Trong những ngày đầu xuân này, chúng ta đang bước vào mùa lễ hội lớn nhất trong năm. Trong những ngày đầu tiên của mùa lễ hội xuân Bính Thân năm nay, không khí khai hội tại một số lễ hội lớn như lễ hội chùa Hương, lễ hội Bái Ðính, hội Gióng… với những biểu hiện lộn xộn, tiêu cực, biến tướng, lệch lạc đã giảm hẳn. Thế nhưng, để duy trì điều này suốt mùa lễ hội kéo dài trong 3 tháng đầu năm thì còn cần nhiều việc phải làm.
Ngày 13/2 (mùng 6 tháng Giêng), hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) đã chính thức diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn du khách khắp nơi đổ về. Đây là một trong những hoạt động thường niên của người dân huyện Sóc Sơn để tưởng nhớ đến Thánh Gióng - người có công đánh bại giặc Ân, mang lại nền hòa bình cho dân tộc.
Cảnh sát nhắc nhở lái đò không vòi tiền khách đi lễ chùa Hương. Ảnh: Việt Đức.
Điểm nhấn chính của lễ hội là nghi thức rước hoa tre - tượng trưng cho cây gậy tre của Thánh Gióng đánh giặc Ân khi xưa. Theo ghi nhận, đây cũng là năm hiếm hoi hai lễ phẩm là lộc hoa tre và trầu cau được rước nguyên vẹn đến đền Hạ và đền Mẫu. Khi hai đoàn rước hoa tre và trầu cau trình lễ xong, các bậc cao niên hô “tán lộc”, người dân mới xông vào cướp lộc. Tình trạng chen lấn, xô đẩy để cướp lộc vẫn diễn ra nhưng không có cảnh bạo lực, xô xát giữa những người hành lễ và du khách. Thượng tá Nguyễn Hữu Đức - Phó Trưởng CA huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết, lễ hội là an toàn, chưa xảy ra các vụ đâm đánh nhau gây thương tích hoặc gây rối.
Biển người chen lấn nhau tại Lễ hội cướp phết.
Còn tại Phú Thọ, tranh giành, ẩu đả, đánh nhau hỗn loạn đã xảy ra tại hội cướp phết Hiền Quan, Phú Thọ chiều ngày 20/2 tức ngày 13 tháng Giêng. Hội cướp phết ở Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) được bắt đầu bằng màn tế lễ của các cụ cao niên trong làng. Đây là lễ hội được tổ chức để tôn vinh và tưởng nhớ công lao của nữ tướng Thiều Hoa công chúa - Đức Thánh Mẫu Đại Vương, người giúp Hai Bà Trưng đánh giặc cứu nước. Cướp phết bắt nguồn từ một trò chơi dân gian nhằm rèn luyện sức khỏe cho binh sĩ xưa. Quả phết và quả chúi (nhỏ hơn) được làm từ gốc tre sơn son thếp vàng. Mỗi hội phết thường ném ra 3 quả phết và 3 quả chúi. Với quan niệm cho rằng, cá nhân hay thôn xóm nào cướp được phết thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn nên ai cũng mong muốn cướp được quả phết. Dù mang ý nghĩa tâm linh tốt đẹp như vậy nhưng hỗn loạn, bạo lực... vẫn còn tồn tại trong các lễ hội.
Còn tại lễ hội chùa Hương ở huyện Mỹ Đức - Hà Nội, để chuẩn bị cho mùa lễ hội năm nay, Ban tổ chức đã chuẩn bị 5 nghìn chiếc đò, đồng thời tổ chức tập huấn cho bà con để đảm bảo an toàn cho du khách thập phương về trẩy hội. Phần lớn du khách đã rất hài lòng với công tác tổ chức và đảm bảo an ninh trật tự. Bà Nguyễn Thị Lựu - TP. Đà Nẵng cho biết, tôi thấy chùa Hương đây là một lễ hội rất là lớn, vì ở trong Nam nghe lâu rồi bây giờ mới đi mà thấy khách thập phương đông mà lễ hội rất nghiêm túc. Đó là những ghi nhận của chúng tôi tại một số lễ hội trong ngày khai mạc. Điều đó phản ánh phần nào công tác tổ chức quản lý khá trật tự, quy củ bởi vì có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng. Theo ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Hà Nội – Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương, Ban tổ chức đã họp, đã thống nhất và đã bố trí 15 tổ tuần tra trong toàn bộ khu vực lễ hội để tiếp nhận thông tin, xử lý kịp thời những tình huống an ninh có thể xảy ra, đồng thời cũng đã có những tình huống đặt ra và được tập huấn trước khi vào hội như công tác phòng cháy, cháy nổ hoặc chen lấn xô đẩy chỗ đông người hay đắm đò. Ban tổ chức yêu cầu nhân dân phải cam kết thực hiện các quy chế của ban tổ chức, các quy định thì cho đến nay 100% các hộ kinh doanh đều có cam kết phải thực hiện nghiêm các việc đó. Cũng trước giờ khai hội chùa Hương, Công an TP. Hà Nội đã phát hiện và xử lý hành chính 16 đối tượng “cò mồi”, chèo kéo du khách đi lễ hội chùa Hương.
