Việc kiểm soát và hạn chế mặt tiêu cực của game online phải được thực hiện chặt chẽ và cụ thể hơn nữa đồng thời không thể chỉ trông chờ vào những quy định chung của Nhà nước mà cần có sự phối hợp chung của toàn xã hội. Mới đây, Bộ Thông tin - Truyền thông vừa đưa ra biện pháp mạnh tay với trò chơi trực tuyến: yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ cắt đường truyền tới đại lý sau 23 giờ là một yêu cầu được nhiều người ủng hộ và đồng tình.
Sắp tới, sau 23 giờ muốn chơi game hay chat thì về nhà. Hơi phiền nhiễu, với người có nhu cầu làm việc hoặc giao tiếp lành mạnh vào lúc đó. Nhưng chưa thể khác được. Quy định giờ giấc là bước quản lý quá độ trước khi có quy hoạch. Nếu có quy hoạch, sẽ có các chỗ để hát, để nhảy, để ăn, để chơi. Ở đó, bảo vệ yêu cầu xuất trình giấy chứng minh nhân dân và thông báo nội quy. Nước Mỹ - thường được coi là thế giới tự do nhưng không có quán game online tràn lan như Việt Nam, mà chỉ có game tại các trung tâm giải trí hay siêu thị. Còn ở nhà, phụ huynh Mỹ phải quản lý con cái trong việc sử dụng Internet. Theo kết quả khảo sát của Bộ GDĐT ở 5 TP lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, tỷ lệ học sinh chơi game online trong ngày thường của học sinh tiểu học tại Hà Nội là 76%; TP. Hồ Chí Minh là 70%. Học sinh THPT tại Hà Nội là 76,6%, TP. Hồ Chí Minh là 88%. Theo một thống kê khác, tính đến ngày 31/5/2010, cả nước có 5 triệu người thường xuyên tham gia chơi game online; có 44 trò chơi được 14 doanh nghiệp phát hành, trong đó 77% mang tính bạo lực (đâm, chém, bắn, giết), 9% mang tính cờ bạc, 14% là các thể loại khác liên quan đến thể thao.
Trong tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với các bộ, ngành liên quan để nghe báo cáo về quản lý trò chơi điện tử, trò chơi trực tuyến, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, việc kiểm soát và hạn chế mặt tiêu cực của game online phải được thực hiện chặt chẽ và cụ thể hơn nữa.