GS.TS Bùi Đức Phú, Giám đốc Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City (Hà Nội) cho biết, sau hơn một năm triển khai thực hiện bộ quy trình quản lý suy tim và can thiệp mạch vành được xây dựng, chuẩn hóa và cập nhật theo các tiêu chuẩn của American College of Cardiology (ACC), 2 Trung tâm Tim mạch thuộc Vinmec Times City (Hà Nội) và Vinmec Central Park (TP. HCM) vừa được nhận chứng nhận ACC chuẩn Mỹ về quản lý bệnh lý suy tim và can thiệp mạch vành, với kết quả áp dụng mang lại những lợi ích vượt trội cho người bệnh.
Chứng nhận ACC là tiêu chuẩn hàng đầu về quản lý và điều trị các bệnh lý tim mạch, được công nhận trên khắp thế giới. Chứng chỉ này có hiệu lực 3 năm và sẽ được tái thẩm định để đảm bảo sự tuân thủ và liên tục cải thiện chất lượng điều trị.
GS.TS Bùi Đức Phú dẫn chứng, khi áp tiêu chuẩn ACC trong quản lý suy tim và can thiệp mạch vành, thời gian nằm viện, biến chứng của căn bệnh này đều giảm xuống.
Cụ thể, với bệnh suy tim, trước khi bệnh nhân thường phải nằm điều trị 5-8 ngày, hiện còn 4 ngày, giảm gần nửa thời gian điều trị. Biến chứng bệnh từ 35% xuống còn 14%. Tương tự với can thiệp vành, trước thời gian người bệnh nằm viện 5 ngày, giờ còn 2 ngày.
Các tỉ lệ biến chứng can thiệp phải tái nhập viện từ 18% xuống 0%. Việc giảm thời gian nằm viện, giảm thời gian tái nhập viện nhờ giảm biến chứng, không chỉ giúp chi phí người bệnh giảm mà còn mang lại chất lượng sống tốt hơn cho người bệnh.
Ngoài ra, GS.TS Bùi Đức Phú cũng phân tích thêm, với tiêu chuẩn ACC sẽ giúp bác sĩ đưa ra chỉ định chuẩn xác hơn cho người bệnh. Ví như trong can thiệp vành, có những bệnh nhân 80 tuổi, đã mắc bệnh 30 năm, khi chụp vành, có độ hẹp 80%, về nguyên tắc tất cả hẹp 80% trở lên đều can thiệp. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn ACC, dù có hẹp 80% thì phải đánh giá tái thông mới quyết định can thiệp hay không. Theo đó, phải đánh lợi ích sau can thiệp mạch vành mang lại chất lượng của quả tim, chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, không phải ai hẹp cũng nong.
"Đơn cử có trường hợp hẹp mãn tính, cơ thể thích nghi, các mạch vành nối kết với nhau thì giờ có nong cũng không thay đổi. Có trường hợp hẹp gây nên thiếu máu cơ tim, hoại tử cơ tim, dù có nong cũng không thể nào nuôi sống trở lại"- GS.TS Bùi Đức Phú nói.
Cũng theo GS.TS Bùi Đức Phú: Hoạt động quản lý suy tim tại Vinmec được xây dựng theo một quy trình toàn diện liên tục từ khi bệnh nhân khám ngoại trú hoặc cấp cứu, nằm viện nội trú và theo dõi sau ra viện. Với cách tiếp cận đa mô thức theo khuyến cáo mới nhất của ACC, quá trình quản lý người bệnh được tiến hành với theo các quy định rất cụ thể và khắt khe về năng lực chuyên môn, cách thức và thời gian xử trí, số lần đánh giá, tái khám… nhằm giảm thiểu chậm trễ và sai sót, đảm bảo chất lượng thăm khám cho người bệnh tối ưu nhất.
"Kết quả sau 6 tháng áp dụng chương trình quản lý theo tiêu chuẩn ACC của Bệnh viện Vinmec đã đem lại sự thay đổi rất tích cực cho người bệnh suy tim. Các chỉ số cần thiết "sống còn" đối với suy tim đã đạt "2 giảm - 1 tăng" gồm: Giảm tỉ lệ tái nhập viện do suy tim từ 18% xuống chỉ còn xấp xỉ 0%, giảm thời gian nằm viện trung bình giảm từ 8 ngày xuống còn 4 ngày, đồng thời tăng chất lượng cuộc sống người bệnh"- GS.TS Bùi Đức Phú thông tin.
Việc áp dụng mô hình chuẩn quốc tế trong quản lý bệnh suy tim sẽ giúp cho người bệnh tim mạch thực sự cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng tuổi thọ, tăng khả năng hồi phục và tối ưu chi phí cho người bệnh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Không chỉ tập trung mang lại hiệu quả điều trị, để đạt chứng chỉ ACC, Vinmec còn liên tục triển khai các hoạt động sàng lọc cộng đồng giúp phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ biến chứng của bệnh. Người bệnh cũng được khuyến khích tư vấn với các chuyên gia phục hồi chức năng và dinh dưỡng - hai vấn đề rất quan trọng quyết định sự thành công trong điều trị suy tim và can thiệp mạch vành.
Được biết, Vinmec là hệ thống y tế đầu tiên có hai bệnh viện đạt tiêu chuẩn về suy tim tại Châu Á và về can thiệp mạch vành tại Đông Nam Á. Hiện nay chỉ có 60 bệnh viện trên toàn thế giới được cấp chứng chỉ ACC trong quản lý bệnh suy tim và khoảng 200 bệnh viện đối với can thiệp mạch vành, tập trung chủ yếu trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
Trong tương lai, Vinmec sẽ mở rộng chuẩn ACC ra các chuyên ngành khác như với bệnh van tim, chương trình rối loạn nhịp, điện sinh lý tim.