Quản lý hành nghề y dược tư nhân ở Nghệ An, còn nhiều nỗi lo

27-07-2018 08:25 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Quản lý hành nghề y, dược tư nhân (HNYDTN) là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước. HNYDTN ở tỉnh Nghệ An cũng không nằm ngoài sự quan tâm đó.

Nghệ An đang là tỉnh phát triển rất mạnh y tế ngoài công lập, ngoài ưu điểm đem lại nhiều sự lựa chọn cho người dân, giảm tải cho y tế công thì quản lý HNYDTN đang là vấn đề nóng bỏng tại địa phương này. Báo SK&ĐS đã phỏng vấn PGS.TS. Dương Đình Chỉnh - quyền Giám đốc Sở Y tế Nghệ An về vấn đề này.

PV: Thưa ông, được biết hoạt động hành nghề y dược ngoài công lập ở Nghệ An đang phát triển rất nhanh, chỉ sau Hà Nội, TP.HCM. Ông có thể cho biết việc quản lý của ngành y tế như thế nào, đã ngang tầm với sự phát triển của loại hình này chưa?

PGS.TS. Dương Đình Chỉnh: Đúng là hoạt động HNYDTN tại Nghệ An đang phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.500 cơ sở HNYDTN, bao gồm 12 bệnh viện, hơn 400 cơ sở khám, chữa bệnh, 2.000 nhà thuốc… Bên cạnh mặt tích cực, góp phần cung ứng thuốc, dịch vụ khám, chữa bệnh, giảm tải cho các bệnh viện công đang trong tình trạng quá tải nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nỗi lo, đặt ra yêu cầu phải làm sao quản lý tốt vấn đề này.

Quản lý hành nghề y dược tư nhân ở Nghệ An, còn nhiều nỗi loTS. Dương Đình Chỉnh (người thứ 2 từ trái sang) và đoàn công tác kiểm tra một nhà thuốc không phép trên địa bàn huyện Hưng Nguyên.


Vẫn còn tình trạng hành nghề vượt quá phạm vi cho phép; quảng cáo vượt quá phạm vi chuyên môn; biển hiệu ghi chưa đúng quy định; người hành nghề ghi chưa đúng chức danh, không có mặt tại cơ sở hành nghề; niêm yết giá thuốc không đúng... đó là những bất cập trong hoạt động HNYDTN mà theo nhận định của chúng tôi, đây cũng là bức xúc chung của cả nước chứ không riêng gì Nghệ An. Vì vậy nếu không chấn chỉnh kịp thời sẽ dẫn đến chất lượng y tế không đảm bảo, tạo dư luận không tốt trong xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, ngành y tế Nghệ An đã nỗ lực vào cuộc quyết liệt cùng chính quyền địa phương, các ban, ngành để thực hiện tốt nhiệm vụ. Chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An ban hành Chỉ thị 03 ngày 29/1/2018 về việc tiếp tục tăng cường hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập, trong đó quy định UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, không để xảy ra hành nghề y, dược không phép xảy ra trên địa bàn quản lý từ ngày 31/3/2018.

Tổ chức xét cấp chứng chỉ hành nghề từ tần suất 1 lần/tháng trước đây lên 2 lần/tháng, cập nhật lên cổng thông tin Sở Y tế. Sắp tới, có thể nâng lên 3 lần/tháng để cấp phép cho các cơ sở HNYDTN. Chúng tôi cũng gửi công văn đến giám đốc trong toàn ngành về việc chấn chỉnh, quản lý chặt chẽ cán bộ trong cơ quan khi tham gia hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập…

PV: Về quản lý nhà nước, có thể thấy hoạt động của ngành y tế đã rất bám sát thực tiễn nhưng thưa ông, nếu không nghiêm khắc trong xử phạt, tăng cường thanh, kiểm tra dễ xuất hiện quản lý “nửa vời”?

PGS.TS. Dương Đình Chỉnh: Không để tình trạng chỉ quản lý trên giấy, chỉ ra văn bản, chỉ thị… Bản thân lãnh đạo ngành y tế đã trực tiếp đi kiểm tra đột xuất không báo trước và xử phạt nghiêm.

Thời gian qua, Nghệ An là một trong những tỉnh làm quyết liệt nhất cả nước về nội dung này. Đầu năm nay, qua thống kê, Nghệ An có 685 cơ sở không phép, đến ngày 31/3/2018 chỉ còn 483 và hiện tại, con số này giảm xuống là 156. Số cơ sở và tổng số tiền xử phạt tăng gấp hơn 4 lần so với năm 2017... Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong quản lý hoạt động HNYDTN, Nghệ An sẽ thực hiện quy trách nhiệm người đứng đầu; kiểm tra, xử lý dấu hiệu vi phạm của cán bộ, đảng viên; thực hiện đưa vào bình xét xếp loại danh hiệu thi đua cuối năm; giao trách nhiệm cho các địa phương đến ngày 30/9/2018 phải đình chỉ tất cả các cơ sở hành nghề y dược không phép hiện nay.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


Huy Hà (thực hiện)
Ý kiến của bạn