Hà Nội

Quan niệm và giải pháp cải thiện bệnh lý về khí huyết theo y học cổ truyền

SKĐS - Theo Y học cổ truyền “khí huyết lưu thông, tinh thần thoải mái đó là sức khỏe” nên khí huyết là vật chất cơ bản nhất của sự sống. Mọi vấn đề sức khỏe, đều liên quan đến khí huyết, mọi bệnh tật đều do khí huyết mà ra.

Khí là gì?

Khí có nguồn gốc hóa sinh từ tinh khí của thức ăn uống phối hợp cùng khí trời hít thở hấp thụ vào. Khí được tạo ra giúp vận hành huyết dịch nuôi dưỡng cơ thể, đồng thời cũng được đưa đến tạng phủ giúp tạng phủ hoạt động để tạo thành và duy trì hoạt động sống cho con người.

- Chỉ sự hoạt động (công năng) của các tạng phủ.

- Do khí vận hành huyết dịch không ngừng trong kinh mạch, bên trong nuôi dưỡng tạng phủ, bên ngoài nuôi dưỡng bì mao - kinh lạc - cân cốt, dạng công năng này còn được gọi là khí lực.

- Chỉ dạng vật chất nuôi dưỡng và giúp cơ thể hoạt động tuy gọi là dạng vật chất nhưng khó thấy như là: dưỡng khí, cốc khí, tông khí. Tạng phủ sau khi được nuôi dưỡng bởi các dạng vật chất này mới phát sinh các hoạt động cơ năng.

- Công năng hoạt động của khí ở tạng phủ được gọi là tạng khí.

- Khí của Tiên thiên kết hợp với khí của hậu thiên gọi là chân khí hoặc Chính khí.

Quan niệm và giải pháp cải thiện bệnh lý về khí huyết theo y học cổ truyềnChâm cứu là phương pháp chữa bệnh về Khí, Huyết không dùng thuốc

Phân loại khí

- Nguyên khí: Bao gồm khí nguyên âm và khí nguyên dương bẩm thụ ở tiên thiên. Nguyên khí được tàng trữ ở thận, nhờ đường tam tiêu mà đi khắp nơi thúc đẩy hoạt động của ngũ tạng lục phủ và là nguồn gốc sự sinh hóa của cơ thể. Do nguyên khí đầy đủ tạng phủ sẽ mạnh, người sẽ ít bệnh tật và ngược lại.

- Tông khí: Là dạng không khí tự nhiên được hít vào, kết hợp với khí của tinh vi thủy cốc do tỳ vị tiêu hóa mà thành, được hình thành ở phế và tích tụ ở ngực, nó có tác dụng giúp phế hô hấp, giúp hành dưỡng huyết toàn thân.

- Dinh khí: Do tinh khí của thủy cốc sinh ra. Thiên “Dinh vệ tinh hội luận” sách Linh khu viết: “Cốc nhập ở vị chuyển vào phế, ngũ tạng lục phủ hấp thu. Thanh là dinh, dinh đi trong mạch, di chuyển không ngừng”. Sau khi vào mạch tạo thành một bộ phận của huyết. Cho nên công năng của nó, ngoài sinh huyết, còn có tác dụng dinh dưỡng toàn thân.

- Vệ khí: Là một bộ phận của dương khí, sinh ra ở thủy cốc. Nguồn gốc ở tỳ vị, xuất phát ở thượng tiêu, lưu hành ở ngoài mạch. Tính chất thò mạnh, lưu hành mau, ở ngoài phân bố đi toàn thân, bên trong thì vào tạng phủ; có tác dụng làm ấm tạng phủ, bên ngoài đi ra cơ biểu, có tác dụng đóng mở lỗ chân lông do đó bảo vệ được cơ thể kháng ngại tà.

Huyết là gì?

Huyết là dạng vật chất quan trọng giúp suy trì hoạt động sống của cơ thể. Huyết chu lưu tuần hoàn dinh dưỡng toàn thân: Phàm lông, da, xương, thịt, tạng phủ của người ta, nếu không có sự dưỡng của huyết, không thể hoạt động được, bởi vì huyết có tác dụng dinh dưỡng, cho nên huyết thịnh, hình thể cũng thịnh, huyết suy, hình thể cũng suy. Chỉ có huyết mạch điều hòa, tuần hoàn lưu lợi mới có thể làm cho da thịt, gân cốt, khớp xương của toàn thân có sức mạnh mẽ vận động như thường.

Sở dĩ hai mắt trông được, hai chân đi được, hai tay nắm được, da dẻ mịn màng, đều là nhờ sự tưới nhuần của huyết dịch. Nhưng sự điều hòa và tuần hoàn của huyết dịch cùng với khí có sự quan hệ rất lớn. Người xưa nói: “Khí là thống soái của huyết”. Lại nói: “Khí đi, huyết cũng đi”. Chỉ rõ ra huyết dịch sở dĩ có thể chu lưu không ngừng, nuôi dưỡng toàn thân được là hoàn toàn nhờ ở tác dụng thúc đẩy của khí.

