Quản lý, vận hành lò hơi đang có vấn đề

02-11-2016 12:10 | Pháp luật

SKĐS - Trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) do nổ lò hơi tại một số cơ sở sản xuất, chế biến công nghiệp.

Trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) do nổ lò hơi tại một số cơ sở sản xuất, chế biến công nghiệp. Hầu hết, những vụ nổ lò hơi đều gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí chết người. Công tác quản lý vận hành các lò hơi thực sự đang có vấn đề,...

Hậu quả nặng nề từ những vụ nổ lò hơi

Mới đây nhất, vào khoảng 10h ngày 30/10, tại cơ sở chế biến thủy sản của gia đình anh Tạ Duy Anh (SN 1970, ở xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã xảy ra nổ lò hơi làm 4 người chết và 11 người bị thương. Mặc dù đây chỉ là lò hơi tư nhân, có quy mô và khối lượng chưa lớn như các khu công nghiệp (KCN), song sức công phá của vụ nổ khiến sập hoàn toàn nhà xưởng có diện tích gần 200m2, gây chấn động, ảnh hưởng tới nhiều ngôi nhà lân cận. Ngoài ra, sức nóng của những mảnh thép vỡ từ lò hơi bắn ra, cũng có thể gây hỏa hoạn cho môi trường xung quanh, nếu vật đó rơi trúng. Trước đó không lâu, vào ngày 23/8, một vụ nổ lò hơi nhà máy gạch cũng đã gây ra hậu quả nặng nề. Theo ông Lê Xuân Đạt - Giám đốc Nhà máy Granite Trung Đô (đóng tại đường Đặng Thai Mai - KCN Bắc Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết, sự việc xảy ra vào khoảng 1h45’ rạng sáng 23/8, khi các công nhân đang làm việc thì 1 trong 4 lò hơi (than hóa khí) của nhà máy bất ngờ phát nổ. Vụ nổ lớn khiến hai công nhân là anh Lê Văn Lĩnh (36 tuổi) trú tại phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò và anh Nguyễn Văn Tùng (29 tuổi) trú tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, bị bỏng nặng. Ngay sau khi sự việc xảy ra, mọi người đã đưa anh Lĩnh và anh Tùng đến bệnh viện cấp cứu. Sau khi sơ cứu, do vết thương nặng hai nạn nhân này được chuyển ra bệnh viện tuyến Trung ương nhưng đã không qua khỏi và tử vong vào chiều cùng ngày. Vào cuối tháng 3/2016, một vụ nổ lò hơi khác xảy ra tại Công ty TNHH ShiJar Việt Nam, có địa chỉ tại KCN Bình Dương, đã làm 2 công nhân chết tại chỗ. Nhiều mảnh vụn và các thanh sắt bay xa hàng trăm mét, gây cháy trên diện rộng.

Hiện trường tan hoang vụ nổ lò hơi tại Thái Bình khiến 4 người tử vong.

Nguyên nhân nổ lò hơi hầu hết do vận hành sai quy trình, quy định

Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, hầu hết nguyên nhân của các vụ tai nạn nghiêm trọng nói trên đều liên quan đến việc vận hành sai quy trình, quy định, không đúng kỹ thuật. Theo Đại tá Nguyễn Hải Triều, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy, thuộc Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội, trong điều kiện sản xuất hiện nay, nhất là trong các ngành công nghiệp thực phẩm, chế biến thức ăn, thủy sản, giấy, dệt nhuộm, thuốc lá, giải khát... lò hơi chiếm một vai trò rất quan trọng của nhà máy sản xuất. Do đó hầu hết các KCN đều sử dụng. Từ những vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại các tỉnh trong thời gian vừa qua, nhằm hạn chế các vụ cháy nổ lò hơi, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các phòng khu vực tăng cường các biện pháp kiểm tra, siết chặt công tác phòng chống cháy, nổ (PCCN) tại các KCN và đặc biệt thường xuyên kiểm tra hạn định tại các thiết bị máy móc như lò hơi trong các KCN, xí nghiệp, nhà máy...

Thống kê từ một cuộc thanh tra chuyên ngành về an toàn lao động của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội tiến hành kiểm tra cho thấy, nhiều đơn vị sử dụng nồi hơi vẫn tỏ ra khá chủ quan trong việc vận hành, sử dụng thiết bị này trong quá trình sản xuất kinh doanh của đơn vị mình. Cụ thể, tại một số nhà máy chế biến thực phẩm, khu vực rào chắn bảo vệ quanh vị trí đặt lò hơi không bảo đảm yếu tố thoáng hay khả năng thoát hiểm cho công nhân vận hành nếu xảy ra tai nạn; các biển bảng cảnh báo nguy cơ mất an toàn hay quy trình vận hành lò hơi chưa được treo ở nơi dễ thấy, dễ đọc; công nhân vận hành lò hơi còn chưa nắm chắc kiến thức xử lý khi xảy ra sự cố. Ngoài ra, theo các chuyên gia an toàn lao động, nhiều doanh nghiệp trong quá trình lắp đặt trang thiết bị này còn thường tự ý lắp đặt hay thêm thắt hoặc bỏ bớt một số chi tiết khiến thiết bị hoạt động không đảm bảo an toàn theo đúng chỉ tiêu mà nhà sản xuất khuyến cáo. Đồng thời, quy trình kiểm định định kỳ thiết bị cũng như khai báo định kỳ đến cơ quan chức năng theo quy định của Nhà nước cũng bị nhiều chủ sử dụng lao động bỏ qua. Điều này càng làm gia tăng nguy cơ mất an toàn lao động cao.

Theo ông Vũ Sinh, kỹ sư điều áp lò hơi thuộc Nhà máy Chế biến thức ăn gia súc tại KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, việc kiểm tra thường xuyên sẽ giúp phát hiện kịp thời sự ăn mòn, hư hỏng các thiết bị. Đối với lò hơi, những nguyên nhân gây nổ thường do các vấn đề như xử lý nước không đảm bảo, khởi động sai, nổ do nhiên liệu, tình trạng cạn nước, va đập gây hỏng hóc ống, nước cấp bẩn, đốt nóng dữ dội, phương pháp xả không thích hợp, tạo chân không bên trong lò hơi, việc bảo quản không đúng, nổ nhiên liệu, tác động của ngọn lửa... Để hạn chế tai nạn nổ nồi hơi xảy ra, ngoài việc tuân thủ bảo trì, bảo dưỡng thì đòi hỏi người vận hành phải thực sự có kỹ thuật, hiểu biết và nắm bắt kỹ về hoạt động nồi hơi của nơi làm việc.


T. Vinh - A. Nguyệt
Ý kiến của bạn