Tại phiên họp chuyên đề về xây dựng luật pháp diễn ra sáng ngày 21/3, Chính phủ đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Cơ quan nào sẽ được giao trách nhiệm quản lý giá thuốc, để hạn chế tình trạng tăng giá là một vấn đề nhận được sự quan tâm của các thành viên Chính phủ…
Ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước
Theo tờ trình của Bộ Y tế, dự án Luật sửa đổi 25/73 điều, của Luật dược hiện hành, bổ sung 7 điều trong đó bổ sung chính sách ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước, chính sách sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả hơn gắn với đẩy mạnh hoạt động dược lâm sàng và cảnh giác dược.
Báo cáo với Chính phủ tại phiên họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết theo quy định hiện hành, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ quản lý giá thuốc. Tuy nhiên, do ngành Y tế không có bộ phận quản lý giá, việc phân công nhiệm vụ giữa các bộ, ngành liên quan cũng chưa được rõ… dẫn tới việc quản lý giá đối với mặt hàng đặc biệt này còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, trong dự thảo Luật Dược, Bộ Y tế đề nghị giao thẩm quyền quản lý giá thuốc cho Bộ Tài chính. Vì theo Bộ Y tế, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý giá, có chuyên môn sâu, có bộ máy, nguồn lực để quản lý. Việc này cũng nhằm bảo đảm tính công khai minh bạch trong quản lý. Còn nếu để Bộ Y tế - cơ quan vừa sản xuất, vừa cấp phép, vừa sử dụng, vừa quản lý giá… thì sẽ dẫn tới tình trạng vừa "đá bóng, vừa thổi còi"; không bảo đảm khách quan, minh bạch trong quản lý. Tại phiên họp nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục giao cho Bộ Y tế làm đầu mối như hiện nay, đồng thời thành lập hội đồng liên ngành để quản lý giá thuốc.
Đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu trong việc quản lý giá thuốc. Ảnh T.M
Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp dược
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị Bộ Y tế vẫn chủ trì quản lý giá thuốc, còn các bộ khác sẽ phối hợp thực hiện. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ quan điểm tất cả vấn đề liên quan đến giá thuốc thì người bệnh đều phải chịu. Do vậy, về nguyên tắc không được để Luật Dược sau khi ban hành thì giá thuốc tăng lên. Dứt khoát phải đặt quyền lợi của người bệnh lên hàng đầu.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định giá thuốc là vấn đề rất hệ trọng. Cần quản lý chặt chẽ cung-cầu và hình thức tổ chức phân phối sản phẩm này. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp liên ngành, Phó Thủ tướng đồng tình với quan điểm lập Hội đồng quản lý giá thuốc và Luật chỉ nên quy định nguyên tắc, Chính phủ sẽ quy định cụ thể. Cũng về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh theo Hiến pháp mới, trách nhiệm này thuộc Bộ Y tế. Do vậy, nên thành lập Hội đồng quốc gia về giá thuốc do Bộ trưởng Y tế làm Chủ tịch.
Kết luận nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ đồng tình với đề nghị của các đại biểu tại phiên họp và cho rằng, xu hướng chung là bộ chuyên ngành quản lý giá và Bộ Tài chính quản lý về nguyên tắc định giá. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, để quản lý giá và góp phần giảm giá thuốc hiện vẫn đang còn cao cần làm tốt công tác cân đối cung cầu gắn với tập trung nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành công nghiệp dược, góp phần cung ứng thuốc cho thị trường trong nước. Thủ tướng cũng khẳng định dứt khoát Nhà nước phải quản lý giá thuốc, chất lượng thuốc, chủng loại. Vấn đề phải có cơ chế, cách thức quản lý hiệu quả. Theo đó, phải có người quản lý chịu trách nhiệm chính đồng thời cũng phải có người kiểm tra…
Nguyễn Hoàng