Quá trình xơ hóa gan là tình trạng trong gan bắt đầu hình thành các mô xơ, các mô xơ này ban đầu nhỏ rồi lớn dần và lan tỏa khắp thể tích gan. Khi các mô xơ xâm chiếm từ 50% lá gan trở lên thì được gọi là xơ gan. Quá trình xơ hóa gan có thể diễn ra từ vài năm cho đến vài chục năm. Vì vậy, việc chăm sóc và quản lý tình trạng xơ hóa gan của người bệnh có ý nghĩa rất quan trọng, giúp làm giảm tốc độ diễn tiến bệnh, tránh những biến chứng vô cùng nguy hiểm của xơ gan và tạo điều kiện để người bệnh “chung sống” lâu dài với bệnh.
Xơ gan là hậu quả cuối cùng của những bệnh lý về gan mà người bệnh mắc phải trước đó. Tại Việt Nam, nguyên nhân phổ biến nhất gây xơ gan là do viêm gan siêu vi B và viêm gan siêu vi C. Thường xuyên sử dụng rượu bia và tình trạng gan nhiễm mỡ là những nguyên nhân đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân ít gặp khác có thể dẫn đến xơ gan, đó là bệnh gan tự miễn, tình trạng ứ đọng sắt, đồng trong gan hoặc do tắc mật lâu ngày…
Bệnh xơ gan ở giai đoạn đầu (hay được gọi là xơ gan còn bù) thường khó phát hiệnvì không có triệu chứng rõ rệt. Trong giai đoạn này, người bệnh chỉ có thể phát hiện khi đi khám sức khỏe và làm các xét nghiệm. Khi bước vào giai đoạn xơ từ 2/3 thể tích gan trở lên, tứcgiai đoạn xơ gan mất bù, những triệu chứng điển hình và nặngnề có khi xuất hiện dồn dập như bụng to, mắt vàng, đốm đỏ trên da, chân sưng, ói ra máu… khiến người bệnh “trở tay” không kịp.
PGS.TS.BS. Bùi Hữu Hoàng cho biết: “Sự nguy hiểm của xơ gan chính là những biến chứng nghiêm trọng của bệnh. Khi gan bị xơ, những chức năng quan trọng của gan đối với cơ thể suy giảm, dẫn đến những biến chứng nặng nề: cổ trướng (báng bụng) do tích tụ nước trong ổ bụng; ói ra máu do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản; nhiễm trùng; hôn mê gan; suy thận và nguy hiểm nhất là ung thư gan. Tuy xơ gan không thể chữa khỏi bằng những biện pháp thông thường nhưng nếu hiểu biết đầy đủ về căn bệnh và chăm sóc đúng cách, người bệnh hoàn toàn có thể làm chậm tốc độ xơ hóa, ngăn ngừa biến chứng, bảo tồn chức năng gan và cải thiện chất lượng cuộc sống trong thời gian khá dài”.
PGS.TS.BS. Bùi Hữu Hoàng chia sẻ thêm: yếu tố quan trọng nhất để quản lý tình trạng xơ gan là xác định chính xác nguyên nhân gây xơ gan và điều trị tốt nguyên nhân đó nhằm chặn đứng hoặc hồi phục một phần quá trình xơ hóa. Cụ thể, nếu người bệnh mắc siêu vi B hoặc siêu vi C thì cần đến các cơ sở y tế uy tín để được điều trị sớm, tránh để tình trạng viêm gan tiến triển sẽ nhanh dẫn đến xơ gan. Nếu người bệnh xơ gan do rượu bia thì cần bỏ hẳn việc sử dụng những thức uống này.Bên cạnh đó, người bệnh xơ gan cần tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh bằng cách không được tự ý sử dụng các loại thảo dược, thực phẩm chức năng được quảng cáo “mát gan, giải độc, bổ gan…” không rõ nguồn gốc.Việc dùng các loại thuốc phòng ngừa biến chứng xơ gan cần có sự tư vấn chuyên môn của thầy thuốc.
