Quân nhân tử vong do nhiễm não mô cầu: Căn bệnh tử vong trong 24h

15-02-2025 14:22 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh thường có những biểu hiện dễ gây nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường khiến người bệnh có tâm lý chủ quan không thăm khám và dẫn đến tử vong nhanh chỉ trong vòng 24h.

Căn bệnh tử vong nhanh trong 24h

Bệnh nhiễm não mô cầu hay còn gọi là viêm não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Biểu hiện lâm sàng thường gặp là viêm màng não mủ hoặc nhiễm khuẩn huyết, có thể gây sốc dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Quân nhân tử vong do nhiễm não mô cầu: Căn bệnh tử vong trong 24h- Ảnh 1.

BSCKI Trịnh Thị Hằng - Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện 19-8

Để chẩn đoán viêm não mô cầu cần dựa vào yếu tố dịch tễ như có tiếp xúc với bệnh nhân hoặc sống trong tập thể (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại,…) có người đã được xác định bị mắc bệnh do não mô cầu. Các biểu hiện thường gặp của bệnh là:

  • Viêm não mô cầu thường ủ bệnh trung bình là 4 ngày (2-10 ngày). Biểu hiện nhiễm trùng rõ nhất thường gặp là: Sốt cao đột ngột, có thể có rét run, ho, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu.
  • Dấu hiệu màng não hoặc não gây ra các tình trạng: Đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, táo bón, gáy cứng, (trẻ nhỏ có thể có tiêu chảy, thóp phồng và gáy mềm). Rối loạn ý thức, li bì, kích thích vật vã, có thể có co giật, hôn mê.
  • Ban xuất huyết hoại tử hình sao, xuất hiện sớm và lan nhanh, thường gặp ở hai chi dưới.
  • Tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc nặng, nhanh chóng vào tình trạng sốc: Mạch nhanh, huyết áp hạ hoặc huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tâm thu – tâm trương < 20 mmHg), thiểu niệu, vô niệu, đông máu nội mạch rải rác, suy thượng thận, suy đa tạng và có thể tử vong nhanh trong vòng 24h.

Thông thường, ở người bệnh và người lành mang vi khuẩn là nguồn chứa duy nhất có thể gây bệnh. Ước tính có khoảng 10 – 20% dân số mang vi khuẩn não mô cầu tại hầu họng mà không có triệu chứng lâm sàng được gọi là người lành mang trùng. Tỷ lệ này có thể tăng đến 40-50% trong các đợt dịch. Hiện đã phát hiện 13 tuýp huyết thanh, trong đó có các tuýp hay gây bệnh là: A, B, C, X, Y,

Quân nhân tử vong do nhiễm não mô cầu: Căn bệnh tử vong trong 24h- Ảnh 2.

Tại Việt Nam, khoảng 90% số ca mắc não mô cầu là nhiễm huyết thanh nhóm B.

Tuy nhiên, viêm não mô cầu rất dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do vậy cần thông qua một số xét nghiệm để chẩn đoán và phân biệt với một số bệnh lý khác như liên cầu lợn, sốt xuất huyết

  • Bệnh do liên cầu lợn: Người bệnh có tiếp xúc với lợn ốm, chết, giết mổ hoặc ăn thịt lợn nấu chưa chín kỹ. Có triệu chứng của nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm màng não. Xuất hiện ban xuất huyết dưới dạng nốt, đám mảng hoặc lan rộng toàn thân. Có thể có suy tuần hoàn, hô hấp hoặc suy đa tạng. Thông qua chẩn đoán bằng nuôi cấy phân lập vi khuẩn S. suis hoặc PCR (+) với liên cầu lợn trong máu hoặc dịch não tủy.
  • Sốt xuất huyết Dengue: Các biểu hiện là sốt cao đột ngột, đau đầu và đau mỏi toàn thân, đau nhức nhiều hai hốc mắt. Da xung huyết, ít khi có phát ban, dấu hiệu xuất huyết ở dưới da, niêm mạc hoặc nội tạng. Khi xét nghiệm máu: Bạch cầu giảm, Tiểu cầu giảm, Hct bình thường hoặc tăng. Xét nghiệm huyết thanh: NS1 hoặc kháng thể kháng dengue IgM (+)
  • Ban xuất huyết do Schönlein-Henoch: Bệnh nhân thường sốt nhẹ hoặc không sốt. Ban xuất huyết dưới da đối xứng ở 2 chân (dạng bốt), 2 tay (dạng găng). Ngoài ra có thể gặp tình trạng đau khớp, đau bụng, xuất huyết tiêu hóa, viêm tinh hoàn, viêm thận.
  • Nhiễm khuẩn huyết do các vi khuẩn khác
  • Viêm màng não mủ do các căn nguyên khác

Khi mắc viêm não mô cầu, bệnh nhân sẽ được sử dụng kháng sinh sớm, hồi sức tích cực và cần cách ly theo dõi. Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ điều trị hỗ trợ và triệu chứng bao gồm các biện pháp sau:

  • Hạ sốt
  • An thần
  • Chống phù não
  • Điều trị suy tuần hoàn, sốc: Bù dịch, thuốc vận mạch.
  • Hỗ trợ hô hấp
  • Lọc máu liên tục
  • Điều chỉnh nước, điện giải và thăng bằng kiềm toan
  • Vệ sinh thân thể và dinh dưỡng đầy đủ
Quân nhân tử vong do nhiễm não mô cầu: Căn bệnh tử vong trong 24h- Ảnh 3.

Có thể phòng bệnh viêm não mô cầu bằng cách tiêm vaccine phòng bệnh.

Phòng bệnh viêm não mô cầu bằng cách nào?

Viêm não mô cầu là bệnh lý nguy hiểm, như trường hợp viêm não mô cầu quân nhân tử vong gần đây là do không phát hiện sớm bệnh lý. Nhiễm não mô cầu lây qua đường gì? Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các giọt nhỏ dịch tiết mũi họng bị nhiễm Neisseria meningitidis, khả năng lây truyền sẽ tăng nếu có đồng nhiễm cùng các vi rút đường hô hấp.

Viêm não mô cầu có thể gặp ở nhiều lứa tuổi tuy nhiên hay gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi và thanh thiếu niên trong độ tuổi 14-20 tuổi. Bệnh xuất hiện chủ yếu vào mùa đông xuân và thường gặp ở những người sống trong khu vực tập thể đông người (nhà trẻ, trường học, chung cư, doanh trại quân đội…) Để phòng bệnh viêm não mô cầu, người dân có thể áp dụng những phương pháp sau:

  • Phòng bệnh chung bằng cách: Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.
  • Tiêm vaccine phòng bệnh
  • Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám tại các cơ sở khám chữa bệnh càng sớm càng tốt.
  • Với những người có tiếp xúc với bệnh nhân viêm não mô cầu có thể dự phòng bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Thông tin chính thức vụ quân nhân Quân khu 1 tử vong và cách ly 7 quân nhân khácThông tin chính thức vụ quân nhân Quân khu 1 tử vong và cách ly 7 quân nhân khác

Qua kết quả xét nghiệm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 xác định, quân nhân Nghiệp ngừng tuần hoàn ngoại viện do sốc nhiễm khuẩn do não mô cầu thể tối cấp.


BSCKI Trịnh Thị Hằng
Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện 19-8
Ý kiến của bạn