Nếu vì một nguyên nhân nào đó sự tuần hoàn của huyết dịch bị trở ngại, da không được nuôi dưỡng đầy đủ sẽ có chứng da dẻ tê dại, chân tay không được nuôi dưỡng đầy đủ, chân tay không được ấm, nặng thì bại liệt.

Tính chất của huyết: Là một dịch thể màu hồng, lưu chuyển trong cơ thể và có tác dụng dinh dưỡng cho cơ thể. Sự tạo thành huyết được thực hiện như sau:

- Tỳ vị sau khi hấp thu, vận hóa thức ăn, tạo ra tinh, và từ một phần của tinh được tâm khí hóa thành sắc đỏ gọi là huyết (Khí được tỳ, thận và phế tạo thành).

- Thận tàng tinh, chủ cốt sinh tủy, tinh tủy cũng hóa sinh thành huyết.

Nên có thể nói rằng quá trình tạo thành huyết có liên quan tới tỳ - phế - tâm - thận. Khi huyết đã được sinh ra, sự tuần hoàn của huyết do tâm làm chủ, do can tàng trữ và do tỳ thống soái.

Mối quan hệ khí huyết: Trong thiên Âm dương ứng tượng đại luận sách Tố vấn nói: “Âm ở trong để giữ gìn cho dương, dương ở ngoài để giúp đỡ cho âm”. Huyết và khí cũng vậy (huyết thuộc âm và khí thuộc dương), huyết tuy do khí mà sinh, theo khí mà đi, nhưng khí lại cần dựa vào cơ sở của huyết mới có thể phát huy tác dụng vận động sinh hóa, hai thứ đó tương trợ lẫn nhau, xúc tiến lẫn nhau, cũng bao hàm ý nghĩa dương sinh âm trưởng. Cho nên khí huyết không điều hòa sẽ xuất hiện nhiều chứng bệnh.

Thiên Điều kinh luận sách Tố vấn nói: “Khí huyết lẫn lộn nhau, âm dương chênh lệch nhau, khí loạn ở vệ, huyết nghịch ở kinh, khí huyết không đúng chỗ, một bên thực, một bên hư”. Đó tức là nói: “Khí huyết bị thiên thắng, âm dương mất điều hòa, liền làm cho đường vận hành của khí huyết bị rối loạn, thậm chí không nương tựa vào nhau được mà sai chỗ, gây ra thiên lệch, bên này hư, bên kia thực”, do đó sinh ra bệnh. Cho nên khí huyết điều hòa lẫn nhau, có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Chẩn đoán và điều trị bệnh thuộc khí huyết

Khí, huyết là cơ sở vật chất của tạng phủ - kinh lạc; khi khí huyết có bệnh sẽ ảnh hưởng đến chức năng của tạng phủ. Ngược lại, khi tạng phủ kinh lạc bị bệnh sẽ có biểu hiện bất thường qua khí huyết. Các thể bệnh về khí, huyết trên lâm sàng và các bài thuốc thường dùng:

Bệnh của khí: Khí hư (suy): Do cơ năng hoạt động của cơ thể và nội tạng bị suy thoái hay gặp ở người có bệnh mạn tính, người già yếu, hoặc người bệnh ở thời kỳ hồi phục sau khi mắc các bệnh cấp tính nặng. Biểu hiện: Hơi thở ngắn, không có sức, giọng nói nhỏ yếu. Người mệt mỏi, rã rượi, sắc da xanh tái. Ăn uống kém. Tự hãn. Đau thiện án. Lưỡi nhạt, lạt miệng. Mạch nhược (vô lực). Triệu chứng cụ thể cho từng tạng có liên quan:

- Tâm khí hư: Ngoài triệu chứng chung còn có thêm hồi hộp, tức ngực.

- Phế khí hư: Thêm triệu chứng ho suyễn, thở gấp, dễ bị cảm nhiễm.

- Tỳ khí hư: Ăn ít, đầy trướng bụng, Tiêu chảy (tỳ mất kiện vận). Sa tử cung, trĩ, sa dạ dày (tỳ khí hư hạ hãm). Sắc mặt vàng, kinh nguyệt nhiều, cầu ra máu, có dấu xuất huyết dưới da (tỳ bất thống huyết).

-  Thận khí hư: Lưng gối nhức mỏi, thính lực giảm, tiểu ít (không nạp khí).

Phép trị: Bổ khí. Dùng bài thuốc: Tứ quân: Nhân sâm (quân); bạch truật (thần); bạch linh (tá); cam thảo (sứ). Nhân sâm bổ nguyên khí kiện tỳ dưỡng vị. Bạch truật kiện tỳ táo thấp; phục linh, cam thảo kiện tỳ thẩm thấp. Phương thuốc này chủ yếu để ích khí kiện tỳ.

