đai, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, có rất nhiều vấn đề rất mới, trong quá trình thảo luận Trung ương tin tưởng rằng nếu thực hiện tốt sẽ tạo ra những chuyển biến rất tích cực.
Đồng chí Võ Văn Thưởng nêu ví dụ như việc sẽ bãi bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường sẽ khắc phục được tình trạng 2 giá trong thời gian vừa qua, hay là đối với những dự án phải thực hiện tái định cư thì phải tái định cư xong mới thu hồi đất; Nhà nước đảm bảo nguồn lực để quy hoạch các phân khu, ngành, lĩnh vực có sử dụng đất; thực hiện cơ chế thảo luận trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa người dân và doanh nghiệp để xây dựng những khu đô thị và nhà ở thương mại...
Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, nếu làm tốt những vấn đề được Trung ương nêu ra chắc chắn về mặt chính trị-xã hội sẽ có chuyển biến tốt; khiếu kiện, khiếu nại của người dân về đất đai sẽ giảm, cán bộ bị xử lý liên quan tới đất đai sẽ giảm.
Đề cập đến Nghị quyết 21 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá, việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng là vấn đề hệ trọng, cần có đột phá một số khâu trong xây dựng tổ chức Đảng và đảng viên, phải tạo ra sự đột phá trong đánh giá, xếp loại đối với tổ chức Đảng, đảng viên một cách thực chất, phản ánh đúng hiện thực khách quan.
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt nghị quyết cần được tiến hành thường xuyên, toàn diện, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn; phát huy vai trò "Đi trước mở đường, đi cùng phát triển, đi sau tổng kết" của ngành tuyên giáo.
Để nghị quyết đi vào cuộc sống, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ vấn đề quan trọng hàng đầu, yếu tố có tính chất quyết định là khâu tổ chức thực hiện.
"Vì sao trong nhiều nhiệm kỳ của Đảng vẫn nói rằng tổ chức thực hiện luôn là khâu yếu... Quá trình tổ chức thực hiện đòi hỏi phải có sự quyết tâm, năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương", đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Ngay sau hội nghị này, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị, cùng với việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết, các cấp ủy, tổ chức Đảng khẩn trương nghiên cứu, cụ thể hóa nội dung 4 nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 thành kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể, có sự phân công, phân nhiệm và lộ trình thực hiện rõ ràng, sát thực tiễn, khả thi, hiệu quả.
Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu, xây dựng, sớm trình Bộ Chính trị Kế hoạch thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 trong tháng 8/2022.
Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, các ban Đảng Trung ương, bộ, ngành liên quan sớm chỉ đạo, phối hợp cụ thể hóa nội dung các văn kiện, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở, hành lang pháp lý bảo đảm đồng bộ, thống nhất để việc thực thi các nghị quyết trong thực tiễn đảm bảo tính toàn diện, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu mà nghị quyết đã đề ra. Trong đó, phấn đấu đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan.
Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết ở các cấp, trên cơ sở các chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết đã được phê duyệt; kịp thời điều chỉnh chương trình, kế hoạch thực hiện cho phù hợp; nhắc nhở, phê bình, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả.
Với tinh thần, trách nhiệm cao trong triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và thực hiện các văn kiện Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), đồng chí Võ Văn Thưởng tin tưởng rằng, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của toàn Đảng, hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của mọi người dân, các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) sẽ sớm đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần thiết thực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong thời gian tới.