Cần một quy trình phối hợp chặt chẽ
Trước sự việc rúng động trên, nhiều phụ huynh đã không khỏi bàng hoàng và đặt ra hàng loạt câu hỏi: Tại sao người giám sát học sinh, tài xế xuống ôtô, đóng cửa mà không biết còn sót lại một đứa trẻ? Tại sao gần 1 ngày mà cô giáo chủ nhiệm không phát hiện thiếu 1 học sinh trong khi lớp của cháu bé chỉ có 17 em?... Với các câu hỏi tại sao này đã thể hiện sự vô cảm, thiếu trách nhiệm của các nhân viên nhà trường trong việc đưa đón học sinh bằng xe buýt và quản lý học sinh tại trường.
Ông Phạm Ngọc Tuấn - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chia sẻ, qua vụ việc này cho thấy cần phải siết chặt lại quy trình xe đưa đón học sinh của các trường phổ thông trong thành phố. Cũng theo ông Tuấn, hằng năm, Sở đều có văn bản chỉ đạo phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã và đơn vị đào tạo trực thuộc tăng cường công tác bảo đảm an ninh trường học, an toàn giao thông.
Cần siết chặt việc đưa đón học sinh bằng xe buýt. Ảnh: tuoitre.vn
Trước hết, cần phải có một quy trình giao nhận chặt chẽ, trách nhiệm cao nhất thuộc về hiệu trưởng, từ việc phân công, giao nhiệm vụ đến kiểm tra, giám sát, đôn đốc quá trình thực hiện ở từng khâu, bộ phận trong nhà trường. Ngoài ra, để chủ động phòng tránh sự cố đáng tiếc xảy ra với học sinh, trường học cần có kế hoạch tuyên truyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và phối hợp tổ chức giữa tất cả lực lượng như giáo viên, bảo mẫu, nhân viên trong nhà trường.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đối với học sinh ở lứa tuổi tiểu học, trường không nên “khoán” hết trách nhiệm cho đơn vị vận tải mà nên có sự phối hợp tốt giữa giáo viên chủ nhiệm và đội ngũ phục vụ trên xe. Giáo viên chủ nhiệm là những người hàng ngày gần gũi, hiểu được thể trạng, tâm lý của từng học sinh, ngoài việc đảm bảo an toàn về mặt số lượng còn cần sự gần gũi, chia sẻ, hiểu được thói quen của từng em để kịp thời xử lý khi xảy ra tình huống khẩn cấp.
Riêng đối với học sinh các bậc học lớn hơn, song song với việc tăng cường giám sát hoạt động đưa đón, trường học cần thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, trang bị cho học sinh kiến thức và kỹ năng ứng xử khi gặp tình huống xấu.
Lỗ hổng quản lý, khi nào bịt?
Tại Hà Nội có hàng trăm trường học phổ thông cấp 1 và 2, trong đó có nhiều trường, đặc biệt là các trường dân lập chất lượng cao thường có dịch vụ xe ôtô đưa đón học sinh. Trẻ đi học bằng xe buýt do trường tổ chức là cách vận chuyển tiên tiến mang lại thuận tiện cho cả phụ huynh và học sinh được nhiều nước trên thế giới và Việt Nam áp dụng. Tuy nhiên, sự việc đau lòng vừa qua ở Trường Gateway dù là hiếm gặp nếu không muốn nói là lần đầu tiên xảy ra ở nước ta nhưng cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về quy trình cũng như cách thức vận hành xe buýt đưa đón học sinh hiện nay.
Tại buổi họp báo trưa ngày 7/8 tại UBND quận Cầu Giấy, ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cho biết: Đối với loại xe vận chuyển học sinh, Sở GD-ĐT chưa có quy định chi tiết về quy trình đưa đón với từng đối tượng học sinh khác nhau, nhất là lứa tuổi mầm non và tiểu học. Phòng GD-ĐT có văn bản yêu cầu các trường rà soát các loại xe vận chuyển, trong đó yêu cầu xe đảm bảo lưu hành cần có cơ quan kiểm định, cơ quan chuyên môn. Đồng thời, ông Anh cũng cho biết: quận Cầu Giấy chỉ có quy định chung, còn mỗi trường sẽ có cách thức riêng, nhưng phải đảm bảo là khi đưa đón học sinh phải có người giám sát và khi giao nhận học sinh phải có điểm danh. Sở đã nhấn mạnh quy trình đưa đón phải có sự giám sát chặt chẽ giữa giáo viên chủ nhiệm cũng như học sinh phụ huynh.
Xe đưa đón học sinh của trường Gateway sáng 7/8.
Trường Gateway có cách quản lý riêng và mới đưa vào sử dụng phần mềm phục vụ công tác quản lý. Có lẽ trường đã bỏ sót cháu bé trong quá trình mới vận hành phần mềm. “Đây là vụ việc đau lòng, có nguyên nhân từ người lớn dẫn đến tai nạn cho cháu bé”, ông Phạm Ngọc Anh nói.
Có thể thấy, việc thực hiện công tác đưa đón học sinh đang có lỗ hổng về quản lý. Khi vụ việc đáng tiếc xảy ra, rất khó quy trách nhiệm. Thực tế không có quy định nào nêu rõ trách nhiệm của lái xe đối với việc phải kiểm điếm từng trẻ của trường... Đây là một trong những nguyên nhân xảy ra những sự việc đau lòng, sự vô trách nhiệm của những người lớn đã vô tình làm hại đến trẻ nhỏ. Chính bởi vậy, ngay khi sự việc đau lòng trên xảy ra, nhiều trường khối ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội đã nhanh chóng rà soát và siết lại quy trình vận hành xe buýt đưa đón học sinh của đơn vị mình.