Bệnh của huyết: Thường gặp Huyết hư: Do mất máu nhiều quá. Hoặc do tỳ vị hư nhược nên sự sinh hóa máu không đầy đủ. Triệu chứng chung: Sắc mặt nhợt nhạt, xanh xao hoặc hơi vàng, môi niêm mạc trắng nhợt nhạt. Hoa mắt, chóng mặt. Hồi hộp, mất ngủ, đánh trống ngực. Tay chân tê. Chất lưỡi nhợt nhạt. Mạch tế sác vô lực.

- Tâm huyết hư: Thêm hồi hộp trống ngực, mất ngủ, hay quên.

- Can huyết hư: Bực bội, cân cơ co giật, kinh ít hoặc bế.

- Huyết hư thường ảnh hưởng tới khí hư khi có khí hư kèm theo thường có thêm triệu chứng: đoản khí, thở gấp, mệt mỏi, mất sức.

- Phép trị: Bổ huyết nếu có thêm khí hư bổ khí huyết.

- Bài thuốc: Tứ vật thang: Đương quy, Thục địa, Xuyên khung, Bạch thược. Ý nghĩa: Thục địa tư âm bổ huyết; đương quy dưỡng huyết hóa huyết; bạch thược hòa doanh, lý huyết; Xuyên khung hành khí hoạt huyết. Đây là bài thuốc chung dùng bổ huyết, tùy thuộc vào bệnh biến cụ thể mà có thể gia giảm thêm.

Khí huyết hư (suy): Thường có triệu chứng: da xanh, môi nhợt hoa mắt người gầy mệt mỏi, đoản hơi, đoản khí hồi hộp, ăn ít, lưỡi nhạt, mạch tế. Dùng bài Bát trân, gồm: đương quy 12g, xuyên khung 12g, thục địa 20g, bạch thược 12g, đảng sâm 12g, bạch linh 12g, bạch truật 12g, cam thảo 10g. Công dụng bồi bổ khí huyết, có tác dụng rất tốt trong việc phòng chống thiếu máu, thúc đẩy quá trình sản sinh hồng cầu, làm tăng lượng huyết sắc tố, từ đó phòng chống hữu hiệu tình trạng thiếu máu. Ngoài ra, bát trân còn có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, cải thiện hệ tuần hoàn, điều tiết sự co bóp của tử cung, bảo vệ gan, chống mệt mỏi và nâng cao năng lực thích ứng của cơ thể.

Điều trị các bệnh khí, huyết với dùng thuốc ngoài cơ thể

Xông, ngâm, tắm, chườm, bó: có thể dùng thuốc độc vị hoăc bài thuốc hoặc chỉ là dùng sức nóng hoặc kết hợp cả tác dụng nhiệt và tác dụng của thuốc lên vùng ngoài cơ thể.

Các phương pháp điều trị các bệnh về khí, huyết không dùng thuốc

Châm cứu: Châm cứu là phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc mang lại hiệu quả điều trị cao, phương pháp này tác động lên các huyệt vị bằng kim châm hoặc sức nóng của ngải cứu để kích thích khí huyết lưu thông, điều hòa âm dương trong cơ thể nhằm mục đích phòng và điều trị bệnh tùy theo từng thể bệnh về khí huyết.

Xoa bóp, bấm huyệt: Là một phương pháp phòng bệnh và chữa bệnh với sự chỉ đạo của lý luận y học cổ truyền giúp điều hòa âm dương, khí huyết.

Xoa bóp: Đặc điểm của nó là dùng bàn tay là chính; tác động lên da, thịt, gân, khớp, kinh lạc của người bệnh, làm cho khí huyết lưu thông để đạt mục đích phòng và chữa bệnh.

Bấm huyệt: Là một phương pháp dựa trên sự tác động lực của ngón tay trên bề mặt cơ thể chủ yếu là huyệt, mục đích để làm khí huyết lưu thông qua đó phòng bệnh, chữa bệnh, cải thiện tuần hoàn khí huyết.

Xoa bóp, bấm huyệt sử dụng đôi bàn tay của người thầy thuốc để phát hiện những điểm tắc nghẽn, tác động một lực nhất định lên các điểm, vùng này để giải tỏa sự tắc nghẽn của khí huyết.

Yoga, khí công, thái cực quyền: Với nhiều động tác khác nhau kết hợp với thở, mỗi động tác tác động vào một vùng cơ thể nào đó theo mục đích của động tác để khí huyết vùng đó được lưu thông tốt, qua đó phòng bệnh và trị bệnh.

Khí huyết hư suy là một bệnh chứng thường gặp của YHCT nên thông qua tứ chẩn để chẩn đoán và có giải pháp cải thiện, điều trị thích hợp. Nên đến các thầy thuốc chuyên khoa YHCT thăm khám và điều chỉnh để khí huyết sung mãn, có sức khỏe giúp cuộc sống tâm thể viên mãn.


BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ
Ý kiến của bạn