Thêm vào đó, chức năng gan suy yếu sẽ làmgiảm sức đề kháng của cơ thể nên người bệnh rất dễ bị nhiễm trùng, nhất là viêm phổi, nhiễm trùng dịch báng… Khi bị nhiễm trùng, tình trạng gan càng suy sụp nhanh hơn. Vì thế, hằng năm người bệnh xơ gan cần chích ngừa cúm và phòng ngừa các bệnh viêm phổi thông thường. Một yếu tố quan trọng không kém nhưng rất nhiều người vẫn xem nhẹ, đó là chế độ dinh dưỡng của người xơ gan. Người bệnh không nên kiêng ăn quá mức, nhất là phải ăn đầy đủ chất đạm thì mới mau tái tạo tế bào và phục hồi dinh dưỡng. PGS.TS.BS. Bùi Hữu Hoàng khuyến cáo người bệnh nên ăn các loại đạm thực vật (ví dụ các loại đậu) vì có chứa nhiều axít amin phân nhánh rất tốt cho gan, đồng thời phải đảm bảo đầy đủ, cân đối về dinh dưỡng trong khẩu phần để tránh tình trạng suy dinh dưỡng, sưng phù, nhiễm trùng, hôn mê gan…
Bụng to trong xơ gan mất bù
Một trường hợp người bệnh xơ gan được quản lý tốt, đó là bác L.G.T. (65 tuổi - ngụ tại TP. HCM). Cách đây 10 năm, bác T. nhập viện cấp cứu tại BV. ĐHYD trong tình trạng hôn mê gan, da sạm đen, men gan cao gấp 30 lần người bình thường. Bác T. cho biết vì quá hoang mang lo lắng khi biết mình mắc bệnh gan nên bác kiêng ăn tất cả chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa. Người bệnh được người quen giới thiệu sử dụng một loại thảo dược khô xin từ các thầy lang miền núi với lời hứa hẹn “giải độc gan, giúp khỏi hẳn viêm gan”. Sau khi uống loại thảo dược này được một tuần, người bệnh đột ngột vào tình trạng hôn mê. Sau khi cấp cứu hôn mê thành công và người bệnh hồi tỉnh, các bác sĩ BV. ĐHYD xác định bác T. mắc viêm gan siêu vi B gây xơ gan. PGS.TS. BS. Bùi Hữu Hoàng đã điều trị viêm gan B và cho người bệnh sử dụng các loại thuốc thải độc gan qua đường tiêu hóa, phòng ngừa vỡ giãn tĩnh mạch thực quản… Bên cạnh đó, bác T. được tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt lành mạnh và thường xuyên tái khám kiểm tra sức khỏe. Sau lần “cận kề cửa tử” đó, bác T. luôn tuân thủ phác đồ điều trị cũng như lời khuyên của bác sĩ. Từ đó đến nay, tình trạng bệnh của bác T. được giữ ổn định và chất lượng cuộc sống của người bệnh được đảm bảo lâu dài.
gan
Tại BV. ĐHYD, có 20% số người đến khám các vấn đề về gan là người bệnh xơ gan. Những năm qua, bệnh viện đã thiết lập chương trình quản lý tốt người bệnh xơ gan, giúp hơn 70% trường hợp xơ gan giữ ổn định ở giai đoạn còn bù. PGS.TS.BS. Bùi Hữu Hoàng có lời nhắn nhủ đến cộng đồng: gan là vốn quý của cơ thể, đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng đối với sức khỏe. Vì vậy, người dân nên phòng ngừa các bệnh lý về gan bằng cách tiêm ngừa các bệnh viêm gan do siêu vi, khám sức khỏe định kỳ để tầm soát sớm các bệnh gan và có một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, hạn chế rượu bia để bảo vệ lá gan của mình. Nếu đã mắc xơ gan, người bệnh nên tuân thủ chỉ định điều trị và chế độ sinh hoạtdo thầy thuốc đề ra. Có như vậy, người bệnh hoàn toàn có thể “chung sống hòa bình” một cách lâu dài với bệnh xơ gan.
T.P ghi