Hà Nội

Quan tâm chế độ chính sách cho cán bộ truyền thông - giáo dục sức khoẻ

16-09-2023 18:44 | Y tế

SKĐS - Mạng lưới truyền thông - giáo dục sức khoẻ từ trung ương đến cơ sở đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, chủ động thực hiện tốt truyền thông nguy cơ, phòng chống dịch bệnh...

Đây là nhấn mạnh của PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế tại Hội nghị chuyên đề tăng cường năng lực mạng lưới truyền thông - giáo dục sức khoẻ khu vực Tây Nam Bộ vừa diễn ra tại TP Cần Thơ. 

Hội nghị do Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khoẻ TW phối hợp với ngành y tế TP Cần Thơ tổ chức với sự tham dự của gần 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo các vụ/cục, Văn phòng Bộ Y tế/Viện Pasteur TP HCM, lãnh đạo các Sở Y tế, lãnh đạo Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC), đội ngũ làm công tác truyền thông - giáo dục sức khoẻ các tuyến của các tỉnh, thành trong khu vực.

Đây là lần đầu tiên sau 3 năm gián đoạn tập trung cho công tác chống dịch COVID-19, hội nghị về chủ đề này được tổ chức trở lại.

Đẩy mạnh chỉ đạo tuyến về chuyên môn, quan tâm chế độ chính sách cho cán bộ làm công tác truyền thông - giáo dục sức khoẻ - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương (thứ ba từ phải sang) - Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì thảo luận tại hội nghị.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, đối với công tác truyền thông - giáo dục sức khoẻ hiện đang thiếu cả kinh phí, phương tiện, lẫn nhân lực kiêm nhiệm. Trưởng Trạm y tế phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt - TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Ngọc Thuý cho biết tại trạm có 6 cán bộ, trong đó 1 y sĩ phụ trách công tác truyền thông - giáo dục sức khoẻ kiêm nhiệm công tác tiêm chủng. 

BSCK II Phạm Trí Hùng - Trưởng Khoa kiểm soát bệnh tật  - HIV/AIDS của Trung tâm y tế Quận Thốt Nốt nhân lực công tác truyền thông - giáo dục sức khoẻ trên địa bàn Quận Thốt Nốt có 2 cán bộ tại tuyến quận, 9 cán bộ tại 9 phường cùng đó là 45 cán bộ ở các tổ y tế. 

Khái quát về những nội dung liên quan đến công tác truyền thông - giáo dục sức khoẻ trên địa bàn các tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ, đại diện Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ TW cho biết, tại tuyến tỉnh có các Khoa Truyền thông - giáo dục sức khoẻ là một đơn vị thuộc CDC với biên chế từ 5-7 người. Mỗi Sở Y tế đều có cán bộ chuyên trách truyền thông - giáo dục sức khoẻ tại Sở và các bệnh viện tuyến tỉnh.

Trong công tác truyền thông - giáo dục sức khoẻ, mặc dù có nhiều biến động về cơ cấu tổ chức và mạng lưới kể từ sau khi sáp nhập Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe (T4G) vào Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), nhưng ngành y tế các tỉnh, thành đã cố gắng duy trì và xây dựng mạng lưới truyền thông - giáo dục sức khoẻ từ tỉnh xuống tận huyện, xã, đảm bảo duy trì hoạt động này không bị gián đoạn.

Đẩy mạnh chỉ đạo tuyến về chuyên môn, quan tâm chế độ chính sách cho cán bộ làm công tác truyền thông - giáo dục sức khoẻ - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Tuy nhiên, đại diện Trung tâm Truyền thông  - Giáo dục sức khoẻ TW cũng cho rằng, mặc dù đã có mạng lưới truyền thông - giáo dục sức khoẻ từ tỉnh đến huyện, xã nhưng do biến động cán bộ cả về số lượng và chất lượng, đa số là kiêm nhiệm nên năng lực thực hiện công tác này còn rất hạn chế, ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả và chất lượng công việc. 

Trong thời gian dài từ khi sáp nhập đến nay, việc chỉ đạo tuyến, định hướng công tác truyền thông - giáo dục sức khoẻ hàng năm từ trung ương và từ tỉnh còn rất chậm và hạn chế do COVID-19, sắp xếp ổn định tổ chức nhân sự dẫn đến bị động, chậm hoặc không kịp thời trong thực hiện công tác truyền thông - giáo dục sức khoẻ. 

