Quản lý trang thiết bị y tế: Một ngành đặc thù

10-03-2009 10:41 | Thời sự
google news

Trang thiết bị y tế (TTBYT) là một loại hàng hóa đặc biệt, chủng loại đa dạng, luôn được cập nhật ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới, thế hệ công nghệ luôn thay đổi.

Trang thiết bị y tế (TTBYT) là một loại hàng hóa đặc biệt, chủng loại đa dạng, luôn được cập nhật ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới, thế hệ công nghệ luôn thay đổi. Quản lý TTBYT là một ngành đặc thù, cần được sự quan tâm đầu tư đúng mức về chính sách, nhân lực, kinh phí.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua hệ thống y tế trong cả nước đã được đầu tư nâng cấp, trong đó TTBYT chiếm tỷ trọng đáng kể cả về số lượng và trị giá bằng nhiều nguồn vốn: ngân sách Nhà nước, các dự án ODA, viện trợ song phương và đa phương... Mặc dù vậy, công tác quản lý TTBYT tại các cơ sở y tế nói riêng và trong toàn ngành nói chung cần phải được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt để góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, phát huy hiệu quả đầu tư trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Gian hàng triển lãm thiết bị y tế tại Hà Nội năm 2008. Ảnh: TM
 
Vai trò, trách nhiệm của Phòng Vật tư - TBYT và Hội đồng tư vấn kỹ thuật các cấp

Phòng Vật tư - TBYT tại các bệnh viện, sở y tế hoặc bộ phận chuyên trách theo dõi về TTBYT tại những nơi chưa có điều kiện thành lập phòng có vai trò rất quan trọng trong công tác tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo đơn vị về công tác đầu tư, quy trình mua sắm, quản lý khai thác sử dụng có hiệu quả vật tư, TTBYT trong đơn vị mình.

Với xu hướng tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị, việc phân cấp, ủy quyền từng bước trong quy trình mua sắm, đấu thầu là một tất yếu và yêu cầu này đòi hỏi Phòng Vật tư - TBYT ngoài việc phải vững về chuyên môn kỹ thuật, cấu hình, tính năng kỹ thuật các trang thiết bị còn phải nắm chắc các quy định, quy trình, thủ tục về đấu thầu mua sắm để đủ sức tham mưu giúp việc cho lãnh đạo bệnh viện. Tuy nhiên, để Phòng Vật tư - TBYT phát huy tốt được chức năng, nhiệm vụ của mình cũng cần có sự quan tâm, đầu tư thích đáng của cấp chính quyền về con người, phương tiện và cơ sở làm việc và quan trọng nhất là cơ chế phối hợp, sử dụng nguồn lực và làm việc với các phòng, ban chức năng và Ban giám đốc bệnh viện.

Công tác xây dựng tiêu chuẩn và thực hiện kiểm chuẩn, kiểm định TTBYT

Trong nhiều năm qua, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm tiêu chuẩn chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn ngành (TCN) và tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) trong lĩnh vực trang thiết bị y tế.

Những loại trang thiết bị có cấp số đăng ký, có tiêu chuẩn đã được sản xuất, cung ứng và sử dụng trong ngành y tế ; các cơ sở sản xuất trang thiết bị y tế đều có tiêu chuẩn cơ sở cho từng loại sản phẩm, kể cả sản phẩm thiết bị bệnh viện.

Tính đến nay đã có hơn 35 TCN và 135 TCVN đã được xây dựng và ban hành đáp ứng yêu cầu trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các tiêu chuẩn này đã được phổ biến áp dụng kịp thời cho các đối tượng có liên quan nhằm tạo được sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý, các nhà sản xuất và người sử dụng trong phạm vi toàn quốc.

Công tác kiểm tra, kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị y tế cũng đã được triển khai tại nhiều cơ sở y tế do Viện Trang thiết bị và Công trình y tế (TTB & CTYT) thực hiện dưới sự ủy quyền của cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, công tác kiểm định và hiệu chuẩn TTBYT vẫn còn nhiều khó khăn do chưa được đầu tư đúng mức cả về đội ngũ con người và thiết bị. Phòng kiểm chuẩn thuộc Viện TTB & CTYT không thể đáp ứng yêu cầu của cả nước, nhất là trong điều kiện tỷ trọng TTBYT được đầu tư ngày một tăng, nguồn nhập khẩu TTBYT đến từ nhiều nước. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã có chỉ đạo củng cố và phát triển thêm các cơ sở tại miền Nam và miền Trung để đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng thiết bị y tế.

