Quản lý tranh nude nghệ thuật:

09-04-2013 10:41 | Văn hóa – Giải trí
google news

Có thể nói dòng tranh nude (nuy) nghệ thuật đã được cả thế giới đón nhận, ngay cả ở Việt Nam và một số nước châu Á luôn đề cao yếu tố thuần phong mỹ tục thì tranh nuy nghệ thuật vẫn có cơ hội phát triển nếu đó là những tác phẩm của những nghệ sĩ tên tuổi, còn những tác phẩm nuy hiện đại ngày nay vướng phải quá nhiều rào cản, trước hết là những định kiến của người xem...

Có thể nói dòng tranh nude (nuy) nghệ thuật đã được cả thế giới đón nhận, ngay cả ở Việt Nam và một số nước châu Á luôn đề cao yếu tố thuần phong mỹ tục thì tranh nuy nghệ thuật vẫn có cơ hội phát triển nếu đó là những tác phẩm của những nghệ sĩ tên tuổi, còn những tác phẩm nuy hiện đại ngày nay vướng phải quá nhiều rào cản, trước hết là những định kiến của người xem...

Ở bất kỳ lĩnh vực nghệ thuật nào, yếu tố “tự do trong khuôn khổ” luôn được coi trọng. Trong phim ảnh, nếu tác phẩm nào đó khai thác chủ đề quá trần tục thì ngay lập tức sẽ bị xử lý ở nhiều mức độ, nhẹ thì “tuýt còi” cảnh báo, nặng thì cắt xén, biên tập, khủng khiếp nhất là “xóa sổ”. Cũng là một nhánh nghệ thuật nhưng so với phim ảnh, đời sống sáng tác hội họa có vẻ phóng khoáng và bay bổng hơn, tuy vậy, nó cũng không nằm ngoài quy luật “tự do trong khuôn khổ”, chỉ có điều, một khi đã “dính” vào chủ đề nhạy cảm thì không có hình thức nương tay như phim ảnh, hội họa mà sẽ bị xử lý với mức độ nặng nhất có thể: cấm cửa. Tranh nuy nghệ thuật chính là “nạn nhân” thường xuyên của những hình thức cấm chưa thực sự thuyết phục.

Người ta không thể biên tập hay cắt xén một bức tranh đã hoàn thiện, nhất là khi đó lại là bức tranh nuy. Thế nên “cấm cửa” đối với những tác phẩm hội họa “có vấn đề” là hình phạt duy nhất. Quản lý nghiêm, chặt là việc mà các nhà chức trách nên làm đối với lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật. Nhưng đối với dòng tranh nuy nói riêng – một lĩnh vực trừu tượng thì những tranh cãi cũng sẽ diễn biến vô cùng phức tạp. Người ta khó mà phân định yếu tố nghệ thuật và dung tục bởi ranh giới gần như vô hình của nó chính là sự cảm nhận của mỗi cá nhân. Mà đã là cảm nhận thì khó mà nói ai cảm nhận đúng, ai cảm nhận sai... Thế nên, những cuộc triển lãm hội họa gần đây khi mà tranh khỏa thân bị “cấm cửa” đã gây nên nhiều bức xúc với người trong giới. Vấn đề ở chỗ, khi đã bị “cấm cửa” rồi thì những tác phẩm hội họa “có vấn đề” sẽ “cư ngụ” ở đâu.

Quản lý tranh nude nghệ thuật:  1
 Tranh nude nghệ thuật đã được nhiều người đón nhận hơn trước.

Nuy nghệ thuật được công nhận

Cách đây hơn 100 năm, khi họa sĩ Cézanne tổ chức phòng tranh mùa thu tại Paris, trong đó có bức tranh khỏa thân Thiếu nữ đang tắm gây sự chú ý đặc biệt đối với giới nghệ sĩ và công chúng cũng là lúc chính thức mở ra một xu hướng mới trong nghệ thuật vẽ tranh khỏa thân hiện đại. Cùng với ông, họa sĩ thiên tài Picasso với bức Những cô gái vùng Avignon đã thực sự gây chấn động giới mỹ thuật. Từ đó, giới nghệ thuật đã lấy mốc năm 1907 làm năm khởi đầu của nghệ thuật nuy. Tuy nhiên, trước đó, nghệ thuật nuy đã có từ rất lâu. Thời Hy Lạp cổ đại với những bức tượng Venus, Apollo... đã chứng thực một thời kỳ vàng son của mỹ thuật thế giới.

