3 tiếng quý giá để quan sát Sao Kim
Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) cho biết, ngày 10/1 sắp tới, Sao Kim sẽ đạt vị trí ly giác cực đại về phía Đông so với Mặt Trời khi quan sát từ Trái Đất trong lần xuất hiện trên bầu trời buổi tối này.
Sao Kim sẽ tỏa sáng với độ sáng biểu kiến là -4,4 trong khu vực của chòm Aquarius (Bảo Bình) và xuất hiện cao khoảng 44° trên bầu trời hướng Tây Nam ngay sau khi Mặt Trời lặn. Hành tinh này chỉ lặn đi sau 21 giờ, nghĩa là bạn sẽ có khoảng hơn ba giờ đồng hồ để quan sát.
Mặc dù đây là lúc quan sát Sao Kim tốt nhất trong lần xuất hiện này khi nó ở xa Mặt Trời nhất, tuy nhiên, thời điểm hành tinh này đạt được độ sáng lớn nhất sẽ đến sau đây hơn một tháng. Cụ thể, nó sẽ đạt được độ sáng cực đại là -4,6 vào ngày 16/2.
Sao Kim là hành tinh vòng trong so với Trái Đất, có nghĩa là nó luôn xuất hiện ở gần Mặt Trời và bị lu mờ trong ánh sáng chói chang của ngôi sao này trong phần lớn thời gian. Bạn chỉ có thể tìm thấy nó trong vài tháng xung quanh thời điểm hành tinh này đạt ly giác cực đại.
Những lần xuất hiện như vậy lặp lại khoảng 1,6 năm mỗi lần, diễn ra xen kẽ trên bầu trời buổi sáng và buổi tối tùy thuộc vào vị trí Sao Kim ở phía Đông hay phía Tây so với Mặt Trời. Khi ở phía Đông, hành tinh này sẽ mọc và lặn sau Mặt Trời một khoảng thời gian ngắn, nghĩa là bạn có thể nhìn thấy nó trên bầu trời buổi tối sau khi Mặt Trời lặn với cái tên là Sao Hôm. Ngược lại, khi nằm ở phía Tây, Sao Kim sẽ mọc sớm hơn Mặt Trời và tỏa sáng trên bầu trời buổi sáng. Lúc này, người ta gọi nó là Sao Mai.
Các nhà khoa học dự báo năm 2025 sẽ là một sân khấu ngoạn mục - nơi thiên nhiên trình diễn những hiện tượng kỳ thú, từ các hành tinh nhảy múa, siêu trăng sáng ngời đến cực quang rực rỡ và những dòng sao băng chói lòa.
Cụ thể, 6 hành tinh - trừ Sao Hải Vương và Sao Thiên Vương, sẽ mở màn năm 2025, khi xếp thành một cung dài trên bầu trời ngay sau hoàng hôn ngay trong tháng 1. Sau đó, vào tháng 2, Sao Thủy sẽ tham gia đội hình, tạo nên cảnh tượng hiếm có khi 7 hành tinh cùng xuất hiện trên bầu trời. Đội hình kỳ diệu này sẽ dần khép lại khi mùa Xuân đến.
Tháng 3 sẽ "chiêu đãi" nhân loại bằng 2 hiện tượng thiên thực liên tiếp. Ngày 14/3, sự kiện nguyệt thực toàn phần sẽ khiến Mặt Trăng "hoàn toàn mất tích" trong hơn 1 tiếng - một cảnh tượng mà các khu vực Bắc và Nam Mỹ sẽ quan sát được trọn vẹn.
Cơ hội quan sát Sao Chổi sáng nhất năm 2025
Ngoài hiện tượng Sao Kim sẽ đạt vị trí ly giác cực đại về phía Đông so với Mặt Trời, theo Hội Thiên văn Hà Nội, Sao Chổi C/2024 G3 (ATLAS) sẽ đạt đến vị trí cận nhật vào ngày 13/1/2025. Đây không phải là lần đầu tiên nó tiếp cận Trái Đất của chúng ta.
Như vậy, người yêu thiên văn Việt Nam cũng như trên toàn thế giới hoàn toàn có thể hy vọng rằng, sao này sẽ sống sót trong lần tiếp cận ở khoảng cách chỉ 13,5 triệu km so với Mặt
Trời, tức gần hơn 3 lần so với Sao Thủy.
Nếu thực sự sống sót, C/2024 G3 có thể đạt tới độ sáng biểu kiến là -4,5, sáng tương đương Sao Kim tại điểm cận nhật với ly giác khi đó chỉ khoảng 5°. Việc quan sát Sao Chổi này là một thách thức lớn đối với bất kỳ vì tìm kiếm một vật thể gần Mặt Trời chưa bao giờ là một điều dễ dàng.
Độ sáng của C/2024 G3 đang tăng lên rất nhanh khi tiến gần hơn đến điểm cận nhật. Tuy nhiên, hiện tại nó đang chìm trong ánh sáng ngày mới chói chang và không thể quan sát được. Cơ hội tốt nhất để bạn quan sát Sao Chổi này là từ thời điểm cận nhật trở về sau.
Vì là một sao chổi sungrazer nên độ sáng của C/2024 G3 sẽ giảm rất nhanh sau điểm cận nhật. Đến khoảng ngày 16/1, sao chổi này có độ sáng biểu kiến là 0,0 và cao khoảng 10° ở hướng tây khi mặt trời lặn.
Những ngày sau đó, nó gần như chuyển song song với đường chân trời nên khả năng quan sát vẫn không có nhiều cải thiện so với trước đó. Như vậy, lần xuất hiện này của C/2024 G3 không thực sự thuận lợi khi quan sát tại Việt Nam ngay cả trước, trong và sau điểm cận nhật.
Theo dự đoán của các cơ quan vũ trụ quốc tế, C/2024 G3 sẽ là Sao Chổi sáng nhất trong năm 2025. Tuy nhiên, đó là khi nó có thể vượt qua điểm cận nhật vào ngày 13/1. Trước đó, trong cùng ngày, sao chổi này cũng sẽ đi qua vị trí gần Trái Đất nhất trong lần xuất hiện này của nó ở khoảng cách 0,97 AU.
"Từ sáng mai (8/1), bạn có thể thử dậy sớm để tìm kiếm nó nằm cao khoảng 10 độ ở hướng đông nam khi mặt trời mọc với độ sáng biểu kiến khoảng 2,0", chuyên gia của HAS cho biết.
Cũng sẽ có một số sự can thiệp của ánh trăng vào thời điểm cận nhật của sao chổi G3. Điều đó có thể khiến việc quan sát trở nên khó khăn hơn một chút. Tuy nhiên, Mặt Trăng mọc muộn hơn khoảng 50 phút mỗi đêm sau pha trăng tròn, các điều kiện sẽ nhanh chóng cải thiện để quan sát sau khi mặt trời lặn.
Được phát hiện vào ngày 5/4/2024 bởi hệ thống kính viễn vọng ATLAS, G3 đến từ đám mây Oort, một khối Sao Chổi bao quanh toàn bộ hệ Mặt Trời.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup, Nguyễn Xuân Son phẫu thuật xong tươi cười ăn mừng | SKĐS