Để thực hiện chiến lược mục tiêu này, những năm qua, Hà Nội tích cực đầu tư xây dựng, giải quyết rất tốt nhu cầu nhà ở cho người dân.
Hiện nay, toàn thành phố đang có 2.598 chung cư (1.234 chung cư từ 9 tầng trở lên), chiếm 58% số lượng chung cư của cả nước, bao gồm: 1.579 chung cư cũ, 845 chung cư thương mại và 174 chung cư tái định cư, trong đó có 86 chung cư còn tranh chấp, chiếm 3,3%.
Trước thực tế trên, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội xác định, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư là vấn đề mới, khó, phức tạp, phải có giải pháp tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng khoa học, hiệu lực, hiệu quả hơn để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; giữ ổn định trật tự và an toàn xã hội. Đây còn là nhiệm vụ có chiến lược mà thành phố phải quan tâm thực hiện lâu dài. Ban Thường vụ Thành ủy mong muốn các cấp ủy Đảng, người dân nhận thức rõ thách thức, nguy cơ để cùng vào cuộc, bảo đảm vừa phát triển mạnh về nhà ở, vừa duy trì môi trường các nhà chung cư lành mạnh.
Trong thời gian tới, các cơ quan liên quan của Hà Nội thống nhất thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: đề ra giải pháp đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt, bảo đảm nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân, đồng thời ngăn chặn và giảm thiểu các tranh chấp, khiếu kiện phức tạp phát sinh trong công tác trên, góp phần bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn thành phố. Nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu địa phương, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư với phương châm sâu sát, quyết liệt. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đi đôi với việc xem xét, xử lý các hành vi vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư theo đúng quy định. Tăng cường xử lý vi phạm liên quan đến nhà chung cư, nhất là vi phạm trật tự xây dựng và các điều kiện an toàn. Đối với những chủ đầu tư vi phạm trong thực hiện xây dựng, quản lý chung cư, phải kiên quyết xử lý, không cấp chủ trương đầu tư các dự án khác. Không để chủ đầu tư tạo ra sự đã rồi, sau đó phải chạy theo để xử lý... Các cấp, các ngành phải coi việc giải quyết những vấn đề tồn tại ở nhà chung cư là nhiệm vụ cấp bách; trong đó phải đặc biệt quan tâm, vào cuộc quyết liệt khắc phục chung cư và cơ sở còn vi phạm về phòng cháy, chữa cháy...
Vấn đề quản lý vận hành nhà chung cư là vấn đề bức thiết trong xã hội hiện nay khi mà nhà chung cư là xu hướng nhà ở tất yếu trong các quận nội thành tại các thành phố lớn. Tranh chấp, kiện cáo liên quan đến công tác vận hành và quản lý của các chung cư xảy ra tại nhiều nơi. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 4.422 nhà chung cư. Trong đó, có 458 chung cư xảy ra tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến công tác quản lý, vận hành.
Đề cập các giải pháp để quản lý hiệu quả hơn các chung cư, thay vì dừng ở mức thông tư như hiện nay, cấp thẩm quyền cần xây dựng một đạo luật về mô hình hoạt động quản lý chung cư hiệu quả để đưa ra các giải pháp; đồng thời có chế tài xử lý ban quản trị vi phạm pháp luật.
Về mâu thuẫn, xung đột tại nhiều chung cư thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận còn có nguyên nhân đến từ một số quy định pháp luật chưa đầy đủ, vai trò quản lý của địa phương chưa tốt... Để kiểm soát tốt hơn, Bộ Xây dựng sẽ sửa đổi quy định về thu phí bảo trì, tư cách pháp nhân của ban quản trị. Đồng thời, ngoài mô hình ban quản trị như hiện tại, Bộ đề xuất bổ sung 2 mô hình quản lý chung cư phù hợp với điều kiện thực tế: Thứ nhất, mô hình chủ đầu tư quản lý, vận hành, phù hợp với các chung cư có chủ đầu tư là đơn vị chuyên nghiệp, có năng lực về việc này. Theo đó, chủ đầu tư là đơn vị thu, quản lý kinh phí bảo trì và trực tiếp quản lý, vận hành chung cư; Thứ hai, mô hình các doanh nghiệp chuyên nghiệp sẽ thực hiện việc quản lý, vận hành các tòa chung cư. Đây là mô hình đã được áp dụng ở nhiều nước và đã xuất hiện ở Việt Nam. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, theo hướng đề xuất này, cư dân sẽ tự họp bàn, quyết định lựa chọn mô hình thích hợp để triển khai tại chung cư.
Như vậy, với sự vào cuộc của Bộ Xây dựng và thành phố Hà Nội, hy vọng thời gian tới, việc quản lý, vận hành các nhà chung cư tại Thủ đô sẽ đạt hiệu quả cao hơn.