Các nghệ sĩ cho rằng, chỉ có tạo hình nuy mới đi đến con đường nghệ thuật vĩnh cửu. Nhiều tác phẩm ra đời ở giai đoạn này như: Phòng trang điểm của thần Venus của Boucher vẽ năm 1751, Khỏa thân nghiêng của Renoir, Maja khỏa thân của Goya, Những bộ ngực với những đóa hoa màu đỏ của Gauguin, Người cung phi lãng mạn của Carot... đã đưa giới thưởng ngoạn vào một thế giới kỳ ảo lung linh mà các nghệ sĩ đã thổi hồn vào từng đường nét, màu sắc của hình thể người phụ nữ.

Ở Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh và Bùi Xuân Phái cũng được xem là những người đi tiên phong trong lĩnh vực này. Nguyễn Phan Chánh có bức lụa Trăng tỏ rất nổi tiếng. Miền Nam trước đây thì có họa sĩ Văn Đen, họa sĩ Rừng... Vài thập niên gần đây thì có họa sĩ Thành Chương, Đỗ Quang Em, Nguyễn Quân, cố họa sĩ Bửu Chỉ... cũng rất thành công trong nghệ thuật vẽ tranh nuy.

Có thể nói, dòng tranh nuy nghệ thuật đã được cả thế giới đón nhận, ngay cả ở Việt Nam và một số nước châu Á luôn đề cao yếu tố thuần phong mỹ tục thì tranh nuy nghệ thuật vẫn có cửa để phát triển nếu đó là những tác phẩm lớn của những nghệ sĩ lớn, còn những tác phẩm nuy hiện đại ngày nay vướng phải nhiều rào cản, trước hết là những định kiến của người xem. Thực tế là cứ nhắc đến nuy thì gần như mặc định, người ta sẽ liên tưởng ngay đến những yếu tố dung tục. Trong khi đó, nghệ thuật không phải là điều có thể nhìn thấy dễ dàng bằng mắt, mà phải “cảm” được nó.

Sự “cấm cửa” và những khe hở

Cũng chỉ vì mâu thuẫn ở độ “cảm” mà nhiều cuộc triển lãm tranh nuy không đến được với công chúng. Nếu thực sự tranh nuy không mang yếu tố dung tục thì hầu hết người trong cuộc đều cho rằng sự “cấm cửa” đối với dòng tranh này là không thỏa đáng và chưa thuyết phục. Hơn nữa, đây là một ngành nghệ thuật chính thống trên thế giới, cho nên cấm tranh nuy là việc làm “khác người”.

Có thể những người cấp phép không phải người trong giới nghệ sĩ, hiểu chưa đủ về tranh nuy, họ chỉ có thể đưa ra lý do chung là vì “không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Thậm chí, nhiều trường hợp nghệ sĩ bị cấm, ngưng triển lãm có liên quan đến tranh khỏa thân ở “phút thứ 89” mà vẫn băn khoăn không hiểu lý do tại sao, gây nên sự tổn thất nặng nề về tinh thần và sự đầu tư của người nghệ sĩ. Cay nghiệt hơn, họ còn truyền tai nhau câu cửa miệng: “Nếu đã là tranh khỏa thân thì thôi đừng đưa lên nữa, không được duyệt đâu”. Bị “kì thị” một cách vô cớ nên tranh nuy phải tìm nhiều cách để tiếp cận với công chúng. Nhiều họa sĩ, vì không được cấp phép triển lãm mà “mê” quá, tiếc quá nên “lách” bằng cách nhờ trưng bày tại... quán cà phê.

Không phạm luật nhưng vẫn bị cấm, đây là câu hỏi “tại sao” nên đặt ra cho các nhà quản lý vì thực tế đã chứng minh, nếu “cấm cửa” tranh, ảnh nuy nghệ thuật để công chúng thưởng lãm thì cái hại chính là: người xem sẽ tìm đến với tranh, ảnh nude “ngoài luồng” trên internet để tìm hiểu. Nếu điều này xảy ra thì hậu quả của nó còn khủng khiếp hơn gấp ngàn lần việc “mở cửa” với tranh nuy tại các cuộc triển lãm nghệ thuật.

Có thể thấy yếu tố dung tục thường được các nhà quản lý đưa ra để “cấm cửa” các cuộc triển lãm có tranh nuy. Trong khi đó, các nghệ sĩ, những người đứng đầu trong nghệ thuật hội họa, mỹ thuật vẫn luôn lên tiếng cho rằng những bức tranh bị cấm đa phần đều đẹp ở tính nghệ thuật, nửa ẩn nửa hiện và rất thẩm mỹ chứ không dung tục. Suy cho cùng, điều cần thiết không phải là cấm, mà là cho phép có chọn lọc để định hướng công chúng đến với giá trị thẩm mỹ. Tiếc rằng, một khi cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành văn bản quy định cụ thể thế nào là “thuần phong mỹ tục” thì tranh nuy nghệ thuật sẽ tiếp tục bị đánh đồng với sự dung tục và còn bị “cấm cửa”... vô thời hạn. 

Hưng Vũ


Ý kiến của bạn