Lễ hội cướp phết hỗn loạn.
Trước đó, theo kế hoạch giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho du khách, Đội Chống tội phạm trên tuyến, địa bàn trọng điểm (Đội 5) Phòng CSHS Công an TP. Hà Nội đã phối hợp với Cảnh sát giao thông và Công an các quận, huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Hà Đông, Thanh Xuân tổ chức cắm chốt dọc tuyến đường về chùa Hương để phát hiện tội phạm hình sự và những đối tượng có hành vi “cò mồi”, lôi kéo khách đi đò, gửi đồ, mua vé, ăn nghỉ... Các đối tượng bị phát hiện sẽ bị xử phạt hành chính, yêu cầu ký cam kết không tái phạm và thông báo về nơi cư trú để có biện pháp quản lý, giáo dục. Tuy nhiên, tình trạng dồn ứ du khách, để rác bừa bãi vẫn còn xảy ra khi ý thức một bộ phận du khách vẫn chưa chấp hành nghiêm quy định của ban tổ chức.
Bên cạnh đó, tình trạng “đầu voi đuôi chuột” ở không ít nơi thì mới là điều đáng nói. Bởi thực tế, trong nhiều năm trở lại đây, chỉ vài ngày sau khi khai hội, ngành văn hóa lại phải thừa nhận là đã xuất hiện nhiều biểu hiện tiêu cực phản cảm như là đốt vàng mã tràn lan, cờ bạc trá hình, đặt hòm công đức giọt dầu quá quy định hay là rải tiền lẻ.
Mặc dù trong nhiều năm trở lại đây, ngành văn hóa đã có nhiều cố gắng trong công tác thanh kiểm tra và quản lý, song vẫn tồn tại nhiều biểu hiện biến tướng, lệch lạc trong hoạt động lễ hội vẫn diễn ra tại một số nơi.
Theo PGS.TS. Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, hình ảnh này đã làm mất đi giá trị thiêng ở nơi thờ tự. Thứ hai là tình trạng này đã xúc phạm thần thánh, hình như họ cũng muốn gắn cho thần thánh những điều phàm tục của chúng ta là nhận nhiều tiền thì phải ban nhiều lộc cho họ. Thậm chí là đánh lừa thần thánh, bỏ tiền nhỏ nhưng đòi lộc lớn. Đó là những hình ảnh của mùa lễ hội trước, nhưng cũng là lời cảnh báo cho mùa lễ hội năm nay. Cuối năm 2015, lần đầu tiên ngành văn hóa đã tổ chức chấm điểm, xếp loại về công tác quản lý, tổ chức lễ hội của các địa phương. Tuy nhiên, có đến 29/63 tỉnh thành không gửi kết quả. Mới đây, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đã gửi công văn tới các tỉnh thành yêu cầu không cấp phép, phục dựng tràn lan những lễ hội mang tính “hiến sinh” như chém lợn, đâm trâu… và hạn chế tối đa những biến tướng nảy sinh trong lễ hội. Trước khi khai hội, một số địa phương lên các phương án để tổ chức và quản lý để lễ hội diễn ra an toàn.
Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều lễ hội nhất, trên 8 nghìn lễ hội mỗi năm, trong đó 2/3 là lễ hội dân gian. Vì thế, lễ hội có sức sống trong lòng người dân Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử, để giữ gìn nét đẹp văn hóa lễ hội truyền thống, hạn chế những biểu hiện tiêu cực, lệch lạc thì cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành văn hóa và các địa phương trong suốt cả mùa lễ hội. Tuy nhiên, để mùa lễ hội đảm bảo kỷ cương - văn minh du lịch, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của ban tổ chức, các cơ quan chức năng của địa phương thì cần nhất vẫn là sự tự ý thức và hành động của chính người dân.