Nguồn nhân lực chuyên ngành TTBYT

Trong những năm qua, Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với Trường đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo đội ngũ kỹ sư điện tử y sinh, chỉ đạo đưa các nội dung cơ bản về quản lý, kỹ thuật công nghệ, kỹ năng sử dụng TTBYT vào chương trình đào tạo, mở rộng và nâng cao quy mô và chất lượng đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật... Căn cứ nhu cầu và quy hoạch phát triển, Bộ Y tế đã cho phép đầu tư nâng cấp, phát triển Trường cao đẳng nghề kỹ thuật TBYT tại cơ sở mới ở Hà Nội.

Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ cán bộ được đào tạo còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế về TTBYT tại các đơn vị, mặt khác các bệnh viện, cơ sở y tế lại không có chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng các học sinh giỏi cho chức danh này. Theo một số liệu thống kê chưa đầy đủ cuối năm 2007 về nhân lực TTBYT tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, bệnh viện huyện, tỷ lệ cán bộ kỹ thuật đảm nhiệm, phụ trách công tác TTBYT rất thấp: chỉ có 6% là kỹ sư; 35% là kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật; còn lại 59% là các cán bộ khác (kiêm nhiệm bao gồm: bác sĩ, dược sĩ, y sĩ...). Nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn nhân lực chuyên ngành, trong kế hoạch của mình, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị chuyên đề để bàn về công tác đào tạo và đưa ra các giải pháp phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành TTBYT.

Hợp tác quốc tế, công tác hội nhập về lĩnh vực TTBYT

Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức WTO và ngày càng hội nhập sâu vào khu vực và thế giới; lĩnh vực TTBYT Việt Nam cũng đang đứng trước các cơ hội và thách thức mới. Trước yêu cầu công tác và được phép của lãnh đạo Bộ Y tế, từ 2005 lĩnh vực TTBYT cũng đã chủ động tham gia hội nhập, đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực được phân công và hiện là thành viên của tổ chức Nhóm công tác ASEAN về các sản phẩm TTBYT thuộc Ủy ban tư vấn ASEAN về tiêu chuẩn và chất lượng (ACCSQ/MDPWG); thành viên quan sát của Tổ chức hài hòa các thủ tục trong ASEAN (AHWP).

Để TTBYT xứng đáng là một trong ba yếu tố quan trọng: Thuốc - Thầy thuốc - TTBYT, hỗ trợ tích cực cho người thầy thuốc trong công tác phòng bệnh và khám chữa bệnh, các nội dung trọng tâm trên cần phải được quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ với các nội dung, giải pháp của Chính sách quốc gia về TTBYT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần bảo đảm chất lượng và phát huy hiệu quả đầu tư TTBYT tại các cơ sở y tế trên cả nước.

6 năm triển khai thực hiện chính sách quốc gia về TTBYT và đề án nghiên cứu chế tạo và sản xuất TTBYT

"Chính sách quốc gia về trang thiết bị y tế giai đoạn 2002 - 2010" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 130/2002/QĐ-TTg ngày 4/10/2002; Chính sách quốc gia bao gồm 7 giải pháp chính trong đó "Phát triển công nghiệp trang thiết bị y tế" được xem là một trong những giải pháp quan trọng của Chính sách quốc gia về TTBYT giai đoạn 2002 - 2010.

Tại hội nghị "Nghiên cứu chế tạo và sản xuất TTBYT" tháng 6/2003, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế chủ trì phối hợp các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan xây dựng đề án "Nghiên cứu chế tạo và sản xuất TTBYT đến năm 2010".

Ngày 21/1/2005, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 18/2005/QĐ-TTg về Đề án "Nghiên cứu chế tạo và sản xuất TTBYT đến năm 2010". Đến nay đề án đã được Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện được hơn 3 năm.

Trong 2 ngày 10 và 11/3/2009, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị: "Đánh giá kết quả 6 năm triển khai thực hiện Chính sách quốc gia và 3 năm triển khai Đề án nghiên cứu chế tạo và sản xuất trang thiết bị y tế". Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tham dự và chỉ đạo hội nghị.

Hội nghị sẽ tập trung vào 3 chuyên đề được trình bày và trao đổi đánh giá kết quả triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực trang thiết bị y tế, quản lý, nghiên cứu và đào tạo lĩnh vực trang thiết bị y tế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phổ biến kỹ thuật y tế mới.

Ngoài ra còn có các gian hàng triển lãm trưng bày các sản phẩm TTBYT là thành tựu bước đầu trong nghiên cứu chế tạo và sản xuất của các cơ sở khoa học công nghệ, trung tâm nghiên cứu chế tạo, sản xuất và kinh doanh trong và ngoài ngành. PV


Ý kiến của bạn