Cũng về nội dung này nhiều ý kiến tham luận của các tỉnh, thành trong khu vực Tây Nam Bộ tại hội nghị cho cho rằng chế độ chính sách cho cán bộ làm công tác truyền thông - giáo dục sức khoẻ chưa khuyến khích được cán bộ tận tâm với công việc; thiếu trang thiết bị và kinh phí cho hoạt động truyền thông - giáo dục sức khoẻ; tại một số tỉnh, thành công tác này vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức...

Bà Hoàng Thị Thơm - Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế, ông Vũ Mạnh Cường - Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ TW trao đổi về công tác truyền thông với cán bộ y tế trạm y tế phường Thốt Nốt - Quận Thốt Nốt - TP Cần Thơ.

Chia sẻ với những khó khăn của đội ngũ làm công tác truyền thông - giáo dục sức khoẻ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu lãnh đạo các vụ/cục, Văn phòng Bộ, Viện và Trung tâm  - Truyền thông giáo dục sức khoẻ TW tiếp thu những kiến nghị liên quan đến công tác này, báo cáo lãnh đạo Bộ.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu, đối với Văn phòng Bộ Y tế cần tham mưu cho lãnh đạo Bộ kiện toàn toàn diện mạng lưới truyền thông - giáo dục sức khoẻ từ trung ương đến tỉnh, huyện và tuyến xã. Ở Trung ương, cần giao nhiệm vụ cụ thể công tác chỉ đạo tuyến về nội dung này cho một đầu mối;

Văn phòng Bộ là đầu mối, phối hợp với Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ TW, các vụ/cục, đơn vị liên quan định hướng chiến lược, kế hoạch thông tin, truyền thông y tế và nâng cao năng lực truyền thông y tế trong công tác quản lý nhà nước, triển khai kỹ năng hoạt động truyền thông các lĩnh vực y tế cho đội ngũ cán bộ làm truyền thông y tế...

Đại diện các tỉnh, thành, quận, huyện tham luận về những thuận lợi, khó khăn trong công tác truyền thông - giáo dục sức khoẻ

Thứ trưởng cũng yêu cầu Văn phòng Bộ làm đầu mối vận hành, xây dựng Quy chế hoạt động của mạng lưới truyền thông ngành y tế từ trung ương đến địa phương (hơn 1000 đầu mối) nhằm định hướng, nắm bắt, cung cấp và xử lý thông tin y tế chính xác, kịp thời và hiệu quả. Tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tốt Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của đơn vị trong ngành y tế (Theo Quyết định số 56/QĐ-BYT ngày 10/01/2023 của Bộ Y tế).

Liên quan đến vấn đề chính sách của đội ngũ làm công tác truyền thông - giáo dục sức khoẻ được nhiều đại biểu kiến nghị tại hội nghị, Thứ trưởng giao Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế tổng hợp, tham mưu lãnh đạo Bộ nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh chế độ chính sách đối với cán bộ y tế trong đó có cán bộ làm công tác truyền thông - giáo dục sức khoẻ để đội ngũ này yên tâm công tác...

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương giao Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ TW chỉ đạo, theo dõi, giám sát hỗ trợ và đánh giá công tác truyền thông - giáo dục sức khoẻ của ngành một cách chủ động, thường xuyên.

Cần hợp tác chặt chẽ với cục/vụ liên qua và hệ thống các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để xây dựng và triển khai mô hình chỉ đạo tuyến trong công tác này… Hướng dẫn, hỗ trợ, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ truyền thông - giáo dục sức khoẻ cho đội ngũ cán bộ làm công tác này ở tuyến cơ sở hàng năm.

Đối với Sở Y tế tỉnh, CDC các tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị cần chú trọng và ưu tiên đầu tư phát triển khoa truyền thông - giáo dục sức khoẻ của CDC, đặc biệt về chế độ chính sách cho cán bộ, kinh phí và trang thiết bị cũng như phối kết hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ của địa phương.

Chú trọng nâng cao năng lực, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ làm công tác này ở tuyến xã, huyện… Hàng năm, quan tâm đề xuất, có kế hoạch chủ động xây dựng kế hoạch, đề xuất ngân sách cho công tác truyền thông - giáo dục sức khoẻ về phòng, chống dịch bệnh, truyền thông về các lĩnh vực y tế tại địa phương.

Bài và ảnh: Thái Bình
Ý kiến của bạn